Nhóm phiến quân đứng đằng sau cơn khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar

Linh Chi 13/09/2017 08:35

Một chiến dịch quân sự mà chính phủ Myanmar đang thực hiện nhằm tiêu diệt những phiến quân tại khu vực cộng đồng người Hồi giáo Rohingya đã khiến cho hơn 300.000 người dân nước này phải bỏ chạy tới nước láng giềng Bangladesh. Sự việc đã khiến Liên Hợp Quốc lên tiếng thể hiện quan ngại sâu sắc.


Người Hồi giáo Rohingya vượt sông để tới nước láng giềng Bangladesh. (Nguồn: CNN).

Chiến sự nổ ra ở bang Rakhine của Myanmar từ ngày 25/8, khi những kẻ được cho là phiến quân người Rohingya sát hại 12 nhân viên an ninh trong các vụ tấn công phối hợp tại nhiều điểm chốt ở biên giới, theo truyền thông Myanmar.

Tổ chức phiến quân Rohingya có tên gọi ARSA, sau đó, đã đề xuất một lệnh ngừng bắn để cho phép các tổ chức cứu trợ tới xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhưng đề xuất lại bị chính phủ bác bỏ và cho rằng họ "không đàm phán với những phần tử khủng bố". Vậy phiến quân ARSA là tổ chức nào và tổ chức này muốn gì?

ARSA là ai?

ARSA là từ viết tắt của Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya, hay còn có tên gọi khác là Harakat al-Yaqeen, tức "Phong trào Tín ngưỡng". Một báo cáo mà Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) công bố vào tháng 12/2016 từng nói rằng tổ chức này được dẫn dắt bởi "một hội đồng người Rohingya ở Arab Saudi và là tổ chức có kinh nghiệm chiến đấu du kích hiện đại".

Trong một số cuộc phỏng vấn với các hãng tin nước ngoài, nhóm ARSA đã bác bỏ điều này. Trong lúc tuyên bố đại diện cho người Hồi giáo Rohingya, ARSA khẳng định rằng tổ chức này không hề có mối liên hệ nào với các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay al-Qaeda.

Người đứng đầu của nhóm phiến quân này là một người đàn ông có tên Ata Ullah. ICG cho hay người này sinh ra ở Karachi, Pakistan và chuyển tới Arab Saudi, nhưng bản thân Ullah lại bác bỏ chỉ tiết này. Trong một đoạn phỏng vấn với hãng tin CNN, Ullah nói rằng ARSA không chịu ảnh hưởng từ những người ủng hộ ở Arab Saudi cũng như không liên hệ với các tổ chức ở Pakistan, Bangladesh hay Afghanistan.

Ullah cũng khẳng định ARSA không phải tổ chức khủng bố và sẽ không bao giờ tấn công thường dân, mà mục tiêu duy nhất của họ chính là lực lượng chính phủ.

Tổ chức này muốn gì?

ARSA tuyên bố đang chiến đấu đại diện cho một triệu người Rohingya đang sinh sống tại bang phía Tây Rakhine của Myanmar, những người mà tổ chức này cho rằng không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Ullah từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ARSA chiến đấu vì quyền tự do, quyền được hưởng nền giáo dục và chăm sóc y tế, và quyền công dân.

Được biết, trong năm 1982, một bộ luật về quyền công dân được thực thi cho phép người Rohingya xin quyền công dân nếu họ có thể nói được ngôn ngữ chính thức và chứng minh rằng gia đình họ sinh sống ở Myanmar trước ngày độc lập. Nhưng phần lớn người Rohingya chưa từng nhận được giấy tờ gì bởi vậy nên vẫn ở trong tình trạng không có quốc tịch.

Myanmar cho đến nay vẫn không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước này và gọi nhóm người trên là người Bengalis hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh mặc dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.

Quân đội Myanmar cho hay, họ đã tiêu diệt được gần 400 tay súng trong chiến dịch lần này, nhưng con số hiện tại vẫn chưa được cập nhật.

ARSA được cho là tuyển mộ binh sỹ từ những người dân làng bỏ trốn. Đàn ông trẻ tuổi và cả thanh thiếu niên cũng bị tổ chức này thuyết phục hoặc đe dọa phải tham gia hàng ngũ của họ. Tổ chức này đã chiến đấu chống chính phủ Myanmar kể từ tháng 10 năm ngoái, khi các tay súng tấn công một điểm chốt biên giới khiến nhiều cảnh sát thiệt mạng.

Theo số liệu của chính phủ Myanmar, trong khoảng thời gian từ ngày 25/8 đến 4/9 vừa qua, ARSA đã tiến hành 97 vụ tấn công khủng bố, khiến 36 người thiệt mạng, trong đó có 13 người thuộc lực lượng an ninh, 21 người dân tộc thiểu số và hai nhân viên thuộc chính phủ và 22 người bị thương.

Thủ lĩnh tổ chức này, Ata Ulla, khẳng định rằng ARSA không nhận được sự hậu thuẫn hay nguồn tài chính từ nước ngoài. Khi những chiến binh của tổ chức này thực hiện vụ tấn công hồi tháng 10 năm ngoái, Ullah cũng nói những chiến binh của họ không có "bất cứ vũ khí hiện đại nào".

"Chúng tôi tấn công sử dụng mã tấu, kiếm, và dao, và chúng tôi thu giữ vũ khí của họ để chống lại họ" - Ullah từng nói.

Tuy nhiên, trong một số đoạn video mà tổ chức phiến quân này đẳng tải trên mạng xã hội mới đây, những con dao đã không còn. Những người đàn ông bịt mặt của nhóm này cầm súng trường dí vào camera, kêu gọi những người ủng hộ gia nhập hàng ngũ của chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhóm phiến quân đứng đằng sau cơn khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO