Những bản tình ca trong cuộc sống đời thường - Bài 2: Thong thả tiếng chuông chùa

Giang Vương 21/07/2022 18:30

“Cứ đụng vào thuốc tây là cơ thể lại phản ứng. Đầu tiên là mẩn đỏ, sau cứ sưng tấy dần và đau nhức. Những lúc như thế chỉ biết cắn răng chịu đựng và thành tâm niệm Phật mà thôi” - đó là tâm sự của sư cô Đàm Phương, trụ trì chùa Cau Đẻ (thuộc xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Sư cô Thích Đàm Phương trong gian chính điện của ngôi chùa Cau Đẻ.

Vào tuyến lửa

Chúng tôi có mặt ở Thái Bình vào những ngày trung tuần tháng 7, khi những cánh phượng vĩ nhuộm đỏ cả một góc trời. Cũng chẳng mất nhiều thời gian để hỏi thăm về chùa Cau Đẻ, nơi vị trụ trì là một nữ thanh niên xung phong của hơn 40 năm trước, lấy cửa Phật làm chốn nương nhờ với thong thả tiếng chuông chùa.

Tháng 12/1965, nghe theo tiếng gọi của Đoàn, cô gái Nguyễn Thị Phương, lúc ấy mới 17 tuổi làm đơn xin được lên đường ra tiền tuyến. Cô được biên chế vào C894, bảo vệ, sửa chữa và làm đường cho xe đi, tuyến đường từ ga Gôi (thuộc Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đến Thanh Hóa “Chúng tôi chủ yếu là sửa chữa và thông đường cho tuyến đường sắt” - sư cô Đàm Phương chậm rãi kể.

“Hôm ấy vào khoảng 4 giờ chiều ngày 20/8/1966, chúng tôi nhận được lệnh từ cấp trên chuẩn bị đi vào Thanh Hóa để chi viện thêm cho chiến trường thì máy bay Mỹ ập tới. Đầu tiên chúng bắn tên lửa, rồi sau đó trút bom xuống đoàn tàu đang chứa đầy hàng. Tiếng chuông báo, tiếng hô hoán nhau cứu tàu, cứu người hòa lẫn tiếng bon rơi, đạn nổ. Cả đơn vị cứ thế lao vào, người thì dập lửa, người thì vác hàng rời sang chỗ khác, chẳng ai màng tưởng đến sự sống cả. Cứ thế mà xông lên thôi” - hướng ánh mắt về phía xa xăm, ni cô Đàm Phương nhớ lại và cho biết, “chỉ nghe mọi người kể lại là sau khi cứu được đoàn tàu, cả đơn vị của chúng tôi đã ngất đi và được đưa đi cấp cứu”.

Sau khi điều trị trở về đơn vị, cô gái quê lúa lại tiếp tục cùng đồng đội hành quân vào tuyến lửa Quảng Bình để mở đường Trường Sơn. Và ở tuyến lửa này, một lần nữa họ lại cận kề cái chết. “Vào khoảng cuối năm 1969, chúng tôi đang hành quân tới km73, đèo Polainhích thuộc địa phận của nước bạn Lào thì máy bay địch ập đến, trút bom. Ngay lúc ấy, chúng tôi bị đẩy ngã vào hầm. Đến khi yên ắng trở lại thì mới biết người đẩy chúng tôi vào hầm chính là đồng đội của chúng tôi. Các anh Viện, Lai, Xôi đẩy chúng tôi xuống hầm và dùng chính thân thể của các anh ấy che miệng hầm. Cả ba anh sau đó đã hy sinh” - sư cô Đàm Phương run giọng.

Sư cô Thích Đàm Đoán lần dở những kỷ vật.

Nương nhờ cửa Phật tìm chốn bình an

Sau khi hoàn thành 2 nhiệm kỳ chi viện cho tiền tuyến, đến ngày 25/7/1972 chị Nguyễn Thị Phương trở về quê với mái đầu rụng tóc, nước da mai mái do bị sốt rét rừng. “Lúc ấy tôi nặng chưa đầy 30kg, tiều tụy lắm. Mẹ đón tôi với nước mắt” - sư cô Đàm Phương nhớ lại.

Trở về từ chiến trường với thương tật 3/4, cùng với di chứng từ chất độc, từ rừng thiêng khiến sức khỏe chị ngày càng yếu đi. Đặc biệt, khả năng làm mẹ với các chị đã vĩnh viễn mất đi. “Lúc về, tôi tham gia công tác ở xã Vũ Hội, làm Phó Bí thư Đoàn rồi tham gia vào HTX giống cây trồng để chi viện cho chiến trường. Công tác ở xã cũng được 13 năm cơ đấy. Sau này vẫn tham gia khối Mặt trận, nhưng hơn một năm nay, sức khỏe yếu rồi nên đành gác lại thôi” - sư cô Đàm Phương cho biết.

Khi được chúng tôi hỏi về căn nguyên để đến với cửa chùa, sư cô bảo, nó là cái duyên, cái căn của mình rồi. “Có những đồng đội của tôi sau khi trở về cũng xây dựng gia đình, nhưng khi sinh nở chẳng ai giữ được” - rơm rớm nước mắt, sư cô kể tiếp: “Khi biết tôi nương nhờ cửa Phật, mẹ buồn và khóc. Mẹ bảo, phận con đã thế, con cứ theo”.

Nói về những đồng đội của mình trở về sau cuộc chiến, sư cô Đàm Phương cho biết, đồng đội cùng thế hệ của mình cũng có một số người theo Phật. Có sư Thích Đàm Đoán bên chùa Văn, sư Thân ở chùa Đông Am, sư Dậu ở chùa ở chùa Đông Xá…

Kể về đồng chí, đồng đội, sư Đàm Phương chia sẻ, cách đây vài năm, sư Dậu đã viên tịch rồi.

Sư Dậu tên thật là Đoàn Thị Dậu, trở về quê hương khi đất nước đã thống nhất, ngó lại tuổi thanh xuân đã vụt qua. Cha mẹ cũng đã khuất núi. Sức khỏe của chị lại giảm sút bởi di chứng của 3 mảnh bom găm vào đầu mà chưa lấy ra được cộng với chất độc màu da cam… “Tai Dậu bị điếc đặc, một mắt hỏng hoàn toàn, răng rụng gần hết. Được đồng chí đồng đội hướng đạo và giới thiệu, Dậu vào chùa Dư Hàng để nương nhờ cửa Phật” - sư Đàm Phương kể về người đồng đội cũ của mình.

Rồi như sực nhớ ra điều gì đó, sư Đàm Phương giới thiệu với chúng tôi về sư Đoán, hiện đang tu tại ngôi chùa nhỏ thuộc làng Văn (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Tờ giấy khai sinh của cháu bé yểu mệnh được sư cô Thích Đàm Đoán giữ từ năm 1971.

Ước mơ vuông tròn

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình đã đóng góp hơn 34 nghìn thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Và đến bây giờ, ở gần 20 ngôi chùa có những nhà sư, từng là nữ thanh niên xung phong nương tựa tìm chút bình an nơi cửa Phật.

Theo chỉ dẫn của sư cô Đàm Phương, chúng tôi tìm đến ngôi chùa nhỏ nằm khuất nẻo trong góc làng Văn (thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để gặp sư cô Thích Đàm Đoán.

Là người con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, năm 1965, khi đang công tác tại một bệnh viện của tỉnh Thái Bình, cô gái Bùi Thị Đóa nhận được thông tin từ bạn bè: Trung ương Đoàn phát động phong trào “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đi mở đường, phục vụ cho tiền tuyến. Chị quyết định viết đơn tình nguyện.

Sau khi được xét duyệt nguyện vọng, chị được gia nhập đơn vị C895, Binh đoàn 559, đi lấp hố bom, xây cầu, làm đường. Đơn vị của chị phụ trách là tuyến đường từ ga Gôi của tỉnh Nam Định vào đến Thanh Hóa.

Trong trận cứu tàu hàng tại ga Gôi xảy ra vào tối ngày 20/8/1966, chị cùng các đồng đội bị ngất đi. Chỉ đến khi tỉnh lại đã thấy mình đang được điều trị tại Bệnh viện Đường sắt ở Hà Nội. “23 người hy sinh, 256 người bị thương và nhiễm độc nặng. Tôi là người may mắn trong số 256 người bị thương ấy” - sư Đoán nhớ lại.

Rời chiến trường, với thương tật 4/4 cộng với tình trạng sức khỏe ngày một yếu do di chứng của chất độc hóa học, chị được tổ chức phân công về Phòng Y vụ của Bệnh viện Việt Bun (nay là Bệnh viện đa khoa Thái Bình). “Sức khỏe yếu, cộng thêm di chứng nên không làm được việc nặng. Kể cả việc đọc bệnh án cũng là một khó khăn rồi vì một mắt bị mờ. Nhiều lần, đang làm việc thì ngã vật ra, khiến các đồng nghiệp phải dìu vào cấp cứu” - sư Đoán kể.

Trong câu chuyện với sư Đoán, chúng tôi được nghe về câu chuyện của người đồng đội của sư cô là chị Vũ Thị Lan. “Sau khi xuất ngũ, Lan trở về quê, rồi có người thương, chị ấy lấy chồng. Nhưng đau xót lắm, ba lần sinh nở, là ba lần con của Lan đã không nguyên vẹn như những đứa trẻ khác. Cũng bởi thế mà hơn 20 năm nay, Lan cũng lên chùa ăn chay, tụng kinh” - sư Đoán nói.

Sư Đoán còn kể cho chúng tôi nghe về ni cô Trần Thị Thơm, tu hành tại chùa Đông Hồ (xã Thụy Phong, Thái Thụy). Năm 17 tuổi, Thơm trốn gia đình, cùng các anh chị xung phong và tuyến lửa miền Trung. Ngay tại tuyến lửa, Thơm kết duyên với chồng mình là một chiến sỹ thông tin. “Trong một trận đánh, Thơm bị mảnh bom găm vào đầu. Hòa bình lập lại, hai người tiếp tục công tác trong quân đội thêm một thời gian nữa rồi nghỉ mất sức” - sư Đoán kể.

Sau này, tình cờ sư Đàm Phương gặp lại Thơm ở thành phố Thái Bình mới biết Thơm bị bệnh. Sư Đàm Phương đã đưa chị Thơm về chùa để chăm sóc nhau. Hơn mười năm trước, chị Thơm quyết định xuống tóc nương nhờ cửa Phật.

... Đôi tay run run lần dở lại những ký ức còn sót lại, sư Đoán cho biết: “Trước khi xuống tóc nương nhờ cửa Phật, tôi cũng đã từng có một đứa con”. Như không để chúng tôi sửng sốt, sư Đoán giải thích luôn: Cháu là một đứa trẻ bị bỏ rơi, vào tháng 5/1971. “Nhưng có lẽ, tôi không có căn quả nên cháu ở với tôi chỉ được một thời gian ngắn rồi bỏ tôi mà đi”.

Sư Đoán kể: “Lúc ấy tôi mới 22 tuổi, tôi đặt tên con là theo họ của tôi. Cháu kháu khỉnh lắm, ham ăn và ai cũng bế được. Ai biết chuyện cũng mừng cho tôi. Nhưng cũng chỉ được mấy ngày thì cháu mất”.

Sau biến cố ấy, chị như một người mất hồn, thường đi lang thang một cách vô định. Rồi chẳng hiểu vì lẽ nào chị đi lạc tới ngôi chùa làng Văn. Lúc này, sư trụ trì chùa đã lớn tuổi, nhận chị vào chùa cùng tụng kinh, gõ mõ...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bản tình ca trong cuộc sống đời thường - Bài 2: Thong thả tiếng chuông chùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO