Những bông hoa ngát hương

Nguyễn Quốc - Thu Hương 21/11/2019 08:00

Những ngày này, cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hơn một triệu giáo viên, nhà giáo của cả nước đã được đón nhận sự tri ân của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và toàn xã hội đối với sự nghiệp trồng người cao quý và vẻ vang.

Những bông hoa ngát hương

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ tặng hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam cho giáo viên Trường Chuyên biệt tương lai.

Nghìn lời tri ân không bao giờ là đủ

Đối với những giáo viên đang giảng dạy tại các lớp học tình thương cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì hàng trăm, hàng nghìn lời cảm ơn, lời tri ân cho thầy cô sẽ chẳng bao giờ là đủ…

Gắn bó với lớp học tình nguyện gần 20 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hồng (trú tại phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), vẫn miệt mài hằng ngày đem những con chữ của mình để giảng dạy cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại nhà văn hóa cộng đồng (thuộc phường Hương Sơ) với mong muốn những em thiếu may mắn có được những kiến thức cơ bản để làm hành trang bước vào đời.

“Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em nhỏ không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nên chúng tôi đã mở lớp học này, đồng thời đứng ra vận động nhiều gia đình cho các cháu đến học tại lớp học này” - cô Hồng chia sẻ.

Cũng giống như cô Hồng, gần 30 năm qua cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh âm thầm mở lớp học tình thương tại phường Kim Long (Tp Huế) để dạy miễn cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Đa số các em học sinh ở đây đều thuộc gia đình nghèo, ban ngày thì phụ gia đình làm việc kiếm thêm thu nhập nên buổi tối mới có thời gian đến lớp học tình thương của cô Hạnh để biết thêm con chữ.

Tại trường Chuyên biệt tương lai thuộc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên-Huế ngôi trường bán trú dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Trường được thành lập nhằm tạo điều kiện cho trẻ chậm phát triển trí tuệ có cơ hội được đến trường, được học tập, được vui chơi cùng bạn bè và phát huy hết khả năng của chính bản thân để sau này có cơ hội được sống độc lập và hòa nhập vào xã hội. Nơi đây hiện đang nhận nuôi dạy bán trú trên 50 cháu khuyết tật mỗi năm.

Đối với những cô giáo nơi đây, niềm vui của các cô đôi khi chỉ là tiếng cười òa sung sướng khi học sinh tự đút được cơm ăn, và nhẹ lòng khi nhìn các cháu bé viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết.

Chính sự hy sinh tầm lặng của các cô giáo đang ngày đêm gieo những con chữ đến với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Đau đáu với học trò kém may mắn

Là một trong số những nhà giáo được vinh danh ở giải thưởng Những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2019, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là người gắn bó nhiều năm với trẻ tự kỷ. Chọn học Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngay từ khi còn là sinh viên cô giáo Diệp đã có duyên nhận dạy kèm một trẻ tự kỷ. Kể từ đó, cô đã có những trăn trở đầu tiên với đối tượng học sinh đặc biệt này. Tới năm 2003, cô Diệp về dạy tại Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) và được giao nhiệm vụ kèm một học sinh tự kỷ. Khi đó, cô Diệp đã tìm hiểu kỹ hơn về trẻ mắc chứng tự kỷ với các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. “Em ấy không thể ngồi tập trung học, không nghe lời cô nói ngay nên phải kiên trì hướng dẫn em từng việc nhỏ.. Cũng có những khi cảm thấy bất lực vì hướng dẫn rất nhiều lần em vẫn chưa thực hiện được, nói trước quên sau nhưng dần dần những nỗ lực của mình cũng đạt được thành tựu khi hướng em được vào các hoạt động học tập bình thường”- cô Diệp tâm sự.

Những bông hoa ngát hương - 1

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp cùng học sinh hỗ trợ các bạn mắc chứng tăng động vào giờ ra chơi.

Trải qua việc dạy học ở các Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, Trường tiểu học Tân Mai… đều gắn bó với việc giảng dạy có trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động… trong lớp, cô Diệp càng có thêm những kinh nghiệm để tiếp cận, làm bạn với những cô bé, cậu bé đặc biệt này. Thậm chí, sau giờ trên lớp, cô còn tham gia các lớp học, trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các tổ chức phi chính phủ để có thêm nhiều hiểu biết liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt, cô Diệp cũng tham gia CLB cha mẹ trẻ tự kỷ để nghe phụ huynh chia sẻ, hiểu hơn các học sinh của mình cũng như cách tiếp cận các em làm sao có hiệu quả. Đến năm học 2018-2019, cô đã tự mình mày mò và nghiên cứu, thiết kế thành công phần mềm Hỗ trợ trẻ khuyết tật (Trẻ tự kỉ, phổ tự kỉ, tăng động giảm tập trung) ở môn Toán, Tự nhiên xã hội, giai đoạn 1(lớp 1,2,3).

Ưu điểm của phần mềm này là các bài học được thiết kế đơn giản, đưa nhiều hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy giúp trẻ dễ tiếp thu. Bởi cô hiểu, đây là những thế mạnh của các em cần được phát huy triệt để so với những phần mềm dạy học thông thường khác. Nhiều phụ huynh trong CLB cha mẹ trẻ tự kỷ đã tiếp cận với phần mềm này và cho biết sản phẩm thân thiện, hữu ích, giúp cha mẹ cùng con tự học tại nhà, tự rèn luyện…

Là giáo viên luôn gương mẫu và nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô Diệp ngoài thời gian giảng dạy tại trường đã sẵn sàng dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc chăm sóc, dạy dỗ học sinh mắc chứng tăng động, giảm tập trung, học sinh tự kỷ. Cô Diệp hy vọng, trong tương lai, sẽ có nhiều trẻ tăng động, giảm tập trung được rèn luyện kĩ năng tự học, tự khám phá thế giới xung quanh bằng phần mềm của cô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bông hoa ngát hương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO