Những bức ảnh kể chuyện

PHẠM NGỌC HÀ 30/12/2022 07:38

Một ngày cuối năm, tôi đến thăm nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chu Chí Thành, cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong căn nhà ở đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), khi nhắc lại những kỷ niệm về trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mùa Giáng sinh năm 1972, ông Thành vẫn bồi hồi xúc động.

“Tôi đứng trước bệnh viện mà lòng cảm thấy đau nhói”

Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Ảnh: Ngọc Hà.

Mở cửa đón tôi là người đàn ông đã chạc tuổi 80, mái tóc đã bạc nhiều nhưng vẫn còn hiện hữu cái phong thái của một nhà báo đầy trải nghiệm. Là phóng viên “cứng” của TTXVN, Chu Chí Thành đã từng xông pha ra mặt trận đưa tin, chụp biết bao bức ảnh tốt về những câu chuyện thời chiến, và trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những cuộc chiến đã để lại trong ông nhiều cảm xúc.

Rót trà mời khách xong, ông Thành quay đi lấy cuốn sách ảnh “Ký ức chiến tranh”, lật dở từng trang, bồi hồi kể: “Năm 1972, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không xảy ra ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc, riêng về phía TTXVN được biết tin trước rằng Mỹ sẽ ném bom xuống Hà Nội. Chúng tôi đã chuẩn bị một phần lực lượng để đi sơ tán, một phần trụ lại Hà Nội để chụp ảnh và đưa tin.

Với những người ở lại, trước khi Mỹ ném bom, chúng tôi được lãnh đạo TTXVN mời đến để giao nhiệm vụ và nói rõ rằng, đây là một trận quyết chiến quyết thắng rất ác liệt nhưng chúng ta sẽ nắm phần thắng trong tay. Điều đó mở ra cho phóng viên một niềm tin để tự bản thân phải đặt trách nhiệm làm sao để có thể chụp ảnh, đưa tin tốt nhất và làm thế nào để thể hiện được ý chí quyết chiến quyết thắng của dân, quân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước”.

Ông Thành kể tiếp: "Ngày đầu tiên Mỹ ném bom xuống Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), phóng viên TTXVN được lệnh sang bên đó chụp ảnh, đưa tin. Lúc ấy tôi đang ở buổi họp báo tại CLB Hùng Vương, thấy còi báo động mọi người xuống hầm nhưng có nhiều người không biết rằng đó là B52. Là một người đã từng nếm trải B52 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) nên khi máy bay đến tôi nhận ra ngay tiếng động cơ kêu ầm ì của nó. Chỉ cần nghe tiếng bom dội từ xa là tôi hiểu Hà Nội trận này bị B52 ném bom thật rồi. Hôm đó, nhóm đồng nghiệp của tôi đi Đông Anh, đến quá nửa đêm đưa tin về và bắt đầu phát ảnh vô tuyến ra nước ngoài, sang các nước xã hội chủ nghĩa và cả đài của Mỹ, Pháp, Nhật qua telephoto.

Trận đánh đầu rất ác liệt, một số bộ đội, đồng bào hy sinh. Nhưng ngay hôm đó quân ta đã bắn rơi được B52. Tôi theo chỉ đạo được phân công trực chiến, ăn ngủ tại cơ quan, mỗi người trực 1 ngày 1 đêm. Đêm ngày 21/12/1972, Mỹ ném bom xuống Bệnh viện Bạch Mai và ngay sớm hôm sau là ngày tôi trực.

Tôi đứng trước bệnh viện mà lòng cảm thấy đau nhói. Bệnh viện Bạch Mai bị sập xuống mấy dãy nhà, hố bom sâu hoắm trước cổng, cán bộ bệnh viện, dân phòng, dân quân tự vệ, công an đã bắt đầu thu dọn đống đổ nát. Tôi chụp được ảnh toàn cảnh bệnh viện sau trận bom. Sau đó tôi đi đến chỗ hầm bị sập, mọi người đang tháo gỡ từng tảng xi măng, cục gạch, tấm thảm bông để lấy không khí cho người ở dưới thở, sau rồi mới đưa lên. Chứng kiến cảnh tượng đó phải chắc tay, kiềm lòng lắm tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Tôi biết rằng Bệnh viện Bạch Mai trước đó đã được sơ tán đi một phần, ở lại chỉ là những trường hợp nặng và các bác sĩ trực chiến. Vậy mà Mỹ ném bom xuống bệnh viện tức là muốn tiêu diệt cơ sở cứu người, điều này chứng tỏ hành động vi phạm pháp luật quốc tế. Tinh thần chụp ảnh để tố cáo tội ác chiến tranh lúc ấy đã khuyến khích chúng tôi lao vào trận rất hăng hái. Những bức ảnh của chúng tôi là một lời tố cáo đanh thép không thể nào chối cãi”.

Bệnh viên Bạch Mai bị máy bay B52 dội bom, ngày 22/12/1972.

Một cuộc chiến đấu ngoan cường

Lật dở từng trang ảnh, nhà báo Chu Chí Thành giọng đầy tự hào: “Chúng ta đã chiến thắng cả ở trên chiến trận và cả trên bàn đàm phán. Người Mỹ nói rằng họ cho phi công lái máy bay ra ngoài Hà Nội ném bom coi như dạo chơi trên không, lực lượng của ta không thể hạ được máy bay Mỹ. Nhưng không ngờ rằng chúng ta đã hạ được những 34 chiếc B52, đấy là con số kỳ diệu. Chính việc bộ đội ta bắn rơi máy bay đã giúp cho cuộc đàm phán tại Paris có cơ sở để dành thắng lợi. Khi đó chúng ta đàm phán trên thế mạnh chứ không đàm phán trên thế yếu.

Thêm vào đó, những bức ảnh chúng tôi chụp được là bằng chứng gửi trực tiếp sang Pháp. Những bức ảnh đó đã góp phần cho tiếng nói của đoàn đại biểu chúng ta ở Hội nghị Paris thêm trọng lượng”.

Một đường hầm bị sập, bác sĩ và y tá bệnh viện bàn cách cứu các nạn nhân còn lại trong hầm.
Trận địa pháo đặt tại sân vận động Hàng Đẫy, ngay trong lòng Hà Nội.

50 năm đã trôi qua, đến bây giờ NSNA Chu Chí Thành vẫn cảm nhận được nhân dân Hà Nội cũng như quân đội ta bước vào trận đánh B52 với một tư thế rất tin tưởng, sẵn sàng chiến đấu ngoan cường và đón nhận chiến thắng.

“Ý chí là một, lòng dũng cảm là hai, tinh thần yêu nước là ba. Ba cái đó quyện lại với nhau thì sẽ trở thành một lực lượng vô địch. Bởi thực tế ngày 16/4/1972, Mỹ ném bom ở Hải Phòng, quân ta bắn lên 90 quả tên lửa nhưng không hạ được chiếc máy bay nào. Điều này đã làm cho Tổng thống Nixon chủ quan và quyết tâm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”.

Thế nhưng khi Mỹ ném bom Hà Nội, chúng ta đã rút được kinh nghiệm. Lúc đó ta đã tìm được biện pháp phá được nhiễu sóng của máy bay Mỹ và bắt được mục tiêu B52 trong 12 ngày đêm, nhờ tài sáng tạo quân sự”, ông Thành nói.

Xác máy bay B52 rơi ở Định Công, Thanh Trì, Hà Nội.

Kể lại những kỷ niệm ấy, nhà báo Chu Chí Thành rất tự hào vì mình là phóng viên được làm việc trong thời kỳ đó và qua ống kính máy ảnh đã phần nào thể hiện được những con người mình nể trọng, mình yêu quý. Đó là điều mà ông nhận thức được và ăn sâu trong tâm khảm.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta càng có thêm điều kiện để nhận định, đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc to lớn của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng mùa đông năm 1972 là một bản hùng ca vang mãi, là biểu tượng cho ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam.

NSNA Chu Chí Thành sinh năm 1944 tại Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Chu Chí Thành trở thành phóng viên của TTXVN từ năm 1967. Năm 1980, Chu Chí Thành tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí ở Trường Đại học Tổng hợp Các-Mác Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức). Đến năm 2005, ông làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012) với cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bức ảnh kể chuyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO