Những cách làm hay của người Mặt trận

Việt Hà (thực hiện) 12/03/2017 08:05

MTTQ thông qua các phong trào, các cuộc vận động để vận động nhân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tuy nhiên, để làm được việc đó, người Mặt trận phải không ngại khó khăn, sẵn sàng đến với những người nghèo, những vùng gian khó để khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực cùng giúp nhau thoát nghèo. Ông Đỗ Đức Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với Đại Đoàn Kết về việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở một địa phương - nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Cán bộ MTTQ tỉnh Bắc Kạn giám sát việc xây dựng đường bê tông nông thôn.

PV:Bắc Kạn là một tỉnh nghèo, đời sống người dân nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Vậy khó khăn đó ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào do MTTQ phát động không, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Quang: - Theo tôi là có, rất nhiều đằng khác. Bắc Kạn vốn là một tỉnh miền núi nghèo, điều kiện, vị trí địa lý của một số xã vùng sâu, vùng xa quá khó khăn cho phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng đòi hỏi đầu tư lớn. Vì thế số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đến nay mới có 3 xã; số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị có 1 phường; tỷ lệ xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thấp.

Cùng với việc giảm nghèo chậm, giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao thì một số ít người vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chủ động tự giác vươn lên thoát nghèo, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Chẳng thế mới có chuyện, khi cán bộ Mặt trận đến nhà dân vận động đóng góp kinh phí để bê tông hóa đường giao thông, một người dân bảo: “Nhà mình tiền mua gạo còn chưa có thì lấy tiền đâu mà đóng góp. Mình đợi Nhà nước xây đường mới thôi”.

Hay như khi cán bộ Mặt trận vận động thực hiện tiêu chí môi trường, không nuôi gia súc gần nhà để vừa giữ gìn vệ sinh, vừa phòng tránh dịch bệnh thì nhiều người bảo, tài sản của nhà mình chỉ có mỗi con trâu, giờ cán bộ bảo không nuôi gần nhà vậy kẻ trộm vào lấy trâu của mình cán bộ có đền được không?

Đấy chỉ là những ví dụ rất nhỏ về những khó khăn của cán bộ cơ sở trong quá trình đi vận động người dân tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động. Thế nhưng, khó không có nghĩa là không làm được.

Trong những hoàn cảnh đó, người làm công tác Mặt trận lại phải rất khéo léo, kiên trì trong vận động cũng như tìm cách giải quyết hài hòa giúp người dân. Cùng với đó là xây dựng những mô hình điểm, những điển hình tiên tiến để người dân thấy được rằng chỉ có chung tay xây dựng nông thôn mới thì đời sống của bà con mới nhanh thoát nghèo.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi vào cuộc sống được hơn 1 năm và chứng minh hiệu quả thiết thực. Như ông vừa chia sẻ là khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Vậy cuộc vận động này đã được MTTQ các cấp tỉnh Bắc Kạn tổ chức thực hiện như nào?

- Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản về việc thực hiện hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã xây dựng các kế hoạch thực hiện trong năm, triển khai tuyên truyền vận động lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức giám sát, phản biện xã hội về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, MTTQ đã rất chú trọng vào khâu tuyên truyền. Thực tế cho thấy, ý thức người dân quyết định sự thành công của các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vậy phải làm sao để dân tham gia tự nguyện, ai cũng thấy mình có vai trò đóng góp cho thành công chung.

Quá trình triển khai ở cơ sở, MTTQ các cấp đã có những cách tuyên truyền vận động rất sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn dân cư của mình. Điển hình như việc cán bộ Mặt trận vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô trong sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp và dịch vụ.

Qua vận động, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư về lao động, tiền vốn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa như các mô hình: nuôi lợn siêu nạc, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi ong lấy mật, nuôi vịt thương phẩm, nuôi rắn, trồng cây ăn quả, cây rau màu,... giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Bởi vậy, bên cạnh những khó khăn như đã nêu ở trên thì cũng có không ít những điểm sáng, những mô hình làm kinh tế giỏi giúp người dân thoát nghèo.

Đó là tín hiệu rất đáng mừng, mở ra những hướng thoát nghèo mới cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Bắc Kạn. Ông có thể giới thiệu cụ thể hơn về những mô hình, điển hình này?

- Rất nhiều. Đó là việc người dân tham gia các tổ hợp tác, tổ chức thành lập và hoạt động Hợp tác xã kiểu mới, từng bước xây dựng thương hiệu nông dân sản xuất hàng hóa đặc trưng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 51 tổ hợp tác có đăng ký chứng thực với chính quyền địa phương; hơn 2.000 tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở tự thành lập, hoạt động chủ yếu là trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tín dụng...

Riêng năm 2016, toàn tỉnh có 20 hợp tác xã được thành lập, trong đó có 16 HTX nông, lâm nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 81 HTX.

Các HTX trong tỉnh đã chủ động phát huy nội lực, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động tại địa phương. Nhiều người dân đã ý thức được việc chỉ có tham gia tổ hợp tác, HTX mới có thể mở rộng sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm từ đó có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Cùng với đó, người dân trong các khu dân cư tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải trong sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp.

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân tại nhiều địa phương vẫn thực hiện rất tốt hương ước, quy ước của thôn, bản; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội. Toàn tỉnh có 1.328 tổ An ninh nhân dân, 1.303 Tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ nhân dân, tạo không khí hòa thuận ở khu dân cư. Hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp.

Được biết, kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh, MTTQ đã có một số hoạt động thiết thực chào mừng, trong đó nổi bật là công tác xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Thưa, ông có thể nói rõ hơn về kết quả này?

-Trong các hoạt động thi đua, nổi bật hơn cả là việc Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 200 ngôi nhà Đại đoàn kết. Với một tỉnh còn nhiều khó khăn thì đây là mục tiêu không đơn giản chút nào.

Căn cứ nguồn kinh phí vận động ủng hộ xây dựng “Quỹ Vì người nghèo” tỉnh kết dư, MTTQ các cấp tích cực vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ người nghèo...

Kết quả trong năm 2016 MTTQ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 216 căn nhà cho hộ nghèo với tổng số tiền là: 6.676.000.000 đồng, đạt và vượt kế hoạch đề ra 16 nhà. Các căn nhà đại đoàn kết đều có diện tích sử dụng tối thiểu là 35m2 , tối đa là 120m2; nhà cấp bốn, tường gạch, nền lát gạch, mái vì kèo gỗ, lợp phibrôximăng.

Quá trình thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện nghiêm túc theo nguyên tắc phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, dòng họ tham gia đóng góp, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở và có sự giám sát, giúp đỡ về ngày công, vận chuyển nguyên vật liệu của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở.

MTTQ các cấp phối hợp với UBND cùng cấp trong việc lập danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ với mục tiêu cố gắng không để sót, không để nhầm, không để hộ nghèo bức thiết về nhà ở mà không được hỗ trợ trong dịp này.

Xin nói thêm thế này, mặc dù còn nhiều khó khăn, mặc dù số xã về đích nông thôn mới vẫn còn khiêm tốn so với các địa phương khác, thế nhưng trong năm 2017 này, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành của những người làm công tác Mặt trận, tôi tin cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại Bắc Kạn sẽ có những bứt phá.

Trân trọng cảm ơn ông.

Riêng năm 2016, toàn tỉnh có 20 hợp tác xã được thành lập, trong đó có 16 HTX nông, lâm nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 81 HTX.

Các HTX trong tỉnh đã chủ động phát huy nội lực, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động tại địa phương.

Nhiều người dân đã ý thức được việc chỉ có tham gia tổ hợp tác, HTX mới có thể mở rộng sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm từ đó có cơ hội thoát nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cách làm hay của người Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO