Những cái bẫy chết người

Lê Anh Đức 02/10/2017 09:50

Trong thời gian qua, có không ít trẻ em chết thảm vì những đường cống rãnh, mương thoát nước không có rào chắn, hố ga không đậy nắp, không có biển cảnh báo nguy hiểm... Cứ thi thoảng báo chí lại phải đưa tin về một vụ việc hết sức đau lòng là ở đâu đó có một cháu bé bị tử vong vì rơi xuống cống đang thi công không có nắp đậy. Những hồi chuông SOS về sự vô trách nhiệm gây chết người như vậy không chỉ gióng lên một lần mà rất nhiều lần, song có vẻ như nhiều người vẫn chưa nghe thấy.

Mới đây nhất, lại thêm một cháu bé 11 tuổi ở Đồng Nai rơi xuống hệ thống cống thoát nước trong khu công nghiệp không có nắp đậy và bị dòng nước cuốn trôi. Mọi nỗ lực tìm kiếm của người dân và cơ quan chức năng đều vô vọng, vì xác cháu bé đã bị nước sông Đồng Nai cuốn trôi dạt tới tận tỉnh Bình Dương. Sau khi vụ việc xảy ra, chưa có bất cứ một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm trước cái chết thương tâm của cháu bé và nói lời xin lỗi với gia đình nạn nhân.

Chỉ có một điều phần nào an ủi bố mẹ cháu bé bị tử vong là khi biết tin dữ, chính quyền xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 6 triệu đồng để giúp khó khăn trước mắt của gia đình. Song, điều mà gia đình cháu bé nói riêng và cả xã hội nói chung cần vào lúc này lớn hơn rất nhiều, đó là việc phải có cơ quan, đơn vị và cá nhân nào đó chịu trách nhiệm cho cái chết thương tâm của một đứa trẻ mới 11 tuổi.

Đòi hỏi của gia đình nạn nhân và cả xã hội là điều hoàn toàn hợp lý, khi mà chỉ vì sự vô trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị dẫn đến những cái chết thương tâm của các cháu nhỏ, thậm chí là cả người lớn. Chẳng phải trước thời điểm cháu bé ở Đồng Nai bị chết thảm mấy ngày, cũng đã có một nữ sinh lớp 11 ở huyện Phước Long (tỉnh Bình Phước) bị nước cuốn trôi xuống cống dẫn đến tử vong đó sao? Một nữ sinh học đến lớp 11 rồi còn bị nước cuốn trôi xuống cống chưa đậy nắp, thì những cháu bé làm sao có thể thoát nạn với những chiếc “bẫy” chết người đó đây?

Chưa hết, trung tuần tháng 8 cũng đã có một học sinh lớp 6 ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) rơi xuống cống và bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi mất tích. Trong vụ việc này có tới 3 học sinh của Trường THCS Lý Tự Trọng bị tụt xuống một cống thoát nước, nhưng rất may mắn là người dân gần đó đã nhìn thấy nên kéo được 2 học sinh lên, cháu còn lại đã bị nước cuốn đi mất. Đáng nói, khu vực cống mà cháu bé gặp tai nạn trước đây cũng đã từng có người bị ngã xuống do không có nắp đậy, khi nước tràn lấp đầy miệng cống như một cái bẫy vô hình vô cùng nguy hiểm cho người đi đường.

Đó là mới kể sơ trong vòng tháng rưỡi đã có 3 nạn nhân tử vong do những cái bẫy chết người là những miệng cống “lộ thiên” ở trên đường. Sẽ chẳng có ai phải chết nếu các đơn vị thi công các công trình cống, rãnh, mương thoát nước có trách nhiệm với an nguy của người khác, hoặc là phải đậy nắp công trình đang xây, hoặc chưa kịp đậy nắp cũng phải có biển cảnh báo nguy hiểm để người đi đường, nhất là các cháu nhỏ phòng tránh tai nạn.

Song, họ lại không làm điều đó dẫn đến những cái chết thương tâm của các cháu nhỏ. Đó là sự vô trách nhiệm cần phải được “chỉ mặt, đặt tên” cụ thể để truy cứu trách nhiệm dân sự, thậm chí là trách nhiệm hình sự để răn đe.

Lâu nay, có không ít những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra, song chỉ có gia đình nạn nhân là phải gánh chịu nỗi đau xé ruột, mà không có bất cứ ai phải gánh chịu hậu quả của sự vô trách nhiệm dẫn đến chết người đó.

Còn nhớ hồi tháng 6, một bé trai 10 tuổi cũng đã bị nắp cống đè chết ở phường Tân Thới Hiệp (quận 12, TPHCM). Người ta để nắp cống dựng đứng như một cái bẫy có thể đổ ập vào bất cứ ai lại gần chứ không phải chỉ riêng cháu bé. Vậy mà cuối cùng cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cháu bé, họ coi đây chỉ là một vụ tai nạn.

Ngay cả khi những trường hợp trên chỉ là tai nạn thì cũng vẫn phải có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đó phải chịu trách nhiệm, chứ không thể “hòa cả làng” được. Hiểu theo một khía cạnh nào đó thì hành vi thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho mọi người đã có dấu hiệu của tội giết người do vô ý.

Theo lẽ đó thì tất cả những trường hợp các nạn nhân bị chết do rơi xuống cống, rãnh, mương thoát nước không có nắp đậy, không có rào chắn, không có biển báo nguy hiểm... thì những người, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, hoặc có liên quan phải chịu trách nhiệm cho sự vô trách nhiệm của họ.

Dư luận đặt câu hỏi vì sao các đơn vị thi công công trình, các cơ quan quản lý nhà nước lại không cẩn thận để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây chết người như vậy, dù đã có rất nhiều vụ việc tương tự như những lời cảnh báo? Câu trả lời đơn giản nhất mà ai cũng biết, đó là chưa có bất cứ ai, đơn vị nào bị truy cứu trách nhiệm khi để xảy ra những cái chết thương tâm đó.

Đã có ai phải đi tù vì không đậy nắp cống dẫn đến việc người đi đường bị rơi xuống cống chết? Đã có ai phải bị khởi tố vì để nắp cống dựng đứng dẫn đến việc một cháu bé 10 tuổi bị đè chết?

Xin thưa ngay rằng, chưa có bất kỳ ai, chưa có đơn vị nào phải trả giá đắt cho những hành vi đó, cùng lắm chỉ bị nhắc nhở và bồi thường một ít tiền cho gia đình nạn nhân là xong chuyện. Không có người nào bị mất chức, chưa có ai bị xử lý hình sự về việc “dựng bẫy” trên đường thì làm sao có thể răn đe để những người khác không dám vô trách nhiệm nữa?

Vậy nên những cái hố ga không nắp đậy, những hệ thống cống không có rào chắn, những nắp cống dựng thẳng đứng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại mãi mãi với thời gian và sẽ còn nhiều người phải bỏ mạng vì những cái “bẫy” chết người đó. Sự việc tương tự chỉ chấm dứt khi và chỉ khi có ai đó phải trả giá cho sự vô trách nhiệm của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cái bẫy chết người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO