Những cái chết thương tâm sau khi bão tan

Văn Nhất 07/11/2017 16:29

Bão tan, bố cùng em trai anh Lai lo sợ đìa ốc hương mất trắng nên chạy ra kiểm tra nhưng chẳng may em anh Lai xảy chân rơi xuống đìa. Bố anh Lai nhảy xuống theo để cứu nhưng cả hai bị ra biển. Gia đình không thể nào đi tìm kiếm, đến mãi hôm sau xác 2 người đàn ông dạt vào bờ biển, cách nhà gần 1 km. 

Tang thương bao trùm các xóm nhỏ ven biển của huyện Vạn Ninh.

Đến huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, sau khi tâm của cơn bão số 12 đổ bộ vào, hình ảnh mà chúng tôi luôn bắt gặp cảnh xác xơ, ngổn ngang, hoang tàn. Xen vào đó là cảnh tang thương nơi xóm nhỏ.

Huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, cùng với người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Thiệt hại nặng nề nhất là những hộ nuôi trồng thủy hải sản, ước tính thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì không thể ngày một ngày hai có thể khắc phục được.

Bão đã đánh tan tất cả

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, do huyện nằm trong tâm bão số 12 nên bị thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Theo báo cáo từ của UBND huyện Vạn Ninh, đến trưa ngày 7/11, trên địa bàn huyện có 14 trường hợp bị chết do mưa bão; 59 người bị thương nặng. Bão cũng đã làm sập hoàn toàn 100 căn nhà và hơn 14.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Hầu hết trụ sở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện bị hư hỏng; 84 trụ sở văn hóa thôn, 13 trạm y tế bị sập, tốc mái, đổ tường, ước thiệt hại hơn 35 tỷ đồng…

Đặc biệt, thủy sản được huyện Vạn Ninh đánh giá là bị thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 12.200 lồng nuôi tôm hùm, 3.100 lồng nuôi cá bớp, cá mú bị cuốn trôi hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng.

Tại bến cảng Vạn Giã, hàng chục người nuôi trồng thủy hải sản ở thị trấn Vạn Giã và các xã lân cận thuê ghe cho người lao động ra biển tìm kiếm lồng bè với hy vọng vớt vát phần nào những thiệt hại do bão gây ra.

Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào nói: “Sau bão dữ, toàn bộ lồng bè của gia đình bị đánh tan hết. Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển. Ước thiệt hại lên đến gần 30 tỷ đồng. Nợ ngân hàng chồng chất, sắp đến kỳ phải trả, tôi tính cuối tháng thu tôm sẽ thắng lớn, không chỉ trả nợ được toàn bộ mà còn mở rộng đầu tư, mua sắm trang thiết bị trong nhà đón Tết. Chẳng ai dè, cơn bão lớn đổ bộ, gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Vợ của anh Lê Mạnh Tường (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) thất thần trước cái chết của chồng trong cơn bão.

Cũng giống như nhiều người nuôi trồng thủy hải sản khác, chị Đỗ Thị Hằng (xã Vạn Lương) vẫn ngóng về phía biển chờ ghe tìm kiếm lồng bè vào bờ. Chị cho biết, gia đình nuôi khoảng hơn 8.000 con tôm hùm. Tôm đang độ phát triển mạnh, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay. Khi nghe tin báo bão, gia đình đi vay mượn hơn 100 triệu để gia cố lồng bè. Thế nhưng khi bão vào, đã cuốn trôi mọi thứ.

Gia đình chị Hằng vay 500 triệu đồng của ngân hàng và ở cả bên ngoài để nuôi tôm với hy vọng đổi đời. Thế nhưng sau trận bão, lồng bè bị phá, cuốn trôi, thiệt hại gần 10 tỷ đồng.

“Anh em hùn nhau thuê ghe đi kiếm tôm, tìm bè chẳng qua cũng hy vọng mong manh thôi. Chứ thực chất, lồng bè bị phá tan hết rồi, giờ tôi chỉ mong nhà nước hỗ trợ cho trả chậm ngân hàng và hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình khôi phục sản xuất. Mọi thứ trông mòng vào biển, trông vào những con tôm, giờ không có tiền tái sản xuất thì không biết sẽ sống ra sao, khổ quá chú ơi!”, chị Hằng vừa khóc vừa nói.

Nước mắt sau bão

Mấy ngày nay, tang thương bao trùm các xóm nghèo ở Vạn Ninh. Đến thăm trường hợp của anh Huỳnh Duy Chính, 27 tuổi, tại xã Vạn Giã, huyện Vạn Ninh chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi thấy cảnh đứa con gái nhỏ khoảng 2 tuổi đứng trước di ảnh và quan tài của bố để thắp nhang. Nét mặt hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ hiện rõ, cháu chưa hiểu được chuyện gì đã xảy ra.

“Mẹ sinh cháu được khoảng 3 tháng rồi bỏ đi, để lại Chính nuôi con nhỏ. Chính phải nhờ ông bà nội chăm để đi làm thuê trên bè nuôi cá của ông Trần Ngọc Hải kiếm tiền mua sữa cho con và cơn bão tàn ác đó đã cướp đi sinh mạng của nó” - Bà nội của anh Chính cho biết.

Con của anh Huỳnh Duy Chính (tại xã Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) còn quá nhỏ để hiểu được chuyện gì đã xảy ra với bố mình.

Ông Trần Ngọc Hải kể lại giấy phút mà theo ông là sẽ ám ảnh ông cả đời này: Tối ngày 3/11, khi nghe bão sắp vào, tôi đã dặn anh em gia cố lại lồng bè cá để đi về trú bão những họ không chịu. Chính bảo với tôi là cháu làm thuê cho chú, cháu sẽ ở lại bảo vệ tài sản cho chú không về.

Thế là chúng tôi gồm 4 người đều ở lại bè, đến khoảng 4h sáng ngày 4/11 bão đổ bộ đánh tan hết lồng bè. Tôi sống được là nhờ bè trôi vào bờ đúng ngay bãi cát, còn bè của 3 anh em khác lại trôi vào bờ nhưng vào gành đá, do biết bơi nên bè trôi vào cách gành đá khoảng 2 m thì cháu Chính nhảy xuống để bơi vào, nhưng…

Còn căn nhà tềnh toàng của anh Lê Văn Lai (Tân Phước Bắc, Vạn Phước) nằm sâu trong con hẻm gần biển não nề hơn với tiếng kèn trống đám tang của bố (ông Lê Văn Lê) và em trai (Lê Văn Luân) mới mất do cơn bão số 12 gây ra.

Căn nhà trông coi lồng bè của người dân bị bão đánh tan, trôi dạt vào bờ.

Khi chúng tôi đến, gia đình đang làm tang lễ, nét mặt ủ rũ, anh Lai buồn bã nói: “Sáng ngày 4/11, sau khi cơn bão tan, bố tôi cùng em trai lo sợ đìa ốc hương mất trắng, gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Thế nên bố và em chạy ra đìa để kiểm tra nhưng chẳng may em trai tôi bị xảy chân rơi xuống đìa, khi đó bố tôi nhảy xuống theo để cứu nhưng nước sông Tô Giang dâng cao, chảy siết cuốn trôi cả hai người ra biển. Gia đình cũng không thể nào đi tìm kiếm, đến mãi hôm sau xác bố và em dạt vào bờ biển, cách nhà gần 1 km. Đau xót quá! Cơn bão đã cướp đi mạng sống của hai người đàn ông trụ cột trong gia đình tôi. Gia đình đã thuộc diện khó khăn, mất đi hai người, nhà tôi càng trở lên cùng cực hơn”…

Ông Võ Lục Phẩm cho biết: Đợt mưa bão này huyện bị thiệt hại quá nặng nề. Thiệt hại ở lĩnh vực thủy sản là nặng nhất. Nhiều hộ gia đình đang khấm khá, chỉ sau một đêm bão vào đã trắng tay, lâm vào nợ nần. Chính vì thế, trước khi bão vào, chúng tôi đã tăng cường vận động, thậm chí cho lực lượng công an xuống cưỡng chế đưa ngư dân về bờ. Nhưng do khối lượng tài sản quá lớn, nhiều hộ đã trốn lén ra lại lồng bè khiến nhiều người bị cô lập trên biển. Phát hiện sự việc đó, chúng tôi đã cầu cứu các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức hàng chục đợt tìm kiếm cứu nạn, đưa về bờ hàng trăm người bị trôi dạt và mắc lại trên các đảo.

Ông Huỳnh Mộng Giang, Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi, động viên và có những hỗ trợ ban đầu cho những gia đình có người chết.

“Ngày 7/11, ông Huỳnh Mộng Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã đẫn đầu đoàn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên một sốc gia đình trên địa bàn huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và huyên Diên Khánh có người bị chết trong cơn bão số 12 vừa qua. Theo đó, Mặt trận tỉnh đã trích từ Quỹ cứu trợ để hỗ trợ cho những trường hợp bị chết là 3 triệu đồng/1 người.

Ông Huỳnh Mộng Giang, đã chỉ đạo cho Mặt trận các huyện nhanh chóng động viện, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại và thống kê chi tiết các trường hợp bị chết, thiệt hại tài sản để Mặt trận tỉnh sẽ có những hỗ trợ kịp thời cho người dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cái chết thương tâm sau khi bão tan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO