Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 1: Sứ mệnh người Mặt trận

Hoàng Yến - Quốc Định 03/06/2019 09:00

Cán bộ cơ sở của Mặt trận là những người ở trong dân, gần dân và hiểu dân nhất. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, hoạt động giám sát của Mặt trận đã phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng. Dưới sự phối hợp, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ các cấp, nhiều cán bộ giám sát không chuyên đã trở thành “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí góp phần phát huy dân chủ cơ sở, dựng xây làng quê đổi mới, yên bình.

Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 1: Sứ mệnh người Mặt trận

Ông Bùi Cát Vũ thường xuyên tìm đến các hộ gia đình trong khu phố để vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh và cùng giải quyết những khó khăn nảy sinh.

Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 89 năm qua đã minh chứng. Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận đã trở thành kênh giám sát quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trung tâm đoàn kết

Trong nhiều lần đến Mặt trận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng -Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng luôn khẳng định vai trò “trung tâm đoàn kết” của Mặt trận bởi Mặt trận là nơi tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí không thể thiếu vai trò của người Mặt trận. Cho nên Mặt trận cần phải có “bàn tay sạch” để “là nơi người dân có thể phản ánh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”.

Với vai trò, vị trí của mình, mọi hoạt động do Mặt trận phát động, khởi xướng và tổ chức thực hiện đều có tác động và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Đặc biệt, nếu Mặt trận trực tiếp tham gia và chủ trì phát động công tác phòng, chống tham nhũng trong nhân dân thì tác động và sức lan tỏa của công tác này sẽ rất lớn bởi nhân dân không chỉ rất quan tâm và bức xúc đối với tình trạng này, mong muốn hạn chế, tiến tới ngăn chặn đẩy lùi được tham nhũng mà còn do uy tín lâu dài của Mặt trận đối với nhân dân.

Với nhận thức sâu sắc đó, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể ngay từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI, khóa VIII diễn ra từ đầu năm 2017.

Trên tinh thần này, Mặt trận đã ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020 và thành lập Ban tham mưu về chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 – 2020.

Bên cạnh đó, nhờ có cơ chế khá đầy đủ, toàn diện, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, quá trình tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn trong đời sống xã hội.

Theo đó, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp định kỳ đều có thông tri hướng dẫn Mặt trận các cấp tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có nội dung hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp tham gia công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều này tạo sự thống nhất về chủ trương, hành động trong hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới tận cơ sở, khu dân cư, kết hợp để tăng cường sức mạnh của cả hệ thống trong việc tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Dù vậy, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng luôn trăn trở với việc phải làm thế nào và triển khai ra sao cho thực sự hiệu quả và phát huy tối đa nhiệm vụ này.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam luôn cho rằng, đừng chỉ nhìn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí là việc của tập thể, việc của các ngành, các cấp, mà trước tiên phải tự nhìn vào chính mình qua những việc làm nhỏ nhất ở cơ quan, ở cộng đồng dân cư nơi mình đang sống, có lãng phí thời gian, tiền bạc của cơ quan, tổ chức hay không, có đóng góp sáng kiến gì cho cộng đồng mình sinh sống hay không…

Sự thẳng thắn của người đứng đầu Mặt trận cũng chính là sự thẳng thắn đối diện với những hạn chế khó khăn, từ đó đòi hỏi sự quyết liệt hơn, tận tâm hơn nữa của người Mặt trận trong sứ mệnh của mình, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.

Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 1: Sứ mệnh người Mặt trận - 1

Hiểu lòng dân

“Cán bộ cơ sở thở không ra hơi, bơi không hết việc” là một câu nói vui mà ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa và xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam thường chia sẻ trong mỗi kỳ cuộc của Mặt trận để nói về những vất vả, gian lao của cán bộ cơ sở ở khu dân cư, trong đó có người Mặt trận khi việc gì cũng đến tay, việc gì cũng có mặt.

Việc của Mặt trận ở khu dân cư có tới hàng chục đầu việc, từ việc chia buồn, hòa giải cho đến giám sát. Đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, muốn làm tốt vai trò đại diện, muốn giám sát, muốn phòng chống tham nhũng, lãng phí, trước tiên, phải hiểu được lòng dân.

Chúng tôi tìm gặp ông Bùi Cát Vũ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 2 (phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh) vào một buổi chiều đầu mùa mưa Sài Gòn. Ông Vũ năm nay ngoài 60 tuổi nhưng đã tham gia công tác Mặt trận được gần 20 năm.

20 năm của một người cán bộ cơ sở ông Vũ không thể nhớ hết số lần tới từng hộ gia đình để vận động người dân khu phố thực hiện nếp sống văn minh hoặc hoà giải mâu thuẫn…Mỗi bước chân của người cán bộ ấy sau khi trở về lại mang theo tâm tư của bà con, vui có, buồn có như câu chuyện của nhiều hộ dân về việc bị cắt nước sinh hoạt mà không biết lý do.

Đó là một buổi chiều của năm 2016, khi nhận được phản ánh này, ông Vũ lập tức chạy lên Công ty Cấp nước thì được biết 17 hộ dân có chung đồng hồ tổng không đóng tiền nước. Rồi ông lại chạy về hỏi dân thì dân nói đã đóng từ lâu cho Tổ trưởng và Tổ phó Tổ dân phố 13.

Sự việc được ông Vũ báo lên chính quyền và MTTQ phường. Phường nhanh chóng thành lập Ban kiểm tra, xuống khu phố để xác minh, tìm hiểu tình hình. Ban kiểm tra bao gồm đại diện UBND, UBMTTQ phường, đại diện các tổ chức thành viên và ông Vũ - Trưởng Ban Công tác Mặt trận.

Qua xác minh, được biết hàng tháng từng hộ dân đều đặn đóng tiền cho Công ty Cấp thoát nước, thông qua Tổ trưởng Tổ dân phố. Tuy nhiên, ông Tổ trưởng chỉ thu được vài hộ thì không may gặp trọng bệnh phải nằm viện, rồi sau đó qua đời. Từ khi ông Tổ trưởng ngã bệnh, bà Tổ phó tiếp tục công việc này nhưng thay vì nộp lên Công ty Cấp thoát nước thì bà Tổ phó lại “ém” luôn tiền, dẫn đến việc Công ty đành phải cắt nước của dân.

Trong khi bà Tổ phó cứ quanh co, đổ lỗi cho ông Tổ trưởng đã qua đời thì ông Vũ cùng với các thành viên Ban kiểm tra đã ân cần giải thích, vận động, cuối cùng người phụ nữ đó đã nhận ra hành vi sai trái của mình giao nộp số tiền đã thu cho Ban kiểm tra. Đồng thời, gia đình ông Tổ trưởng cũng thay mặt ông giao toàn bộ số tiền mà ông thu trước đó, chuyển cho đơn vị cấp nước.

Kết quả xử lý đến nay, phường đã thu hồi số tiền 18 triệu đồng nộp cho bên cấp nước, đồng thời cho thôi chức Tổ phó Tổ dân phố 13 đối với người vi phạm.

Câu chuyện của ông Bùi Cát Vũ là một ví dụ cho những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết rốt ráo từ mỗi địa bàn dân cư, việc nhỏ sẽ “góp gió thành bão” khiến lòng dân “dậy sóng”, địa bàn không thể yên ổn.

Vì những khu dân cư bình yên

Trong bối cảnh Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 đang diễn ra sôi nổi ở 63 tỉnh thành trên cả nước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần tính đến vai trò của Mặt trận trước dân, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ ở địa bàn dân cư.

Nếu địa bàn dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Vì mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Muốn làm được điều này, đội ngũ cán bộ các cấp phải đi xuống địa bàn, tìm hiểu những băn khoăn, lo lắng, trực tiếp đối thoại với nhân dân để từ đó giải quyết dứt điểm các khiếu kiện kéo dài, góp phần tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay đặt ra cho công tác Mặt trận nhiều trách nhiệm mới, tương ứng đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận có tư duy mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm mới mong đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Để hiểu thêm trách nhiệm của người Mặt trận, chúng tôi đã về nhiều miền quê, gặp đội ngũ cán bộ cơ sở, từ những câu chuyện nhỏ trong mọi ngóc ngách đời sống là những công việc thầm lặng, không thể đo đếm của người Mặt trận đối với sự bình yên sau những lũy tre làng, trong từng khu phố…

* 5 năm qua, từ việc thực hiện Quyết định 217/218 của Bộ Chính trị về giám sát phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc. 47/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt và đến cùng trách nhiệm của mình.

[Bài 2: Hiệu ứng từ người vác tù và hàng tổng]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 1: Sứ mệnh người Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO