Những chuyện thú vị ở làng Chăm

Lê Quốc Khánh – Toha Kim 15/02/2017 10:00

Về làng Chăm ở huyện An Phú, tỉnh An Giang những ngày sau Tết, chúng tôi được nghe và chứng kiến nhiều đám cưới tập thể của bà con người Chăm. Những câu chuyện vô cùng thú vị.

Phó chủ tịch Mặt trận Du Số (trái) trùng tên với người hàng xóm.

Vượt sông Hậu, dọc theo con đường dẫn đến huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang, chúng tôi đến xóm Chăm La Ma, Chăm Koh Pao (ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước) và xã Vĩnh Trường – nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống.

Ông Mu Ham Mách Thost - Trưởng ấp La Ma kiêm Thư ký Thánh đường Masjid Roh Mah, xã Vĩnh Trường cho biết: “Những ngày sau Tết, từ mồng 1 đến mồng 6 Tết, cả ấp có gần 40 đám cưới được tổ chức.

Vẫn theo ông Mu Ham Mách Thost: Lễ cưới của người Chăm ở xóm La Ma cũng như nhiều làng Chăm khác khá giống với lễ cưới người Kinh. Điểm khác biệt là thay vì người Kinh đưa cô dâu sang nhà chú rể thì người Chăm đưa chú rể sang nhà cô dâu. Lúc đưa rể rất dễ nhận biết vì khi đi có người cầm lộng che trên đầu.

Điều đặc biệt là tiệc cưới của người Chăm không đãi bia, rượu. Nhà khá giả thì đãi nước ngọt hoặc nước suối, nước trà. Họ hàng mời đến thường được đãi món càri dê, bò, thêm món đồ chua và vài món đơn sơ khác. Ăn tráng miệng là bánh ngọt. Trong lễ cưới cũng chỉ hát karaoke những bài hát của đồng bào Chăm.

Ông Mu Ham Mách Thost cho biết thêm: Vì là trưởng ấp và vừa có chức sắc trong Thánh đường nên đám cưới nào cũng mời ông dự. Trong ấp chiều dài chưa đầy một cây số nhưng có đến gần 40 đám cưới nên rất nhộn nhịp, vui tươi. Ông Thost cho biết, năm 2015, sau tết có đến gần 50 đám cưới.

Do đặc thù là dân di cư nên đa phần người Chăm ở An Giang không có đất ruộng sản xuất. Hiện trong ấp La Ma còn 90 hộ nghèo và cận nghèo. Ở xã Vĩnh Trường, bà con cũng đa phần là hộ nghèo, sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, dệt thổ cẩm. Một bộ phận làm nghề chài cá, mua bán. Có nhiều hộ đi làm công nhân ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM...

Hỏi bà con vì sao cứ sau tết là tổ chức đám cưới tập thể họ cho biết: Suốt một năm, người Chăm chỉ có 2 dịp chính quay về nhà. Một là vào tháng ăn chay Ramadan và dịp thứ hai là Tết Nguyên đán. Vì thế, sau tết, cũng là cơ hội để các gia đình tổ chức đám cưới cho con.

Ở xóm La Ma, mấy năm nay, bà con người Chăm tổ chức lễ cưới tập thể để tiết kiệm chi phí. Vì đa phần là hộ nghèo nên khách đi đám cưới có vật gì thì mang đến vật đó. Hiện nay, quà tặng đám cưới là tiền để giúp cho các đôi nam nữ trong ngày cưới nhưng chưa nhiều lắm.

Theo trưởng ấp Mu Ham Mách Thost: Những hộ đi dự đám cưới thường tặng khoảng 50.000 đồng cho đến 200.000 đồng. Bên nhà trai trong phần lễ vật mang sang nhà gái có cả nồi niêu, xoong chảo, chén đũa… để cho đôi uyên ương sau lễ cưới ăn ở riêng.

Anh Sa Liêm (31 tuổi) bộc bạch: “Đám cưới của chúng em làm chung với 7 cặp khác. Chúng em làm công nhân ở Bình Dương. Sau lễ cưới lại trở lại Bình Dương làm việc tiếp”.

Đến làng Chăm, chúng tôi còn phát hiện ra một điều hết sức lạ là có rất nhiều người trùng tên với nhau. Xóm Chăm Koh Pao thuộc ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước được hình thành hơn 120 năm nay, nằm dọc Quốc lộ 91C ở đầu nguồn sông Hậu, có Thánh đường Ehsan.

Xóm này có 478 hộ, 1.980 nhân khẩu và có hơn 500 người có tên trùng nhau. Cô Pha Si Roh (25 tuổi) cho biết: “Tên của em trùng với khoảng 100 người. Khổ nhất là lúc đi học, cô giáo gọi tên mà không biết”.

Nói về sự việc hy hữu này, ông Du Số, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đa Phước kiêm thành viên Ban Quản trị Thánh đường Ehsan, cho biết: “Từ năm 2010 trở về trước, người dân ở xóm Chăm đặt tên con dựa vào tên của 25 nhà tiên tri để lựa chọn. Do vậy, rất nhiều tên phổ biến bị trùng nhau như tên: Du Số, Mu Mam Mách, Sa Leh, Gia Cốp, I Man…

Việc trùng tên không chỉ diễn ra giữa những người dân cạnh nhà nhau mà có khi trùng với cả tên những người trong gia đình. Những năm gần đây do được giao lưu, học hành, buôn bán, đọc nhiều kinh…nên người dân đã đặt được một số tên mới hơn.

Những năm sau này, để hạn chế việc nhầm lẫn và trùng tên, chính quyền địa phương đã vận động người dân đặt tên bố mẹ trước và tên con sau để dễ phân biệt. Do vậy mỗi lần hỏi tên của người nào cần phải biết cha mẹ người đó, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chuyện thú vị ở làng Chăm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO