Những chuyến xe nặng ân tình

ĐOÀN XÁ 11/07/2021 09:35

Không chỉ những người thân thiết, cũng không dừng lại ở quy mô gia đình, mấy ngày qua có hàng ngàn các kiện hàng, xe hàng của người dân các tỉnh lân cận “Gửi về tiếp tế cho Sài Gòn”.

Đó không chỉ là đồ ăn, là tấm lòng dành dụm chia sẻ mà dường như có một sợi dây liên kết để cùng người dân thành phố mang tên Bác vượt qua thời gian khó khăn về dịch bệnh. Điều đáng nói, việc làm này hoàn toàn tự nguyện, không xuất phát từ lời kêu gọi hay yêu cầu giúp đỡ nào.

Hồ hởi nhận quà quê

Nhận chiếc thùng xốp loại 50 lít được dán băng keo cẩn thận, có ghi cả số điện thoại, tên, địa chỉ người nhận và người gửi, anh Nguyễn Văn Hoài (37 tuổi, ngụ tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) cho biết, đây là thực phẩm gia đình bên ngoại gửi từ ngoài quê Ninh Thuận vào.

“Trước đây, thi thoảng ngoài quê cũng gửi tôm cá mực vào trong này, chủ yếu là theo những chuyến xe khách rồi nhận ở Bến xe miền Đông nhưng gần đây xe khách không hoạt động nữa, gia đình gửi qua xe hàng. Mình đợi nhận đồ từ lúc 7h sáng. Mà không chỉ đồ cho gia đình, bố mẹ còn gửi cho cả đứa em đang học bên trường cao đẳng nghề dưới quận 6 nữa. Lần này không chỉ có hải sản mà còn cả nha đam, hành tỏi, bầu bí, nho táo với trứng gà nữa. Nghe bà xã bảo phải chở cẩn thận không bị dập” - anh Hoài thành thật chia sẻ.

Không chỉ có thùng đồ của anh Hoài, chúng tôi thấy nhà xe nằm ở đường quốc lộ 1A trên địa bàn quận Bình Tân này hàng trăm thùng đồ khác, đều là thùng xốp, bao dứa dán bọc cẩn thận. Anh Trần Văn Lâm, tài xế cho biết, tuyến xe này chạy từ Phan Rang - Tháp Chàm tới TP HCM thường ngày chỉ chở măng, nha đam và nho. Tuy nhiên từ hơn một tuần qua, nhiều người ở ngoài Phan Rang - Tháp Chàm gửi đồ vào thành phố, có khi chiếm tới hơn nửa xe.

“Tôi tuần nào cũng đi test nhanh 2 lần để duy trì việc chạy xe hàng. Mỗi ngày 2 chuyến, thay vì 1 như trước. Dù đi lại khó khăn hơn nhưng mình không nâng giá vận chuyển vì thời buổi này ai cũng khó, với lại mình còn chạy được xe cũng là may mắn. Ngoài Phan Rang nhận xong mình xếp lên xe, đi từ tối muộn hôm qua. Sáng nay tới đây có nhiều người chờ sẵn, xếp hàng đợi tới tên là nhận mang về rồi chiều lại quay ra. Thú thực, biết mấy chuyến này khách gửi đồ ăn, thực phẩm nên mình chạy cũng cẩn thận hơn. Người nhà trong Sài Gòn họ ngóng đồ ăn, lỡ xe có dần xóc hay bị va chạm đâu đó thì hư hỏng đồ hết, ăn không ngon” - anh Lâm nói.

Ghi nhận của chúng tôi, dù bị kiểm soát khá chặt chẽ nhưng thời gian này, những chuyến xe chở lương thực, thực phẩm từ các tỉnh thành khác đổ về TP HCM rất nhiều. Trong đó nhiều nhất có lẽ là xe từ Lâm Đồng, một trong những vựa rau củ quả lớn của cả nước. Nhiều bến bãi xe hàng hiện nay luôn đầy ắp đồ từ Lâm Đồng vận chuyển xuống. Nếu có giấy xét nghiệm Covid-19, một chuyến xe hàng có thể chạy 2 chuyến/ngày cho lộ trình Đà Lạt - TP HCM. Nhìn người dân cẩn thận lấy đồ, nhìn rõ tên tuổi rồi đưa lên xe chở về nhà trong niềm hân hoan nho nhỏ mới thấy, dịch bệnh tuy khiến nhiều người lo lắng nhưng cũng làm cho nhiều người xích lại gần nhau hơn.

Người dân Thủ Thừa (Long An) chuẩn bị rau củ quả tặng thành phố.

Cách ly không cách lòng

Tôi đã từng tham gia nhiều chuyến công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM khi giúp đỡ các địa phương khác. Từ những chuyến xe hàng hóa đầy ắp mì, gạo, bánh tét tới đồng bào miền Trung lũ lụt cho tới những xóm ấp xa xôi vùng biên giới Đồng Tháp Mười của những cộng đồng Việt kiều di cư từ Campuchia về. Hay những cán bộ chiến sĩ, người dân trên các hòn đảo nhỏ nơi biển trời Tây Nam sóng gió. Tất cả đều là những món quà về vật chất lẫn tinh thần mà chính quyền, người dân TP HCM dành cho những nơi xa xôi, khó khăn, thiếu thốn. Thậm chí những chuyến hàng hóa như vậy đã trở thành một “đặc sản” của thành phố hào sảng, nghĩa tình này.

Nhưng lần đầu tiên trong thời gian dịch bệnh bùng phát này, tôi được chứng kiến điều ngược lại, là những chuyến xe hàng hóa được đưa ngược lại từ Long An, Đồng Tháp, Cà Mau... lên TP HCM. Dù xe đi ngược hay đi xuôi nhưng tôi nhìn thấy rõ, cảm nhận chân thực là tình cảm chỉ có một. Một tình cảm mà người ta dành cho nhau lúc khó khăn, bệnh tật. Điều đặc biệt hơn, khi cả người cho và người nhận không quen biết, không thân thích gì.

Thông qua một người bạn và những hình ảnh trên mạng cá nhân của người này, tôi biết được khoảng gần hai tuần nay, hàng chục người dân, chủ yếu là các cụ già ở huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) đã tự tay cắt rau, rửa sạch sẽ, bó gọn gàng rồi xếp lại, đưa lên xe tải chở lên tặng cho người dân trên thành phố. Thông qua những người quen và cả mạng xã hội, các chuyến xe này tới những khu phố, chung cư bị phong tỏa cách ly. Họ đặt rau củ quả, tất cả những thứ đồ đậm chất quê mùa, còn chưa ráo nước ấy ở ngay bên lề đường thành phố một cách cẩn thận, sát điểm căng dây của lực lượng chức năng. Xong rồi họ lặng lẽ đi về, không cần gặp những người sẽ được nhận, cũng không cần một lời cảm ơn. Và những cư dân nơi vùng phong tỏa cũng cảm thấy ấm áp, bớt lo lắng hơn khi đứng trong khu phong tỏa, với tay ra bên ngoài sợi dây y tế là có thể lấy được rau dền, rau muống, bí ngô, bí xanh, khổ qua, cà chua... tươi ngon. Đó không chỉ là thực phẩm thiết yếu hàng ngày mà còn là cảm giác không bị lãng quên, không bị cách ly khỏi cộng đồng dù đang sống trong vùng phong tỏa.

Thậm chí ở nhiều nhóm hội cư dân trên mạng xã hội, tôi còn thấy người ta kêu gọi nhau gom góp đồ, hầu hết là rau củ quả, thực phẩm hàng ngày rồi để lại cả địa chỉ, số điện thoại với mong muốn xe hàng nào thuận tiện có thể đưa lên Sài Gòn thì tới lấy. Những chuyến xe không được tổ chức bài bản, cũng không biết trước sẽ có những gì nhưng chắc chắn họ sẽ chở lên thành phố những ân tình đầy ắp trong thời gian khó khăn này.

Tạo “luồng xanh” cho hàng hóa lưu thông

TP HCM đã lập 12 trạm kiểm soát ở vùng ven thành phố, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Với mục đích đầu tiên là ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh nhưng cũng phải đảm bảo đời sống cho nhân dân, trong đó nguồn hàng hóa thực phẩm cung cấp cho khoảng 15 triệu người dân trên địa bàn TP HCM là vô cùng cần thiết.

Cụ thể, lực lượng chức năng của nhiều tỉnh thành phối hợp để tạo điều kiện cho những xe chở hàng hóa từ các tỉnh thành khác lưu thông qua lại giữa các địa phương với mã quét QR có nhận dạng thông tin, lộ trình chuyến xe.

Một cán bộ công an tại chốt kiểm soát cao tốc TP HCM-Trung Lương (huyện Bình Chánh) cho biết, do tình hình dịch bệnh lần đầu xuất hiện nên lực lượng chốt chặn tại các cửa ngõ thành phố vừa làm việc, vừa thu thập thông tin, nhu cầu của người dân để báo cáo lãnh đạo đưa ra phương án xử lý, giải quyết ngay. Vì vậy chỉ khoảng một tuần qua, nhiều quyết định chống dịch ở thành phố có thay đổi để đáp ứng kịp thời với tình hình, diễn biến cụ thể chứ không cứng nhắc. Hiện nay, quan điểm là nếu an toàn thì cho phép xe của người dân lưu thông, nhất là xe chở hàng hóa thực phẩm từ các địa phương khác.

Có thể dịch bệnh sẽ không kéo dài, nhưng trong thời gian một vài tuần tới, cuộc sống của người dân TP HCM cũng vẫn chưa thể bình thường. Vì thế, những chuyến xe tiếp tế, có thể là xuất phát từ người thân trong gia đình hay đến từ những cộng đồng xa lạ không quen biết vẫn sẽ về thành phố này. Những chuyến xe khiến cả người cho và người nhận đều cảm thấy ấm áp, gần gũi, thân thiết hơn dù đang sống trong những ngày bị phong tỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chuyến xe nặng ân tình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO