Những cú điện thoại ‘đen’

Quang Ngọc 08/09/2021 06:35

Thông tin một người đàn ông tên T., 65 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội mới đây mất trắng 1,6 tỷ đồng sau cú điện thoại lạ, đang xôn xao dư luận, cùng đó là nỗi lo lắng đến từ những thủ đoạn lừa đảo khó lường.

Trước đó không lâu, một người phụ nữ 42 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng bị lừa hơn 500 triệu đồng sau khi nhận một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực.

Đó là những vụ bị lừa đảo số tiền lớn từ những cú điện thoại mờ ám, còn thì có rất nhiều những vụ lừa đảo khác mà người mất tiền đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook tái diễn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhẹ dạ, cả tin và trở thành nạn nhân.

Có thể “quy” vào 3 chiêu thức lừa đảo phổ biến là: Gọi điện thông báo trúng thưởng; gọi điện mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng; nhắn tin trúng thưởng qua điện thoại, Facebook. Trong cả 3 trường hợp thì đầu dây gọi đến đều tự xưng mình là nhân viên của công ty, của cơ quan chức năng có uy tín hoặc chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép, thậm chí cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, zalo...

Đáng chú ý, vì số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên khi đối tượng lạ yêu cầu đóng vài triệu đồng làm tiền cọc để nhận thưởng, hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc đó nên không ít người đã mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền.

Như vậy, trong những trường hợp kể trên, có thể nhận thấy các đối tượng hoặc là hù dọa người có nhiều tiền trong tài khoản; hoặc là đánh vào lòng tham. Đây là những hành vi lừa đảo không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Vì vậy, việc cảnh giác với những cuộc điện thoại lạ không bao giờ thừa, đặc biệt không nên vội vã làm theo yêu cầu của người lạ chỉ sau một vài cú điện thoại.

Đó là phía người bị lừa, còn trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, bắt giữ tội phạm để bảo vệ người dân thì sao? Đây là vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc khi mà hoạt động tội phạm trên mạng, trên điện thoại vẫn diễn ra.

Trước tình hình này, phía công an khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Về giải pháp kỹ thuật, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết, nhà mạng đã chủ động phân loại, chặn các cuộc gọi đến từ các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo; thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo.

Tuy nhiên, với những cú điện thoại “đen” tiếp tục lừa đảo thì những nỗ lực của cơ quan chức năng thời gian qua là chưa đủ. Không chỉ khuyến cáo, cảnh báo, ngăn chặn mà còn phải truy vết, bắt bằng được đối tượng lừa đảo. Phải trách nhiệm nhiều hơn nữa mới hy vọng chấm dứt được các thủ đoạn lừa đảo trên mạng, trên điện thoại, để nhiều người không bị mất tiền oan trong khi tội phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tiếp tục lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cú điện thoại ‘đen’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO