Những cuộc gọi mạo danh: Chiêu cũ vẫn 'bắt được mồi'

Trần Hải - Hoàng Sa 10/03/2022 06:41

Các đối tượng lừa đảo đã giả mạo đầu số điện thoại, giả mạo số điện thoại, giả mạo tài khoản mạng xã hội, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang rồi lần lượt thực hiện các chiêu trò “dẫn dắt con mồi” nhằm chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ gọi đến, tránh mắc bẫy kẻ lừa đảo.

Thủ đoạn tinh vi

Gần đây, thông tin về trường hợp ông Nguyễn Văn T. (74 tuổi, trú tại thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) bị lừa chuyển 600 triệu đồng sau khi nhận 1 cuộc điện thoại lạ mạo danh cơ quan chức năng đã khiến nhiều độc giả tỏ ra “ngỡ ngàng”.

Sự “ngỡ ngàng” này không chỉ xảy ra với những người chưa nắm được thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, chưa “trải nghiệm” qua ít nhiều những hình thức lừa đảo của các đối tượng mạo danh mà sự “ngỡ ngàng” này còn đến với những người đã tiếp cận được với thông tin cảnh báo. Các chiêu thức và thủ đoạn của đối tượng lừa đảo vẫn vô cùng tinh vi, không ngừng biến thể, đổi mới và còn “rộng đất diễn”.

Cụ thể, theo đơn thư trình báo của ông Nguyễn Văn T. và thông tin từ phía Công an thị xã Sơn Tây thì ông T. nhận được 1 cuộc điện thoại từ 1 đối tượng tự xưng là công an.

Qua cuộc nói chuyện và dẫn dắt thông tin, người này thông báo với ông T. là đang điều tra đường dây rửa tiền liên quan đến ông và yêu cầu ông nộp tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để xác minh. Sau khi chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng, ông T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an thị xã Sơn Tây trình báo.

Điều đáng nói là thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, nhất là giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… đã liên tục được các cơ quan chức năng, cơ quan Công an thông tin tuyên truyền, thông báo phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn xảy ra.

Cơ quan công an khuyến cáo:

Sau khi tiếp nhận trình báo của công dân về nội dung bị lừa đảo, Công an thị xã Sơn Tây đã phối hợp xác minh điều tra. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền để người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, đồng thời khuyến cáo người dân phải thường xuyên cập nhật thông tin xã hội, báo chí để tránh rơi vào những trường hợp đáng tiếc. Người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đồng thời cũng khẳng định về quy trình khi làm việc với công dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Tuyệt đối không có việc yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng…

Theo đó, các cảnh báo đã được đưa ra về phương thức hoạt động và dẫn dắt, lừa đảo của chúng sẽ sử dụng nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông, nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân.

Tiếp đó, chúng sử dụng các thông tin đó làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa nạn nhân (thường thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền) rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, sau đó chiếm đoạt hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký 1 tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng, sau đó chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.

Ngoài ra còn các hình thức lừa đảo khác đã được cảnh báo như: Giả danh là người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu rồi hứa hẹn có thể chạy án, xin việc, xin dự án…, nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.

Giả danh ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email, qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí rồi hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định, rồi chiếm đoạt. Giả danh nhân viên của trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình.

Để nhận được phần thưởng này, nạn nhân phải mua 1 sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc mua chuyển trước cho đối tượng một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.

Nhiều người vẫn bị mắc vào chiêu lừa chuyển tiền vì không nắm bắt được thông tin.

Cảnh giác với cuộc gọi lạ

Người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, không chuyển tiền vào các tài khoản mà người lạ chỉ định. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng. Mọi công dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, hiện tượng lừa đảo bằng các hình thức được đề cập như trên xảy ra khá nhiều trong xã hội và trong thời gian dài. Một trong những dấu hiệu cơ bản để nhận diện các đối tượng lừa đảo đó là khi nhận cuộc gọi, từ đầu dây bên kia sẽ dặn “cuộc gọi này là bí mật, không được nói với ai”.

Ví dụ như chúng sẽ dùng chiêu bài tâm lý là người của cơ quan công an đang điều tra vụ án, vụ việc,… nhưng yêu cầu người nghe phải giữ bí mật điều này và không để lộ ra, sẽ bị bắt ngay... Khi thấy những dấu hiệu như vậy, người dân cần phải cảnh giác, không tin và làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

Những người bị lừa thường lúc đó như thể rơi vào trạng thái u mê, bình thường thì thấy rất vô lý, là người có học thức nhưng vẫn nghe và bị chúng dẫn dắt nên mỗi người cần tiếp cận, cập nhật thông tin được phổ biến, quy định của pháp luật và những kỹ năng cho bản thân để có sự cảnh giác và tránh được.

Có thể nói, có 2 trạng thái diễn biến tâm lý xảy ra của người bị lừa đảo mà các đối tượng lừa đảo dựa vào đó để “khoét sâu vào”: Một là, chúng sẽ đánh vào lòng tham. Đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra những thông tin có lợi cho người bị lừa, sẽ mất cảnh giác, làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo dẫn đến mất tiền; Hai là, chúng sẽ đánh vào tâm lý sợ, vì trong cuộc sống hiện tại có nhiều điều có thể xảy ra, có thể là người ngay thẳng không làm gì sai nhưng lại sợ có kẻ nào đó lợi dụng liên quan vào vụ việc nào đó nên sợ liên lụy.

Và trường hợp người làm ăn “khuất tất” cũng sợ. Vì vậy, các đối tượng lừa đảo cũng sẽ đưa ra những thông tin để dẫn dụ “con mồi” phải thực hiện theo phương thức lừa đảo của chúng.

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Tòa án xử nghiêm những vụ án dạng lừa đảo qua mạng

Trường hợp các đối tượng lừa đảo mạo danh người của tòa như Thẩm phán, Thư ký gửi giấy của tòa với yêu cầu phải lên ngay, nộp tiền vào tài khoản của chúng chỉ định cũng có diễn ra nhưng không nhiều.

Đối với các vụ án liên quan đến lừa đảo theo hình thức trên, trong trường hợp cơ quan điều tra khởi tố, Viện kiểm sát truy tố như thế nào thì tòa sẽ xử nghiêm đúng như vậy.

Thời gian vừa qua, những vụ án mang tính chất lừa đảo qua mạng như thế này TAND TP Hà Nội xử cũng không nhiều vì phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra làm rõ, khởi tố và chuyển hồ sơ sang tòa. Trên tinh thần phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân, tòa án luôn xử nghiêm các vụ án.

Đặc biệt, với những vụ án dạng lừa đảo qua mạng sẽ xử nghiêm và thông tin rộng rãi để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao cảnh giác của người dân trước những chiêu thức lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cuộc gọi mạo danh: Chiêu cũ vẫn 'bắt được mồi'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO