Những cú 'sốc' tâm lý

Xuân Thủy 29/08/2018 14:05

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí cùng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới vụ việc hai gia đình bị trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì vào sáu năm về trước. Vụ việc không chỉ khiến nhiều người bất ngờ về sự tắc trách của hai nữ hộ sinh mà còn đẩy hai gia đình có con bị trao nhầm vào trạng thái vô cùng hoang mang, lo lắng. Vậy tâm lý của hai đứa trẻ bị trao nhầm sẽ ra sao khi đứng trước cú “sốc” tâm lý quá lớn này?

Những cú 'sốc' tâm lý

Nhìn lại quá khứ...

Cách đây 6 năm, vào 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) sinh con tại Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Khi được giao con, vợ chồng anh nghi ngờ nhầm tã lót của cháu nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên, vị bác sĩ này khẳng định đây là tã lót của cháu chứ không nhầm. Từ đó tới nay, gia đình anh Sơn vẫn nuôi dưỡng cháu Phùng Thanh Huy vì tin vào lời khẳng định của bệnh viện và không hề biết việc gia đình đã bị trao nhầm con.

Tuy nhiên càng lớn, cháu Phùng Thanh Huy lại càng có nhiều điểm và nét không giống vợ chồng anh Sơn nên gia đình anh bắt đầu nghi ngờ. Gia đình đã đưa bé Huy đi xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và cho kết quả không cùng huyết thống với vợ chồng anh. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, gia đình anh Sơn đã phản ánh tới Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì và thời gian đầu lãnh đạo bệnh viện đã thừa nhận sai sót trong chuyên môn, thống nhất cùng gia đình phối hợp giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Qua thời gian tìm hiểu, truy xuất lại hồ sơ, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã xác định gia đình chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) là người có khả năng cao bị trao nhầm con. Bệnh viện đã gặp gỡ hai gia đình vào ngày 14/4/2018 và thống nhất hai gia đình cùng hai cháu đi xét nghiệm AND tại Viện khoa học hình sự (Tổng cục cảnh sát Bộ Công an). Kết quả cho thấy, có sự sai sót trao nhầm con giữa hai gia đình.

Trong buổi làm việc ngày 27/3 với gia đình anh Sơn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì thay mặt bệnh viện nhận toàn bộ trách nhiệm để xảy ra sự việc. Đồng thời, cam kết trong thời hạn 2 tuần sẽ bằng mọi cách tìm và làm các thủ tục trao trả lại con cho hai gia đình. Tuy nhiên, anh Sơn cho biết: sau hơn 3 tháng nay nhưng các cháu của hai gia đình vẫn chưa thể đoàn tụ với nhau. Gia đình anh có gọi điện tới bệnh viện thì thường xuyên không nghe máy hoặc trả lời thiếu trách nhiệm.

Trước tình cảnh này, anh Sơn đã có đơn gửi đến Bộ Y tế với mong muốn sự việc được giải quyết, để hai gia đình được đoàn tụ.

Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn, Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội. Trong công văn gửi Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì gây ra sự cố giao trả nhầm hai trẻ sơ sinh ngày 1/11/2012 theo đúng quy định hiện hành. Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan phải giải quyết dứt điểm vụ việc, các sự cố y khoa liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em để tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Về phía Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì tiếp tục gặp gỡ, trao đổi với hai gia đình hòa giải để thống nhất phương án giải quyết, với mục tiêu đưa các cháu đoàn tụ với bố mẹ đẻ. Đồng thời, chấp nhận thỏa thuận bồi thường tổn thất tinh thần cho hai gia đình trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì phải rà soát và triển khai ngay quy trình để đảm bảo tránh nhầm lẫn trong quá trình khám, chữa bệnh cụ thể đối với Khoa Phụ sản thực hiện việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Thực hiện nghiêm túc việc đánh số mẹ, con ngay sau khi trẻ được sinh ra. Khi trao trẻ cho người nhà phải hỏi rõ quan hệ và có xác nhận của sản phụ, có ký nhận vào sổ giao nhận trẻ.

Đến ngày 19/7 hai gia đình trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì đã tổ chức gặp mặt và trao trả con.

Trẻ dễ bị “sốc” tâm lý

Trước khi hai gia đình tổ chức buổi gặp mặt và trao trả con thì trong vài tháng trước đó kể từ khi phát hiện có sự nhầm con sau 6 năm nuôi dưỡng do sự tắc trách của nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Ba Vì (Hà Nội) - nơi hai trẻ được sinh ra, hai gia đình vẫn chưa thể sẵn sàng "đổi lại" được con vì một trong số hai người mẹ có con chưa chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý.

Có thể thấy, cú sốc quá lớn này có thể gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với cả hai gia đình và hai đứa trẻ bị trao nhầm. Vết thương thể xác có thể mau lành nhưng những tổn thương về mặt tinh thần thì cần phải có sự quan tâm đúng cách, hợp lý và thời gian để thích ứng.

Chia sẻ về những ảnh hưởng tâm lý đối với bà mẹ và trẻ em trong sự việc này, PGS.TS Tâm lý học Dương Hải Hưng - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Khi sự việc xảy ra, bất kỳ người liên quan nào đều bị ảnh hưởng về tâm lý, đặc biệt là hai cháu bé và hai người mẹ”.

PGS.TS Tâm lý học Dương Hải Hưng -Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích kỹ hơn, với hai cháu nhỏ, dù các cháu mới 6 tuổi, nhưng 6 năm đầu đời là lúc trẻ hình thành nhân cách mạnh mẽ, đó là nền móng của nhân cách. Sự việc xảy ra trẻ sẽ có trở ngại về tâm lý như trẻ bỡ ngỡ, không tiếp nhận người lạ, không tiếp nhận sự thật này… Chính vì trẻ có trở ngại về tâm lý nên rất dễ xảy ra những hành vi tâm lý lệch chuẩn, ảnh hưởng sự phát triển của trẻ sau này.

Mà hành vi tâm lý của trẻ như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của người lớn với đứa trẻ. Trong sự việc này, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận sự thật nếu như người lớn phân tích để trẻ hiểu mình sẽ có thêm một người bố, một người mẹ nữa, có thêm ông bà thương yêu trẻ. Và việc này được tiến hành dần dần cho trẻ tiếp xúc dần và tập thích nghi với hoàn cảnh mới, văn hóa ứng xử mới và những con người mới, có như vậy mới thuận lợi hơn cho trẻ.

Còn phản xạ tâm lý của người lớn khi xảy ra tình huống bị nhần lẫn là: khi tìm lại được con đẻ của mình sẽ thương cảm, xót xa, tìm mọi cách bù đắp theo kiểu vồ vập. Nhưng cách làm này của người lớn vô tình sẽ gây áp lực cho trẻ. Bởi trẻ đã quen làm con của bố mẹ đang nuôi mình thời gian qua. Thói quen của trẻ được nuôi dưỡng, hình thành suốt 6 năm liền nên không dễ thay đổi ngay trong ngày một ngày hai được.

Nhưng bây giờ đột ngột nhấc trẻ sang một môi trường mới, trẻ sẽ bỡ ngỡ, sẽ có phản xạ hoang mang, lo lắng, thậm chí là như bị bỏ rơi. Đứa trẻ sẽ phải thích nghi lại từ đầu, từ hoàn cảnh sống, cách giao tiếp ứng xử, văn hóa gia đình, cha mẹ ông bà cũng có thay đổi và sẽ nhớ mong trở về gia đình quen thuộc.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, ở Việt Nam hiện nay hiện nay chưa có nhiều người hiểu về tâm lý của trẻ em. Việc người lớn nghĩ đơn giản là nhầm thì đổi lại như đổi vị trí của 2 đồ vật là không nên. Để sửa chữa sai lầm cần có thời gian, ít nhất là 6 tháng để các con làm quen.

Dẫn chứng những trường hợp người nước ngoài nhận con nuôi ở các trung tâm, ông Hòa chia sẻ : “Ban đầu họ cho gia đình hiếm muộn làm quen. Hàng tuần đến chơi, mua quà, bánh…Tiếp đến là đưa các con đi chơi, về thăm nhà… cho đến khi bao giờ bố mẹ nuôi không đến các con cảm thấy nhớ mong, muốn gặp, muốn gần gũi, thấy hợp nhau mới được đón về. Thời gian ít nhất để nhận con phải 3 tháng. Con nuôi còn như vậy, huống chi đây là con đẻ, không thể gây sốc cho các con bằng cách bù đắp về vật chất, ăn ngon mặc đẹp là xong. Tổn thương cho các con là rất lớn. Nếu làm vội vàng, chúng ta sẽ không có cơ hội để sửa sai ”.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta nuôi con chó, con mèo còn có tình cảm yêu thương nữa là các bà mẹ. Họ yêu con và đều muốn gắn bó với con. Theo tôi, 2 bà mẹ nên ngồi lại với nhau để các con quen với mẹ ruột. Gò ép trẻ càng làm trẻ tổn thương”.

Chính vì vậy, người lớn phải có sự chia sẻ, thông cảm để cùng giúp cho trẻ thích nghi, không áp đặt trẻ. Tốt nhất là coi sự nhầm lẫn này giống như là trẻ sẽ có thêm một gia đình nữa, thêm người thân, thêm người yêu thương trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cú 'sốc' tâm lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO