Những địa chỉ từ thiện ‘ma’

Miên Thảo 07/10/2021 00:08

Thời gian qua, dù muốn hay không thì xã hội cũng đã phải chứng kiến những màn “bóc phốt”, “sao kê” ầm ĩ, đối tượng là một số người nổi tiếng trong làng giải trí. Họ đã đứng ra vận động, kêu gọi xã hội đóng góp để hoạt động từ thiện, cụ thể là giúp đỡ bà con miền Trung gặp thiên tai vào cuối năm 2020.

Nhưng còn đáng buồn và đáng lo hơn là không ít kẻ đã lập ra những địa chỉ mạng núp bóng từ thiện để kêu gọi giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... nhưng thực chất là lừa đảo, trục lợi. Rõ ràng là một loại tội phạm mạng đã dần lộ diện.

Đáng tiếc tuy cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh cáo, truyền thông thường xuyên phản ánh nhưng “những địa chỉ kêu gọi từ thiện” như vậy vẫn xuất hiện trên mạng xã hội, vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của chúng là nhắm vào lòng tốt, sự cả tin của con người. Chúng lập các tài khoản ảo, giả mạo rồi vận động quyên góp. Sau khi nhận được số tiền quyên góp lớn thì chúng đóng tài khoản và như thể “biến mất vào không khí”.

Từ đầu năm tới nay, nhất là khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống, thì các địa chỉ từ thiện lừa đảo lại gia tăng. Chúng lợi dụng triệt để hoàn cảnh để đánh vào tình thương người của người dân, kể cả liều lĩnh kêu gọi đóng góp nhân danh Quỹ vaccine. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phát hiện không ít đối tượng tạo lập các trang mạng xã hội kiểu này, với số tiền lừa đảo, chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thủ đoạn chúng thường sử dụng là tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được Nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.

Chúng xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do chúng quản lý để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ. Một số địa chỉ mờ ám đã được cơ quan chức năng chỉ tên, trong đó có “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Quan Thế âm bồ tát”, “Kết nối yêu thương”...

Truyền thống đạo lý của của người Việt Nam ta xuất phát từ nghĩa đồng bào, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, thấy người nghèo khó, hoạn nạn thì xót thương, những muốn được san sẻ giúp đỡ những người khốn khó, để họ bớt đói lòng, mùa đông có tấm áo rét, ai rơi vào cảnh bệnh tật thì có thuốc men, được chạy chữa. Đạo lý ấy của dân tộc cần phải được gìn giữ, trân trọng và phát huy.

Nhưng chính những thủ đoạn lừa đảo từ thiện trên mạng xã hội lại đang làm vơi hụt niềm tin, hủy hoại niềm tin, trong nhiều trường hợp còn khiến việc làm từ thiện của những tổ chức, cá nhân chân chính bị nghi ngờ. Chỉ vì kiếm lợi cá nhân mà chúng đã gây ra những hậu quả rất xấu. Những người đóng góp cho những địa chỉ mạng lừa đảo mất tiền đã đành, nhưng cái mất lớn hơn chính là mất niềm tin.

Chúng vừa lừa đảo lấy tiền vừa cướp đoạt niềm tin của những con người tốt bụng nhưng nhẹ dạ cả tin. Mà điều đó sẽ là thiệt thòi lớn cho những trường hợp, hoàn cảnh thật sự khó khăn cần hỗ trợ, giúp đỡ, nhất là trong trường hợp khẩn cấp.

Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo nhằm vào lòng tốt của con người là việc mỗi người dân cần phải làm. Từ thiện cần đúng chỗ thì những đóng góp hảo tâm mới có ý nghĩa. Tuy nhiên, cùng đó dư luận xã hội bức xúc, đề nghị các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, ngăn chặn những hành vi lừa đảo ngay từ trước khi chúng gây ra hậu họa.

Khi phát hiện những địa chỉ lừa đảo từ thiện trên mạng thì phải xử lý triệt để, với những hình phạt đủ mạnh để răn đe những kẻ sẵn lòng tà tâm nhăm nhe kiếm lợi một cách bất chính.

Kêu gọi từ thiện từ thiện tâm của người khác nhưng lại ôm ấp ý đồ lừa đảo, trục lợi, đó là những kẻ vô đạo đức, vi phạm pháp luật một cách trắng trợn, cần phải được xử lý thích đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những địa chỉ từ thiện ‘ma’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO