Những dự án ôm đất rồi bỏ hoang

Đức Sơn- Xuân Ngọc 26/12/2020 08:19

Trước thực trạng, nhiều doanh nghiệp đua nhau “ôm” hàng nghìn ha đất nhằm thực hiện các dự án, khu đô thị rồi bỏ hoang, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn kết, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, sẽ nghiêm túc kiểm điểm cá nhân, chủ đầu tư và kiên quyết thu hồi những dự án có đủ điều kiện thu hồi.

Dự án Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói tại TP. Vĩnh Yên do Công ty CP Tập đoàn TMS làm chủ đầu tư sau gần chục năm bỏ hoang hóa.

Vẽ dự án khủng rồi bỏ hoang

Dự án Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói (TMS Homes Wonder World) do Công ty CP Tập đoàn TMS làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Theo đó, dự án này có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, trên khuôn viên hơn 200 ha, bao quanh Đầm Cói có diện tích mặt nước lên đến 70 ha.

Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư không có bất cứ động thái nào thực hiện dự án và bỏ hoang gần chục năm khiến đất đai bị bỏ hoang hóa gây lãng phí lớn trong sự bất bình của nhân dân địa phương. Sau gần chục năm “ngủ đông”, đến tháng 7/2020, Công ty TMS mới bắt đầu rục rịch tiến hành đổ đất, san lấp mặt bằng.

Khi dự án mới rậm rịch san lấp mặt bằng chưa đủ điều kiện mở bán thì trên các trang mạng, diễn đàn bất động sản, thậm chí một số điểm tư vấn đã xuất hiện tình trạng rao bán đất nền, biệt thự trong dự án. Dù được rao bán rầm rộ, tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, hiện nay dự án vẫn là đồng cỏ, hồ nước mênh mông chỉ một phần mặt bằng được san lấp, chưa hề có bất cứ hạ tầng nào được xây dựng.

Trước thực trạng đó, mới đây, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã ban hành thông báo khẳng định, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói là Công ty TMS chưa đủ điều kiện huy động vốn (chưa được phép ký kết các hợp đồng huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại). Sở Xây dựng chưa có văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của dự án Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói.

Trường hợp khác, dự án đầu tư Trung tâm Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trên địa bàn xã Hợp Châu, (huyện Tam Đảo) của Công ty CP đầu tư dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ làm chủ đầu tư cũng “ngủ quên” hơn 6 năm qua. Theo quy hoạch, dự án sẽ thực hiện 3 hạng mục, gồm: Bệnh viện đa khoa, khu an dưỡng, y tế, du lịch và trường đào tạo y tá, điều dưỡng với tổng vốn đầu tư là 125 triệu USD.

Theo dự kiến ban đầu, năm 2015, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chỉ là cánh đồng cỏ hoang. Trớ trêu thay dự án thì bỏ hoang, lãng phí đất đai, trong khi người dân địa phương không có đất canh tác, cuộc sống bấp bênh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 73 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, tổng diện tích gần 3.000 ha. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, nên 44/73 dự án đô thị, nhà ở đang triển khai chậm tiến độ.

Đáng bàn, trong 44 dự án chậm tiến độ, có 20 dự án đã hết hạn đầu tư, chủ đầu tư chưa làm hồ sơ xin gia hạn đầu tư,…

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nói gì?

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn kết về thực trạng dự án chậm tiến độ trên địa bàn, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong 3 đột phá nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, thì đột phá đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm đó là tháo gỡ những điểm nghẽn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế. Trong những điểm nghẽn mà tỉnh xác định được đó là điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư công, như chậm giải ngân, tồn tại trong giải phóng mặt bằng, chậm triển khai các dự án.

Theo ông Thành, đối với các dự án xã hội hóa cũng có vướng mắc là trình tự thủ tục chậm. Thứ hai là trình tự thủ tục xong rồi nhưng khâu giải phóng mặt bằng lại chậm. Cũng có loại dự án trình tự thủ tục xong, giải phóng mặt bằng xong nhưng tiến độ triển khai của nhà đầu tư chậm.

“Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn đó”- ông Lê Duy Thành khẳng định.

Đối với những dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của các huyện, thị trong công tác giải phóng mặt bằng thì phải “sốc” lại, tìm các cơ chế để giải quyết. Các dự án không khó khăn, vướng mắc về thủ tục, không khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhưng chậm triển khai do trách nhiệm của chủ đầu tư thì nghiêm túc xử lý, thậm chí kiên quyết thu hồi dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ, nếu nguyên nhân về phía Nhà nước thì phải xem xét và nghiêm túc kiểm điểm cá nhân, tổ chức thuộc cơ quan chức năng cản trở doanh nghiệp.

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi xác định cơ bản các dự án vướng mắc là do giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân rất rõ ràng là nhà đầu tư thì muốn bồi thường theo giá quy định của nhà nước nhưng người dân mong muốn thỏa thuận với giá cao hơn. Khi hai bên chưa thống nhất, chưa thỏa mãn các lợi ích đôi bên thì vướng. Câu chuyện này chúng tôi sẽ có bài toán tổng thể…”- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những dự án ôm đất rồi bỏ hoang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO