Những kỷ niệm đẹp về đồng chí Lê Khả Phiêu

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 12/08/2020 10:10

Tôi quen biết đồng chí Lê Khả Phiêu từ thời đồng chí còn khoác áo lính và chiến đấu ở Quân khu 9 rồi ở chiến trường Campuchia thông qua những chuyến thăm và làm việc của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, còn tôi là Thư ký của Chủ tịch.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi công nhân phân xưởng đóng mới, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (ngày 27/8/2000) Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi công nhân phân xưởng đóng mới, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (ngày 27/8/2000). Ảnh: TTXVN.

Lần đầu tiên tôi có dịp trực tiếp làm việc với đồng chí Lê Khả Phiêu là thời gian chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX nhiệm kỳ 1992 - 1997. Hồi đó đồng chí Lê Khả Phiêu là Thượng tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn, hiệp thương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa IX tại Thanh Hóa - quê hương của đồng chí. Còn tôi, lúc đó là Ủy viên Ban Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam được Ban Thư ký phân công phụ trách công tác bầu cử tại Thanh Hóa - một tỉnh đất rộng, người đông, nên được phân bổ số đại biểu nhiều nhất là 17 (chỉ sau hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh 24 đại biểu, Hà Nội 20 đại biểu).

Những ngày cùng anh làm việc tại Thanh Hóa để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Anh hơn tôi về tuổi đời, tuổi Đảng, về chức vụ, song mảy may không có một câu nói, một cử chỉ, một hành động nào để tôi cũng như những người cùng làm việc với anh cảm thấy có sự khác biệt, mà chỉ thấy một vị tướng gắn bó mật thiết với dân, một lãnh đạo tài năng và đức độ.

Một kỷ niệm đẹp in đậm trong tôi là có một lần, sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, chúng tôi chuẩn bị lên xe xuống Tĩnh Gia để dự cuộc tiếp xúc của cử tri với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Anh vỗ vai tôi bảo:

- Ông sang đi xe với mình để chúng ta cùng trao đổi công việc, hơn nữa bớt được một xe, bớt được tiền của do nhân dân đóng góp.

Tôi thật sự xúc động trước cái vỗ vai hết sức thân tình và gần gũi đó. Trên xe, anh tâm sự:

- Mình đã quá nửa cuộc đời sống bằng con đường binh nghiệp, từ “chân đất, mắt toét” qua chiến đấu mà trưởng thành, ít có dịp tiếp xúc với nhân sĩ, trí thức, cũng như những người tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo. Nay Trung ương phân công mình tham gia Ban Bí thư, mình rất cần tìm hiểu sâu về lĩnh vực này và thời gian tới sẽ dành thời gian làm việc nhiều hơn với Dân vận và Mặt trận.

Rồi bỗng dưng anh hỏi tôi:

- Qua mấy ngày làm việc, ông có nhận xét gì về mình?

Thấy anh chân tình, tôi cũng mạnh dạn góp ý:

- Lần đầu tiên được làm việc với anh, tôi thấy ở anh một nhà chính trị tài năng, nói hay, nói trúng những gì mà cử tri đang cần với thái độ chân thành, thẳng thắn. Nhưng về cách xưng hô thì chưa “Mặt trận”.

- Thế là sao? Anh hỏi lại.

- Các đại biểu đến dự buổi tiếp xúc, ngoài công nông, còn có nhân sĩ, trí thức, đại biểu các tôn giáo, dân tộc v.v… Vì vậy, anh chỉ “thưa các đồng chí”, tôi e không ổn. Các cụ Mặt trận thường dùng cụm từ: “Thưa các cụ, các vị, các đồng chí và các bạn”- tôi nói.

Anh tâm đắc và tâm sự:

- Gần trọn đời làm lính, mình quá quen với từ đồng chí. Đúng là phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” như cha ông ta đã dạy”.

Và ngay buổi tiếp xúc hôm đó, anh đã sử dụng cụm từ trên.

Sau chuyến đi công tác đó, anh thường điện cho tôi để hỏi về một nhân sĩ, trí thức nào đó trong Mặt trận mà anh quan tâm và nhiều lần đến làm việc với Mặt trận.

Kỷ niệm thứ hai của tôi đối với đồng chí Lê Khả Phiêu là dịp Mặt trận chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. Tôi được Đảng đoàn, Chủ tịch Lê Quang Đạo và Ban Thường trực phân công chuẩn bị bài phát biểu cho đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư trước Đại hội.

Theo đăng ký của Mặt trận, một hôm tôi được đồng chí Trần Đình Hoan - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng gọi lên làm việc với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đúng giờ, đồng chí Thư ký của Tổng Bí thư mở cửa mời tôi vào làm việc. Câu đầu tiên, anh Phiêu nói:

- Tôi biết ông đã quen viết bài phát biểu cho mấy đời Tổng Bí thư trước Đại hội Mặt trận rồi. Cứ viết đi, có gì mình sửa sau.

- Thưa anh, tình hình, nhiệm vụ mỗi giai đoạn cách mạng một khác và mỗi đồng chí lãnh đạo lại có cách thể hiện khác. Đảng đoàn muốn xin ý kiến anh trước để bản dự thảo khỏi bị “phá sản”.

Có lẽ Tổng Bí thư đã chuẩn bị trước, anh đề nghị ngoài những điểm chung, cần nêu nổi bật những điểm sau:

1. Thành tựu của 10 năm đổi mới, dẫn đến bộ mặt của đất nước thay đổi nhanh chóng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Qua đó, đánh giá công lao của Mặt trận gắn bó với Đảng, cùng Đảng tập hợp toàn dân đoàn kết phấn đấu dưới ngọn cờ đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, cần nhấn mạnh: Chúng ta sắp bước vào một kỷ nguyên mới, một thập niên mới. Nếu như kết thúc thiên niên kỷ này, dân tộc ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, có những đóng góp to lớn vào phong trào hòa bình, phong trào giải phóng dân tộc bị áp bức và cuộc đấu tranh tiến bộ xã hội của nhân loại, thì bước vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, chúng ta phải huy động sức mạnh toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại thực hiện cho được ước mơ và khát vọng ngàn đời của dân tộc là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng - văn minh.

2. Để làm tròn sứ mệnh lịch sử đó, Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích làm cho chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã hợp lòng dân, càng hợp lòng dân hơn nữa, để Nhà nước này mãi mãi là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, chống cho được tham ô, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, quấy nhiễu nhân dân.

3. Để cuộc vận động đạt hiệu quả, đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như Ủy ban Mặt trận các cấp tiếp tục góp ý, xây dựng, giám sát cán bộ, đảng viên, biểu dương mặt tốt, phê bình mặt yếu kém để thúc đẩy cán bộ, đảng viên rèn luyện để trở thành những đứa con trung thành của dân, của nước.

4. Một điểm yếu lớn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của ta hiện nay là không thấy trách nhiệm Đảng là thành viên của Mặt trận, mà chỉ thấy Đảng lãnh đạo Mặt trận. Trong bài phát biểu cần làm rõ vấn đề này theo Cương lĩnh và theo văn kiện Đại hội VIII của Đảng.

Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cùng Diễn văn khai mạc của đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Dân vận Trung ương, bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải và Diễn văn bế mạc của đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa V đã góp phần thắp sáng lên truyền thống đoàn kết yêu nước của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vun đắp mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong điều kiện phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và mở đầu cho các tầng lớp nhân dân xông trận cùng Đảng đấu tranh “chống thoái hóa, biến chất” trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước.

Cũng như đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí Lê Khả Phiêu trong hơn 3 năm ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã 5 lần đến dự và làm việc với Mặt trận. Trong những lần làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường trực, đồng chí “ham muốn” Mặt trận “gần dân hơn nữa, sát dân hơn nữa” khơi dậy “sức mạnh và nguồn lực” trong dân để đấu tranh chống tham ô, lãng phí, để phục vụ mục tiêu của Bác Hồ đã nêu trong Di chúc “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Lúc đương chức cũng như khi về hưu, tôi có nhiều dịp được gặp gỡ đồng chí Lê Khả Phiêu. Đó là một vị lãnh đạo giản dị, dễ gần, một đồng chí sống tình nghĩa, thân tình.

Có thể nói đồng chí Lê Khả Phiêu là chiến binh lăn lộn trên mọi chiến trường, một tướng tài, người cộng sản kiên cường, một đồng chí lãnh đạo “cần, kiệm, liêm chính; chí công vô tư” cả đời “vì Đảng, vì dân, vì nước”, người có công lớn bắn phát súng đầu tiên cho phong trào “chống thoái hóa, biến chất” trong Đảng và Nhà nước.

Thưa đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư kính mến!

Đồng chí đã ra đi theo Bác Hồ kính yêu song những điều đồng chí ấp ủ, gửi gắm và kỳ vọng vào Mặt trận lúc sinh thời chúng tôi vẫn nhớ, vẫn tích cực thực hiện là tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết toàn dân cùng toàn Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện cho được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Và xây dựng Đảng ta thực sự là một Đảng “lãnh đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Cầu mong đồng chí thanh thản cõi vĩnh hằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những kỷ niệm đẹp về đồng chí Lê Khả Phiêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO