Những loài cá sống… trên cạn

Bùi Mai Loan 04/04/2017 15:01

Cá thường gắn với môi trường sống dưới nước. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đôi khi để thích nghi với điều kiện sống, một số loài cá đã “xâm chiếm” đất liền.

Cá Mangrove rivulus lên bờ sống để… tránh nóng.

Cá Mangrove rivulus

Cá Mangrove rivulus sinh sống dọc theo bờ biển phía đông của miền Bắc, Trung và Nam Mỹ, từ Florida tới Brazil. Loài cá này có chiều dài khoảng 75 mm. Chúng là loài lưỡng tính, tự thụ tinh cho các trứng của mình và sinh sản.

Người ta phát hiện ra rằng, Mangrove rivulus có thể sống trên mặt đất trong 66 ngày liên tục. Thời điểm đó, chúng được tìm thấy sống ở những thân cây gỗ ngập mặn ẩm ướt và thậm chí bên trong các lon bia cũ hay vỏ dừa, để tránh môi trường nước tăng nhiệt độ do thời tiết nóng.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu lý giải rằng, mang cá Mangrove rivulus phát triển cho phép chúng có thể lọc khí oxy từ không khí, hít thở bình thường. Ngoài ra, mạch máu chạy kín dưới lớp da mỏng cũng tạo điều kiện cho Mangrove rivulus hấp thu không khí trực tiếp vào máu nhanh hơn, dễ dàng hơn. Nhờ đó, loài này có thể sống hàng tháng trời trên đất liền không cần nước.

Bên cạnh đó, một phần khả năng sống trên cạn đáng kinh ngạc của chúng là nhờ sức bật nhảy mạnh mẽ. Khi nằm trên mặt đất phẳng, chúng cong người và dùng sức của đuôi bật lên để di chuyển theo chiều ngang hoặc thẳng đứng. Kỹ năng nhảy tài tình này đã giúp chúng thoát khỏi kẻ thù và săn mồi trên mặt đất.

Cá lon mây Thái Bình Dương

Cá lon mây Thái Bình Dương (tên khoa học Alticus arnoldorum)- là loài cá sống trên đất liền và có thể nhảy rất xa dù không có chân. Đây là loài cá biển nhưng lên cạn khi trưởng thành, được tìm thấy dọc các bờ biển lởm chởm đá Micronesia.

Cá lon mây Thái Bình Dương lên cạn khi trưởng thành.

Chúng di chuyển rất nhanh trên các bề mặt lởm chởm đá bằng cách sử dụng hành động xoắn đuôi độc đáo kết hợp với các vây ngực và vây đuôi mở rộng để bám vào gần như bất cứ bề mặt nào.

Để nhanh chóng lên được bề mặt cao hơn, chúng cũng có thể xoắn cơ thể mình và búng đuôi để nhảy xa gấp nhiều lần chiều dài cơ thể. Giống như Mangrove rivulus, cá lon mây Thái Bình Dương thở qua mang và da của mình.

Cá Bichir

Cá Bichir (tên khoa học Polypterus senegalus) là một loài cá có xương sống phân bố ở châu Phi. Chúng còn được gọi là cá chình khủng long bởi vây lưng có răng cưa và ngoại hình giống loài bò sát.

Cá Bichir có ngoại hình giống bò sát.

Cá Bichir sở hữu phổi để hít thở không khí và các vây ngắn tũn có thể kéo lê thân trên cạn. Chúng rất dễ nhảy và có khả năng sống không cần nước trong một thời gian cho đến khi vảy của chúng không còn ẩm nữa. Điều này giúp chúng sau khi thoát ra khỏi biển có cơ hội tìm tới vùng nước tự do.

Cá Bichir lớn lên trên cạn khác rất nhiều so với các cá thể cùng loài sinh trưởng dưới nước. Chẳng hạn như cá nuôi trên cạn nâng đầu cao hơn, giữ các vây sát gần cơ thể chúng hơn, bước đi nhanh hơn, quẫy đuôi và ve vẩy các vây ít thường xuyên hơn cá sinh trưởng dưới nước.

Cá phổi

Cá phổi (tên khoa học là Dipnoi) được biết đến rộng rãi nhờ có khả năng hít thở không khí như sinh vật trên cạn. Loài này có hình dáng giống rắn và có thể phát triển lớn, kích thước có thể đạt tới 2m.

Hiện nay, các loài cá phổi chỉ còn sống trong các ao hồ nước ngọt ở Châu Phi, Nam Mỹ và Úc. Các khu vực này có khí hậu khắc nghiệt nhất hành tinh, với lượng mưa hằng năm rất ít và nhiệt độ mùa hè rất nóng. Các loài cá và các sinh vật khác trong ao hồ một là di cư hoặc là chết khô. Tuy nhiên, loài cá phổi này vẫn có thể sống sót.

Cá phổi hít thở không khí như sinh vật trên cạn.

Các thay đổi trong các chức năng sinh lý cho phép cá phổi hít thở không khí như sinh vật trên cạn, làm chậm lại quá trình trao đổi chất của nó tới mức chỉ còn không tới 1/60 của mức trao đổi chất thông thường.

Cá dơi mũi dài

Cá dơi mũi dài (tên khoa học là Ogcocephalus corniger) có cơ thể kỳ lạ hình tam giác. Loài này tìm thấy ở phía đông Thái Bình Dương và tây Đại Tây Dương. Nó có màu sắc đa dạng từ vàng sang tím, với nhiều điểm hình tròn, và môi màu đỏ cam.

Cá dơi mũi dài được biết đến với khả năng bật nhảy và đi lại trên cạn. Chúng có cấu tạo mang kết hợp hai phần: một phần để hô hấp dưới nước còn phần kia dùng để thở không khí trên cạn.

Cá dơi mũi dài có khả năng bật nhảy cao.

Cá dơi mũi dài có khả năng bơi rất kém nhưng lại có cơ ngực và xương chậu phát triển. Đó chính là ưu điểm giúp cho loài cá này có thể đi lại được. Ngoài ra, chúng còn có khả năng nhảy và lê người trên cạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những loài cá sống… trên cạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO