'Những ngọn hải đăng' luôn luôn hướng về quê hương

Mai Loan 12/05/2019 08:00

Trên con tàu kiểm ngư 490 (KN 490) ra thăm quân và dân Trường Sa tháng 4 vừa rồi, chúng tôi may mắn được gặp những người con Việt tuy ở xa Tổ quốc về mặt địa lý nhưng tâm hồn, tình cảm của họ lại dành rất nhiều cho Đất Mẹ, nhất là “phần máu thịt” Hoàng Sa - Trường Sa. Từ sự đau đáu hướng về đất nước, mỗi kiều bào đã tự nguyện là một sứ giả đưa vấn đề chủ quyền biển đảo của chúng ta ra với thế giới.

'Những ngọn hải đăng' luôn luôn hướng về quê hương

Anh Nguyễn Văn Thanh hát giao lưu trên tàu.

Có những CLB như thế

Được thành lập ở Hàn Quốc, Singapore, Ba Lan, Séc, CHLB Đức… dưới nhiều hình thức khác nhau; có thể là một Quỹ về biển đảo, cũng có thể là một CLB nhưng điểm chung của các Quỹ hay CLB chính là nơi tập hợp những tấm lòng, trái tim, khối óc hướng về biển đảo quê hương. Điều mà tôi cảm nhận được chính là, mỗi khi được hỏi chuyện về những hoạt động vì Hoàng Sa - Trường Sa, trong mắt họ - những người xa quê ấy - ánh lên sự khát khao cháy bỏng muốn được đóng góp chút gì cho biển đảo quê hương.

Nói về sự thành lập CLB Trường Sa (CHLB Đức), anh Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội người Hải Phòng tại Đức cho biết: Ý tưởng này xuất phát từ các kiều bào Đức đã từng thăm quần đảo Trường Sa, được chứng kiến cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo.

“Ý tưởng nảy sinh từ những người đã từng biết đến cuộc sống khó khăn cả về vật chất và tinh thần của các chiến sĩ ở nơi xa quê hương, xa đất liền… Tất cả mọi người khi ra thăm rồi trở về đất liền đều muốn có cái gì đó giúp đỡ các anh, động viên các anh. Từ đó, chúng tôi đã thành lập ra CLB mang tên Trường Sa với danh nghĩa của tập thể cộng đồng Việt Nam tại Đức chứ không phải danh nghĩa cá nhân” - anh Thanh nói.

Thành lập năm 2016, hoạt động của CLB từ đó đến nay khá phong phú. CLB Trường Sa ở CHLB Đức mỗi năm tổ chức hội thảo 1 đến 2 lần. Trong những lần tổ chức hội thảo, họ đã mời các doanh nhân người Việt ở CHLB Đức đến và tuyên truyền về biển đảo Việt Nam. Ngoài hội thảo, có 2 khía cạnh mà CLB Trường Sa CHLB Đức muốn đạt được. Khía cạnh thứ nhất, đó là “động viên tinh thần các chiến sĩ ngoài hải đảo bằng tình cảm chân thành của mình, cũng như bằng vật chất - theo lời anh Thanh.

“Tuy rằng vật chất không nhiều nhưng cũng là một chút gì đấy của những người con đất Việt sống xa quê hương, lúc nào cũng nghĩ về biển đảo; lúc nào cũng nghĩ về Tổ quốc mình. Khía cạnh thứ hai mà CLB quan tâm hơn, đó là muốn cho tất cả mọi người trên thế giới, bạn bè Đức ở nơi chúng tôi sinh sống biết về chủ quyền biển đảo của chúng ta; biết về những hòn đảo đang bị chiếm đóng trái phép, qua đó khẳng định chủ quyền của chúng ta; giới thiệu với bạn bè về mảnh đất hình chữ S; giới thiệu với mọi người về biển đảo Việt Nam mình để cho các bạn Đức cũng như các bạn nước ngoài trên toàn thế giới biết về chủ quyền của Việt Nam; để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đấy cũng là một sức mạnh rất lớn! Năm 2018, chúng tôi đã tổ chức được 2 hội thảo. Trong 2 hội thảo ấy, chúng tôi mời những nghị sĩ Đức, sinh viên Đức, những người trong Hội chữ thập đỏ của Đức- những người quan tâm đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam tới dự. Từ những người bạn ấy, chúng tôi muốn lan tỏa tới tất cả các bạn bè Đức về chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi sẽ thúc đẩy khía cạnh thứ 2 này trong thời gian tới nhiều hơn nữa” - anh Thanh nói.

'Những ngọn hải đăng' luôn luôn hướng về quê hương - 1

Etcetera Nguyễn vẽ ký họa chân dung các chiến sĩ Trường Sa.

Vui vì được về với Mẹ

Giống như người Việt tại Liên bang Nga, Ba Lan và nhiều nước châu Âu khác, người Việt tại CH Séc cũng có không ít đóng góp vào thực tiễn, nhằm phục vụ tốt hơn cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Trần Việt Hùng - một thành viên trong “gia đình” KN 490 đoàn công tác số 5/2019 - cho biết đầy vẻ tự hào: “Tại CH Séc, chúng tôi đã đóng góp vào Quỹ “Hướng về biển đảo quê hương” với số tiền lên tới hàng trăm ngàn đô-la Mỹ. Ở Viện Nghiên cứu và Trường ĐH Hóa công nghệ Praha (CH Séc), chúng tôi có tiến sĩ Nguyễn Vũ Hồng hiện tham gia công tác giảng dạy và đang nghiên cứu đề tài chống ăn mòn kim loại - đề tài được EU đánh giá rất cao về tính ứng dụng. Nếu trong nước chấp thuận, chúng tôi sẽ liên hệ và mời các chuyên gia có kinh nghiệm của Séc sang hợp tác với các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực này”.

Riêng trong chuyến đi thăm Trường Sa năm 2019, kiều bào Séc đã đóng góp tích cực vào tổng số tiền, quà tặng lên tới 1,2 tỷ đồng gửi tới các chiến sĩ thân yêu của chúng ta.

Kiều bào từ Thái Lan Cao Thị Sáu, năm nay 68 tuổi, lần đầu đến Trường Sa cho rằng, được đến đây là một vinh dự của bản thân bà. Lần trở về này, bà thấy mình may mắn được gặp những người lính trẻ là con cháu Bác Hồ. Dừng chân ở bất cứ điểm nào trong hải trình, bà cũng luôn luôn quan tâm, trò chuyện với các chiến sĩ trẻ, bởi bà thương lắm những người lính chỉ bằng tuổi cháu mình nhưng đã tình nguyện xa quê hương, xa nhà, xa cha mẹ đến nơi đảo xa làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Món quà bà dành cho họ cũng thật là giản dị bằng nụ cười hiền, và những người lính ấy cũng đáp lại những câu hỏi thăm của người bà ở xa tới thăm bằng những nụ cười hiền.

Việc duy trì hoạt động của CLB Trường Sa tại CHLB Đức theo anh Thanh chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi cũng có tuổi rồi. Chúng tôi rất muốn kéo thế hệ sinh viên vào tham gia hoạt động CLB. Sinh viên có sức trẻ, có ngoại ngữ tốt. Các bạn sinh viên quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo thì các bạn sẽ là những sứ giả trẻ tuyên truyền cho biển đảo quê hương. Chúng tôi hiện có khoảng 20 thành viên, trong tương lai sau chuyến đi này, tôi đã nhận được lời đề nghị tham gia của 7 người. Tôi hy vọng mỗi năm CLB này sẽ lớn mạnh hơn và sẽ có mặt trên toàn nước Đức và châu Âu. Đấy là mong muốn của chúng tôi”.

Nói về cảm nhận cũng như tình cảm của kiều bào Đức và kiều bào khắp thế giới với Trường Sa, anh Thanh cho rằng: Là những người sống xa quê hương khi được trở về Đất Mẹ đã là một niềm hạnh phúc. Kiều bào ở Đức cũng như kiều bào trên toàn thế giới đều khao khát tình cảm. Khi phải sống xa quê hương với những lý do bắt buộc, như bản thân tôi cũng vậy.

“Bạn cứ thử tưởng tượng xem: Khi được trở về với Mẹ bạn có vui không? Tôi rất vui và tôi cho rằng, tất cả kiều bào trong chuyến hải trình này cũng có cảm xúc ấy như tôi. Về với quê hương, với Đất Mẹ - mà lại được về với mảnh đất nằm xa đất liền từ vài trăm đến hàng ngàn km - những mảnh đất ấy rất còn khó khăn, cằn cỗi, khí hậu rất khắc nghiệt mà có những con người vẫn ngày đêm bám trụ” - Anh Thanh nói lên tình cảm của cá nhân nhưng đó cũng là tình cảm của tất cả các kiều bào đối với các chiến sĩ ở nơi đảo xa.

Vâng, với họ, những kiều bào về từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đi trên con tàu KN 490 và kể cả những người chưa có dịp ra Trường Sa lần nào, đó là cái gì đó rất nghẹn ngào mỗi khi ta nhắc đến Hoàng Sa - Trường Sa. Đó là, điều mà Etcetera Nguyễn (kiều bào Mỹ) tâm tình trên facebook của anh: “Khi yêu nước, bạn đừng đặt điều kiện”.

Anh Nguyễn Văn Thanh nói: “Mình muốn làm thật nhiều, thật nhiều để động viên, giúp đỡ các anh; và luôn luôn muốn rằng mình phải làm nhiều hơn nữa khi tiếp xúc, gặp gỡ các anh. Cảm xúc ấy, lắm khi khiến chúng tôi đã khóc. Những giọt nước mắt rơi xuống một cách tự nhiên không thể ngăn được. Hải trình này là hải trình kết nối những con tim Việt”. Chúng tôi về từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ và những kiều bào về từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này là những ngọn hải đăng, những cột ăng-ten tỏa phát ra để góp phần kết nối tất cả những người Việt sống ở trong nước và ngoài nước lại với nhau; để gần nhau thêm nữa, cùng nhau đóng góp trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tâm sự ấy của kiều bào đã giúp chúng tôi hiểu ra: Họ, những người con ở xa Tổ quốc thật sự là một phần máu thịt không thể thiếu của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Những ngọn hải đăng' luôn luôn hướng về quê hương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO