Những người tái tạo văn học Việt Nam khác thường

An Vũ (thực hiện) 13/04/2016 10:00

Hồ Anh Thái là mẫu nhà văn trí thức đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là mẫu mực của văn chương phản tư lịch sử-xã hội. Nguyễn Việt Hà đem đến một nhân vật văn học độc đáo, xây tiếp phả hệ nhân vật thị dân từ Tiền chiến qua Nguyễn Đình Thi đến nay. Truyện của Nguyễn Ngọc Tư đánh dấu sự trở lại của văn chương Sài Gòn 30 năm sau - nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhìn nhận.

Những người tái tạo văn học Việt Nam khác thường

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan.

PV:Có ý kiến cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp của 4 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Ngọc Tư đối với dòng chảy văn học Việt Nam. Là một nhà phê bình văn học, anh nghĩ sao

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Tôi không nghĩ có một sự phủ nhận thật sự nào đối với mọi đóng góp trong văn học. Chỉ có nhớ và quên. Họ đều được yêu quý rộng rãi, còn những nhận định thì luôn có tính thời điểm. Tiếng Việt văn chương đã chao đảo sau các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và từ đó người ta thấy có nhiều cách khác để kể cuộc đời này.

Hồ Anh Thái là người đầu tiên mang vào văn học thời đổi mới một cái nhìn của lớp trung lưu trí thức mà có vẻ người ta chưa hề đánh giá hết được. Nó độc đáo bởi được thể hiện như cái nhìn của một “Kẻ ghét đời” của Molière. Thời đó bắt đầu rộ lên những giọng văn phê phán, cũng là thời các nhà văn bắt đầu gia nhập tầng lớp trung lưu đô thị mới. Tất cả đã hướng về những thành phố lớn, và sự biểu hiện một cốt cách văn minh đô thị trở nên một tâm điểm thu hút, một tiêu chuẩn văn hóa, và Nguyễn Việt Hà đã mang đến đúng lúc một hình mẫu thị dân trung lưu tuyệt vời - có truyền thống gốc gác, có học, đầy vẻ “ưu thời mẫn thế” khinh bạc lôi cuốn.

Với Nguyễn Ngọc Tư cũng vậy, cũng là chất văn chương đô thị, ngay cả trong “Cánh đồng bất tận.” Kiểu biểu hiện và phóng chiếu những phức tạp tâm hồn, dù lỗ mãng hay ủy mị, chỉ có thể hiện ra trong nhãn quan của văn hóa đô thị lớn mà ở miền Nam hơn trăm năm qua chỉ có thể là Sài Gòn. Cả 3 phong cách này đều xây trên nền tảng phê phán.

Tuy nhiên sự phê phán độc đáo nhất thuộc về các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Những truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không đặt ra vấn đề mà đặt ra các câu hỏi: chúng lật ngược các định đề quen thuộc hay các cảm nhận thông thường về tính người, tính chân lý, sự thật lịch sử,… Và cần phải nói rằng họ làm được như thế trước hết do họ đã tái tạo ngôn ngữ văn học Việt mỗi người một cách khác thường.

Những người tái tạo văn học Việt Nam khác thường - 1

4 tác phẩm của 4 tác giả.

Cùng lúc được gặp 4 nhà văn qua 4 tác phẩm được xuất bản trong thời gian này, một cảm giác hân hoan. Tuy nhiên, trong đó có sự ngừng lặng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mà tập truyện ngắn “Chảy đi sông ơi” là 10 truyện không mới?

- Hồ Anh Thái mới cho xuất bản các hồi ký-tự truyện. Hẳn cũng có những người mong đợi Nguyễn Huy Thiệp công bố vài ba cuốn tương tự. Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp là kiểu nhà văn giống như một con Nhân sư, mà theo huyền thuyết thì nó chỉ hỏi, chỉ đưa ra câu đố; chưa nghe nói con Nhân sư có giải thích gì cho ai bao giờ hay không. Và có lẽ cũng không biết từ bao lâu rồi, chưa nghe nói con Nhân sư hiện còn bên Ai-cập có từng hỏi hay đố thêm một ai nữa không.

Xin cảm ơn anh!

Bạn đọc sẽ gặp 4 gương mặt nổi bật của văn chương Việt Nam qua các tựa sách mới xuất bản. Cả 4 tác phẩm đều do NXB Trẻ ấn hành. Trong cuốn “Tự kể”, nhà văn Hồ Anh Thái muốn mang đến cho bạn đọc những “chuyện nho nhỏ thời bé, chuyện trong nhà, chuyện đường phố, ở trường học...” không chỉ vậy, còn những cảm nghĩ của ông với “những cô bán sách”, mỗi trang sách đã đọc, với nhà văn từng biết. Ông tự kể chuyện của chính mình, mà trong đó có nhiều gợi mở về khơi dậy hạt giống tiềm thức để dẫn đến quả lành văn chương.

Trong khi đó, 10 truyện ngắn “Chảy đi sông ơi”, “Tâm hồn mẹ”, “Những tiếng lòng líu la líu lo”, “Chú Hoạt tôi”… của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được xuất hiện trở lại trong tuyển tập “Chảy đi sông ơi”.

Tập truyện ngắn tinh tuyển và mới nhất của Nguyễn Việt Hà, “Buổi chiều ngồi hát”, vừa phát hành đã được những người hâm mộ tìm đọc. 21 truyện ngắn, 256 trang in với những mảnh đời lạc lõng giữa phố thị ánh lên màu cũ bạc.

Với văn Nguyễn Ngọc Tư, lại ẩn chứa nguồn sáng hi vọng vào điều tốt đẹp còn lại, dù câu chuyện chị kể phủ đầy vị tang thương khốn khó. Tuyển tập “Không ai qua sông” gồm 13 truyện mới nhất: “Vực không đáy”, “Lời yêu”, “Đất”… Tuy nhiên bao trùm vẫn là không gian mang tới sự giải thoát, với Nguyễn Ngọc Tư, đơn giản hãy học cách “buông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người tái tạo văn học Việt Nam khác thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO