Những người yêu quê mình

Tản văn của Quang Hưng 05/08/2017 10:10

Đến đâu cũng có lúc gặp những người yêu quê hồn nhiên. Và họ, như những hướng dẫn viên tự nguyện, cho khách được sống vào một quá khứ vừa thực vừa ảo thú vị của miền đất khi chỉ cần nhìn thấy cảnh vật, hay có khi chỉ cần đến thăm, nghe nói về di vật nào đó còn lại.

(Ảnh minh họa: Nghiêm Nguyễn).

Những vật chất im lặng đó, những không gian của gió, của cây đó, bỗng cất tiếng, qua lời mộc mạc nặng thổ ngữ của hướng dẫn viên đặc biệt.

Con đường Sơn Tây hôm nay tôi đi, rẽ ngoặt vào bên phải, xã Cổ Đông ùa ra một vùng xanh trên đất vàng nâu, đỡ người tạm rời khỏi cảnh đối diện những bóng xe hung hăng lao vun vút trên đường nhựa từ lâu đã lồi lõm, gợi một cảm giác lo lắng tuyệt đối. Bán sơn địa xanh những cụm đồi gò thấp che lúp xúp cửa nhà mọc lên trên mặt ruộng lúa đang ngả vàng không đều. Đã có những người đi gặt các vạt lúa chín. Những ngày mai, những ngày tới, chỗ nào lúa chín là có người cắt lúa, làm thành cái nhịp lao xao dai dẳng mãi suốt một mùa gặt hái, phơi phóng.

Ngồi trên sườn gò thoai thoải lớn, nơi là nền của chùa, đình Thiên Mã đồ sộ năm xưa, ông trưởng thôn và ông trưởng ban mặt trận tổ quốc thôn Thiên Mã ở giữa quang cảnh trống trải mà nhớ về thuở tòa ngang dãy dọc, thuở ngôi chùa quê này cũng to lớn không kém chùa Tây Phương bên huyện Thạch Thất bây giờ. Thế là cũng có một hình dung cụ thể để tạm so sánh, và ngầm trong cái liên hệ ấy là tự hào về một quá vãng lộng lẫy. Như bao nhiêu lâu người ta đã có những câu mà thốt lên thấy đầy ngưỡng mộ, cũng đầy ngầm ý vui sướng: “Vui nhất là hội chùa Thầy/Vui thì vui vậy chẳng tầy chùa Ngo”, “Đình So to hơn đình Sở”…

Đấy gọi là nhớ về, nhưng chính hai ông mà tôi gặp đây, cùng với sư thầy trẻ tuổi 8X đang rót thêm nước mời khách, cũng có hiện diện trong quá khứ trăm năm xưa đang được nhớ đến ấy đâu! Vậy mà sao vẫn tấm tắc, vẫn bồi hồi lắm! Tôi mới nhớ hôm đọc cho con gái nghe chuyện sự tích Vu Lan được nữ nhà văn kể lại bằng truyện tranh. Đến đoạn đức Mục Kiền Liên cầu giải thoát cho mẹ chưa được, Phật mới bảo, mình con chưa đủ sức, phải cầu chư Phật, chư tăng hợp lực lại mới đủ…

Đến đấy thôi mà sâu trong lòng tôi cũng đã hồi hộp. Tôi cứ nghĩ bỗng nhiên bao nhiêu con người, bao nhiêu thiêng liêng cùng xuất hiện để dồn sức cứu một người khác, như là đẩy hòn đá to chẳng hạn, hay cùng dập một đám cháy nhà, mà cái người được cứu ấy lại đã từng quá quắt, ác mó, từng gây tội lỗi nay phải chịu nghiệp báo, thì sự thực cứu giúp ấy, thậm chí ngay cả một sự thực được tưởng tượng ấy, nó phi thường, nó bao dung và nhân ái nhường nào! Đấy phải chăng là những vẻ đẹp, những điều lành thiện của một đời, một thời, nhờ đã làm điều an ủi, sáng tươi cho một số người nhất định, mà trở nên sức lan tỏa qua thời gian để góp cho yêu thương, ngưỡng vọng trong những người đời sau.

Đến cả một cảnh tượng điêu tàn nào đó trong hoài niệm được nuôi từ hoài niệm đời trước, mà mình hôm nay đây không được dự phần, cũng vẫn gợi nhiều hào hứng lắm! Ông trưởng ban mặt trận kể, đấy là hồi chống Pháp, làng tôi đây lại ở vào vành đai trắng, bị địch nó kiểm soát. Thế mà vẫn có hoạt động cách mạng, mà ngôi chùa Thiên Mã đây chính là nơi giấu vũ khí, tài liệu tuyên truyền. Sau không may có kẻ chỉ điểm, địch tìm thấy cả lựu đạn giấu trong tượng Phật, thế là chúng phá toàn bộ ngôi chùa…

Bây giờ trên nền xưa chỉ còn đất, cái sân láng xi măng và mấy gian thờ người làng góp gom xây tạm từ những năm khốn khó, chuyện xưa của quê hương vẫn lay động, và nó trở thành tài sản chung của người làng, tài sản riêng của cả cộng đồng hay mỗi công dân đất này đối với mỗi người khác tìm đến. Nếu hôm nay tôi ngồi với người nào khác của làng Thiên Mã này, chắc sự hào hứng và kiêu hãnh trong câu chuyện làng mình, cũng sẽ như hai ông đây, hai cán bộ cơ sở, lấy việc của quần chúng làm việc của mình. May quá, trên sườn gò này còn chiếc giếng cổ, miệng giếng nhỏ, thành giếng dạng chóp, ngồi bên cạnh uống chén trà nước ngọt mát lấy lên từ giếng, câu chuyện lại đưa đẩy sang chiếc giếng khác. Đó là trong làng còn cái giếng cổ nữa, mọi người hay gọi là “giếng cấm”, nghe đồn ngày xưa đoàn quân của vua Quang Trung tiến về Thăng Long qua đây nghỉ, giếng được đào lên chỉ để vua dùng. Và vùng này buộc bao nhiêu là ngựa của đoàn quân, vì thế nên mới gọi là thôn Thiên Mã… Người khách về chơi mới ngẫm nghĩ, vua về Thăng Long theo cánh quân đi qua đường Ngọc Hồi, Thường Tín cơ mà! Chắc cánh quân nào thì người ta chả coi là lính của vua, ngựa của vua, và ở đó có vua.

Chuyện thực có khi khác nhiều lắm! Chỉ có những thêu dệt truyền miệng thì gợi cho người nghe và chính những người kể bao nhiêu tưởng tượng về một bóng cờ trong bụi đỏ, về những tiếng huyên náo ngựa ùa xuống sông uống nước, hay một chỗ nào người ta đắp bếp thổi cơm cho hàng trăm, hàng ngàn con người tạm nghỉ chân trước khi lại hướng về một chiến trường. Và gần hơn, thực hơn, là một lúc nào đó vũ khí được giấu vào lòng tượng Phật một ngôi chùa theo cách mạng để ngọn lửa nhỏ không lúc nào không nhóm lên trong những con người ở nơi này, ở chùa này. Chuyện thực của năm xưa ấy, cũng đã hóa ảo, cũng xa xăm từ đâu, trở về trên lời người kể mê say. Từng cái chép miệng, từng cái lắc đầu, đôi mắt hấp háy và cánh tay khoát khoát. Đấy là quá khứ sống dậy và tái tạo trong nhịp làng, nhịp đồi gò, đồng ruộng, nhịp người hôm nay.

Đi đâu ta cũng gặp những người vốn đã yêu sẵn làng quê như thế. Tôi đã nghe ông từ ngôi đình Phú Mẫn ở thị trấn Chờ -Yên Phong – Bắc Ninh với những câu chuyện không dứt về hai cây thị cổ thụ có tiếng là thiêng ở đất này. Ngôi làng có tiếng chăm học, và năm ấy cây thị ra mấy chục quả thì có khoảng chừng ấy cháu đỗ đại học. Người nơi khác nghe hẳn nghĩ hoang đường, nhưng nhiều người sở tại thì tin vào cây thị đã hơn năm trăm năm tuổi của làng quê mình. Hẳn nhiên là con số khó lòng chính xác, nhưng ở một làng quê giàu có thuộc thị trấn mà có phong trào “Tiếng trống học tối” sôi nổi như ở đây, thì người ta có thể vin vào rất nhiều điều, từ thực tiễn tới cả đời sống tâm linh, để vun vào cho cái sự học hăng say ấy.

Và chuyện thực thì nghe cũng thật hấp dẫn và có màu sắc hào hùng như lời hiệu triệu nào đó từ xưa dựng nước, giữ nước. Đó là trừ ngày nghỉ, cứ hàng tối, khoảng 7 giờ, từ nhà văn hóa thôn lại phát đi bài hát động viên học hành của riêng thôn Phú Mẫn, và lời nhắc nhở các em ngồi vào bàn học. Tác giả phần nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Đức Tý – Trưởng đoàn tuồng Phú Mẫn kể câu chuyện ấy đầy hân hoan khi cùng đi bộ dọc những đường ngõ vẫn còn gạch xiên xiên xương cá. Và mỗi đoạn đi, lại vang lên những câu chuyện lạ lùng. Tôi đã gặp một số người của đội rối đầu gỗ ở Nam Trực - Nam Định, trong lời kể toát lên đầy vẻ thành kính, như rõ ràng họ đang ở trong hậu cung tối, những đầu rối gỗ to lớn trên tay, sẵn sàng cho một cuộc diễn hầu thánh mà niềm tán tụng được dồn cả vào từng động tác chăm chú và lời ca hát chứa đựng những ý nghĩa cổ xưa hôm nay người ta chưa giải thích hết.

Tôi gặp những người bán quán nước ven đường làng, dưới bóng cây đa to, cả một ngôi nhà bất chợt nào đó trong một xóm chúng tôi vào hỏi thăm…, lúc nào cũng có những câu chuyện gốc gác, con người, nề nếp quê nhà sẽ từ họ vang lên. Ấy là những kho tàng qua thời gian, hôm nay còn hiển hiện, còn rung động khi trầm mặc, khi náo nức, khi phấn khích, khi thong dong theo nhịp hồi tưởng, hình dung. Và ngay chính hồi tưởng, hoài niệm cũng là những cuộc gieo mầm bền bỉ sang nhau giữa các thế hệ. Để bao nhiêu thiêng liêng còn lên cành non, tỏa tán rợp trong vườn mới của hiện tại. Sinh ra, lớn lên, thấm vào lời ăn lẽ ở, nếp sống, tập quán mà người ta yêu quê, thấy họ hàng, tông tộc, gia đình mình là một phần của đất đai, đồng ruộng, khí trời, nước chảy, cây mọc nơi này. Và tôi, và bao người khác, nghe kể, thấm những lời kể, có khi nào cũng cảm thấy mình trổ hoa bén lá, mà phiêu du những hạt yêu thương, thành kính từ nơi chốn ấy đến xa rộng hơn những nẻo đường trên mặt đất trầm tích này, dưới bầu trời chỉ thêu ngũ sắc này?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người yêu quê mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO