Những ‘nữ chiến binh’ dũng cảm

HẠNH NGUYÊN 09/01/2022 07:06

Cuối năm, khi dòng người ngược xuôi lo Tết thì những “chiến sĩ áo trắng” ở cửa ngõ phía Bắc Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân) vẫn miệt mài bên mũi tiêm, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm…

Xuyên đêm lấy mẫu, truy vết của các nữ chiến binh áo trắng.

Lao vào “điểm nóng”

Thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vừa xuất hiện 6 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Lúc này, cả huyện đang có 5 ổ dịch phức tạp liên quan đến các trường học. Toàn huyện Nghi Xuân đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Cả hệ thống y tế huyện phải lao vào các “điểm nóng” để phòng ngừa, khống chế, dập dịch.

Từ sáng sớm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân Phạm Thị Hồng Lam phải vội vã đến 4 điểm (Trường THPT Nguyễn Du và trạm y tế các xã Tiên Điền, Xuân An, Xuân Giang) để kiểm tra, giám sát, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, tinh thần làm việc của bác sĩ Lam cũng như nhân viên y tế toàn huyện luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”. Cường độ làm việc lúc nào cũng căng thẳng. Thời gian ở nơi làm việc nhiều gấp bội so với ở nhà.

Nhà ở TP Vinh - Nghệ An, làm việc ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh, dịch xảy đến, chị Lam không thể về nhà như bình thường. Mỗi ngày làm việc của chị Lam bắt đầu lúc 4h30 sáng, không có giờ kết thúc cụ thể, nhiều lúc lấy mẫu, truy vết xuyên đêm.

“4 tháng nay tôi chưa được về nhà. Nhiều khi mang thức ăn cho con đến cầu Bến Thủy rồi gọi điện dặn dò con chứ mẹ con không được gặp nhau. Ngày nào con cũng gọi điện hỏi “mẹ có về không?”, thương con nhưng vì công việc nên đành phải chịu…”, bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam chia sẻ.

Không chỉ làm vai trò điều hành, quản lý Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam còn là Tổ phó Tổ truy vết huyện Nghi Xuân. Công việc cứ cuốn chị đi suốt ngày này qua tháng khác.

Không chỉ “cầm tay chỉ việc” cho cấp dưới, bác sĩ Lam không nề hà bất cứ việc gì, ai làm được việc gì, chị làm được việc đó. Có lúc 1h sáng về đến nhà, vừa đặt người xuống giường, một cuộc điện thoại gọi đến, chị Lam lại lên đường vào Nghi Xuân để giải quyết sự cố.

“Công việc rất áp lực, nhiều lúc tôi bật khóc, nghĩ thương phận mình, thương chồng con, muốn nghỉ việc. Nhưng rồi phải lau nước mắt, tự an ủi chính mình. Anh chị em trong ngành cũng vất vả không kém, nếu mình nghỉ việc lúc này sẽ như rắn mất đầu. Nhân viên trạm đã vất vả lắm rồi”, bác sĩ Lam rưng rưng kể.

Cả gia đình chị Lam đều tham gia chống “giặc dịch”, chồng chị công tác ở Đại học Y khoa Vinh, phụ trách khu cách ly của các sinh viên, giáo viên là F1 của đơn vị nên anh cũng thường xuyên phải “cách ly”.

Con gái đầu làm ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, con rể làm trong ngành công an phải tham gia truy vết, chống dịch xa nhà. Vì thế, đứa cháu mới 3 tuổi phải đưa đi gửi hết nơi này đến nơi khác.

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam cùng tổ truy vết tại các “điểm nóng” chống dịch.

Lặng thầm cống hiến

Trạm Y tế thị trấn Xuân An, nơi vừa xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng và đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, trong trang phục bảo hộ kín mít, chỉ hở mỗi đôi mắt, các y, bác sĩ liên tục khám sàng lọc, tiêm vaccine, truy vết, lấy mẫu… không ai có một phút dừng tay để nghỉ ngơi. Ở trạm y tế này có đặc thù là cán bộ, nhân viên đều là nữ giới.

Các nữ “chiến sĩ áo trắng” không ai bảo ai, tất cả cần mẫn, lặng lẽ làm việc, cống hiến với một mong muốn duy nhất là đẩy lùi dịch bệnh, đưa bình yên đến cho người dân.

“Cả tuần nay, chị em ở trạm không ai được về nhà rồi. Tiếp xúc trực tiếp với nhiều người để truy vết, lấy mẫu, tiêm, khám nên về nhà sẽ không an toàn cho người nhà. Hơn nữa ở lại trạm sẽ có nhiều thời gian, làm được nhiều việc hơn”, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân An Hoàng Thị Việt Hà nói.

Gần 12h trưa, người dân đến tiêm vaccine vãn dần, nhưng các nhân viên y tế vẫn đang vật lộn giữa bộn bề thuốc thang, mẫu bệnh phẩm. Làm việc từ lúc tờ mờ sáng nên đến giờ “các nữ chiến binh” đã thấm mệt, cơm hộp được ship đến lúc trước nhưng chưa ai được ngơi tay để ăn.

Phía trên tầng 2 của Trạm Y tế, 5 trường hợp F0 không triệu chứng vẫn đang chờ để đưa đi điều trị do các trường hợp này không đủ điều kiện để cách ly, điều trị tại nhà.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở cửa ngõ phía Bắc (Nghi Xuân) phức tạp hơn các địa phương khác vì dân ở đây di biến động, giáp ranh với Nghệ An, gần với chợ đầu mối Vinh.

Người dân qua lại làm việc giữa Vinh và Nghi Xuân đông, ở đây lại có 2 tuyến quốc lộ đi qua, lượng người giao thương, ăn uống, nghỉ ngơi tại các nhà hàng đông. Công tác phòng, chống dịch vì thế mà khá phức tạp.

Phút ngơi tay ăn vội miếng cơm hộp nguội ngắt của các nữ chiến binh áo trắng.

Tuy nhiên, với nỗ lực không biết mệt mỏi, các ban, ngành ở Nghi Xuân cùng vào cuộc nên đã dành được nhiều kết quả khả quan. Đây là địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh triển khai tiêm vaccine tại trụ sở trạm y tế xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện đã có 125 ca F0, hiện đang điều trị 42 ca F0 không triệu chứng tại nhà, trong đó có 7 ca đã khỏi bệnh.

Cuộc chiến chống lại “giặc dịch” vừa “đánh” vừa rút kinh nghiệm nên nhiều lúc công việc “rối như tơ vò”. Đối với bác sĩ, nhân viên y tế nam vất vả một thì những nữ chiến binh áo trắng vất vả 5 bởi đằng sau họ còn có vai trò người vợ, người mẹ.

Thế nhưng, các nữ chiến binh vẫn vững vàng trên chiến tuyến đầu cam go. Suốt 2 năm qua, hành trình chống dịch của hàng nghìn nữ cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn Hà Tĩnh không biết đi đến bao nhiêu “điểm nóng”, trong đó có cả những thời điểm ở miền Nam.

Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của những cán bộ y tế, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, thế nhưng những nữ chiến sĩ áo blouse trắng vẫn vẫn luôn vững vàng, kiên cường ở nơi tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng thực hiện sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tết đến, Xuân về, người người háo hức đón chờ còn ở tuyến đầu chống dịch, các chiến sĩ áo trắng lại lên kế hoạch để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Khi được hỏi các nhân viên y tế “đón Tết như thế nào?”, tất cả đều xác định “không có Tết”. Bởi đến Tết, người dân, người lao động trong và ngoài nước về quê càng nhiều, công tác phòng, chống dịch càng gian nan hơn.

Lúc này, ngành y tế phải “căng mình” lên kế hoạch, xây dựng kịch bản để phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo bình yên cho người dân đón Tết cổ truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ‘nữ chiến binh’ dũng cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO