Những sát thủ thầm lặng

Thanh Hải 17/02/2020 08:00

Bà con nông dân thường có thói quen tích trữ nông sản để dùng cả năm. Thế nhưng nếu không biết cách bảo quản, dễ gây nên nấm mốc, nhất là gạo, ngô, khoai tây.

Khoa học đã chứng minh nếu chúng ta ăn phải những thức ăn nhiễm nấm mốc có thể mắc bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể xẩy ra ở dạng ngộ độc cấp tính, nhưng phần lớn là ngộ độc mạn tính do cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ độc tố nấm.

Những sát thủ thầm lặng

Ăn gạo ủ là nguyên nhân chính gây nên bệnh dày sừng bàn tay bàn chân.

1. Còn nhớ những năm trước, tại Quảng Ngãi rất nhiều người bị bệnh viêm da dày sừng bàn tay, chân mà người ta vẫn gọi là “bệnh lạ”. Ghi nhận qua các chuyến thực địa của các chuyên gia Y tế cho thấy, bà con dân tộc H’re của huyện Ba Tơ thường ăn gạo lúa ủ bị nấm mốc. Theo kết quả xét nghiệm thì khoảng 20% các mẫu gạo và ngũ cốc của bà con bị nhiễm nấm aspergillus, loại nấm sản sinh ra aflatoxin, độc tố có thể gây độc cho gan và làm tổn thương da.

Và sau đó Bộ Y tế cũng đã kết luận, nguyên nhân gây nên hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi là do độc tố vi nấm, chủ yếu aflatoxin, do ăn gạo cũ mốc (gạo ủ, thóc ủ) trên cơ địa người bị thiếu vi chất.

Cục Y tế dự phòng cũng đã lưu ý ngành Y tế địa phương phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền hướng dẫn người dân thu hoạch, bảo quản và sử dụng thóc, gạo đảm bảo chất lượng, phòng tránh nhiễm vi nấm mốc; hướng dẫn người dân ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để nâng cao thể trạng. Đặc biệt, chú trọng vệ sinh cá nhân, nhà ở, thôn xóm và sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.

Những sát thủ thầm lặng - 1

Tuyệt đối không sử dụng, chế biến ngô bị nấm mốc .

2. Ngô là nguồn lương thực chính và là món ăn truyền thống của người dân vùng cao, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bà con thường chế biến ngô tẻ thành các món như mèn mén, bánh trôi ngô, bánh rán…để ăn trong cả ngày thường và các dịp lễ, tết. Mặc dù ngô thuộc nhóm ngũ cốc rất giàu dinh dưỡng nhưng do quá trình bảo quản, chế biết không đúng cách hoặc để quá lâu ở môi trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sinh ra nấm mốc khi ăn vào sẽ gây hại tới sức khỏe con người.

Theo quy trình chế biến bánh ngô thì: Hạt ngô nếp sau khi xay vỡ được ngâm nước trong thời gian khoảng 15 ngày, sau đó mang đi xay bột nước. Bột nước sau đó được cho vào túi vải hoặc bao tải và treo lên cho ráo hết nước, bột đặc, quện dính lại đem nặn làm bánh rán, bánh nướng...Nếu bột sau khi xay xong, làm bánh ngay thì không sao nhưng nếu để lâu, bột lên mốc xanh, mốc vàng mà vẫn dùng làm bánh ăn thì rất dễ xảy ra ngộ độc gây nguy hiểm đến sức khỏe của người dùng.

Theo các bác sĩ, để ngâm chua được hạt ngô mất khoảng 10 - 15 ngày, trong khi bột ngô sau khi xay cho đến lúc lên nấm mốc cũng chỉ mất khoảng 3-5 ngày với thời tiết lạnh, 1-3 ngày vào lúc trời nắng nóng. Khi người dân ăn phải bánh trôi được làm từ bột ngô mốc thường có các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn các chức năng gan, thận, hô hấp và tử vong rất nhanh…Điều đáng nói là những vụ ngộ độc đều xảy ra ở các thôn, bản xa xôi, giao thông đi lại hiểm trở, cách xa trung tâm xã, huyện nên việc phát hiện và cấp cứu kịp thời rất khó.

Những biểu hiện của ngộ độc khi ăn phải bôt ngô mốc mà bà con cần đặc biệt lưu ý: Đau bụng. Hoa mắt, chóng mặt. Đau đầu: Lúc đầu đau ít, sau đau tăng dần, đau nhiều, liên tục.Buồn nôn, nôn ra thức ăn. Co giật và có thể dẫn đến chết người nếu không được cứu chữa kịp thời.

Lúc này, người nhà bệnh nhân cần sơ cứu ngay tại chỗ bằng phương pháp sau:

Nhanh chóng gây nôn bằng cách lấy ngón tay sạch hoặc lông gà rửa sạch để ngoáy họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Thông báo với cán bộ y tế và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Những sát thủ thầm lặng - 2

Ăn khoai tây mọc mầm dễ bị ngộ độc.

3. Mùa này, tại nhiều vùng nông thôn bắt đầu đến mùa thu hoạch khoai tây. Khoai tây sau khi thu hoạch về thường được bà con để gầm giường, gầm cầu thang để ăn dần. Không chỉ là nguồn thực phẩm tươi ngon, khoai tây còn cung cấp các chất dinh dưỡng như vitamin C, B6, chất xơ, sắt có lợi cho sức khỏe…Tuy nhiên, nếu củ khoai tây bị mọc mầm, ăn vào sẽ lại gây nguy hiểm.

Ngộ độc khi ăn khoa tây mọc mầm có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, mê sảng, tiêu chảy, giãn đồng tử, sốc, hạ thân nhiệt... Trường hợp nặng có thể gây tử vong do hệ thần kinh trung ương bị tê liệt và ngừng tim.

Theo Cục An toàn thực phẩm, qua nghiên cứu người ta thấy chất solanin phân bố trong củ khoai tây mọc mầm như sau:

Trong mầm khoai và chân mầm: 420-730 mg trong 100g. Trong vỏ khoai: 30-50mg trong 100g. Trong ruột khoai: 4-7 mg trong 100g. Như vậy lượng chất độc chứa trong mầm khoai rất lớn, trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi một củ khoai tây quá già, các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường. Đường này sẽ biến đổi thành các alcaloit gọi là solanine và chaconine-alpha. Các alcaloit thường tập trung trong thân, lá, mầm khoai tây. Số lượng alcaloit phụ thuộc vào các điều kiện bảo quản và độ tuổi của khoai tây.

Ngộ độc khoai tây có thể xảy ra nếu bạn ăn vỏ xanh trên củ hoặc các mầm khoai. Nếu ăn với lượng ít, solanine và alpha-chaconine trong khoai tây gây ra những vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngộ độc nặng hơn, các triệu chứng sẽ trầm trọng.

Để tránh bị ngộ độc khoai tây, bà con cần lưu trữ đúng cách, sử dụng sớm sau một thời gian ngắn thu hoạch. Khoai tây mọc mầm nhờ sự ấm áp, độ ẩm và ánh sáng vì vậy nên bảo quản khoai ở nơi mát, tối, khô ráo. Không nên ăn khoai tây đã mềm nhũn, cũ và mọc mầm. Trường hợp củ khoai mới nảy 1 - 2 mầm nhỏ, nếu ta bỏ cả đi thấy phí thì phải bỏ hết mầm mà còn phải khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ để loại bỏ hầu hết chất solanin tập trung ở đây rồi mới được nấu ăn. Nhưng tốt nhất là nên loại bỏ những củ khoai tây đã mọc mầm để tránh nguy hiểm cho bản thân và gia đình.

Có khoảng gần 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Với những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiểu chảy, choáng váng…Thế nhưng, khi độc tố tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo như: ung thư gan do aflatoxin, suy thận do ochratoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins….

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những sát thủ thầm lặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO