Những tín hiệu tích cực

Ngọc Quang 22/10/2022 07:00

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành mới đây đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 3/2022 đạt 13,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, theo WB, dịch vụ vốn là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm trước đã đạt tăng trưởng cao nhất: 18,9%; đóng góp 8,5% cho tốc độ tăng trưởng GDP. Lĩnh vực lưu trú và ăn uống lần đầu tiên cao hơn mức trước đại dịch kể từ quý 2/2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ.

Cũng theo WB, doanh số bán lẻ trong tháng 9 tăng 2,95% so tháng trước và 36,1% so cùng kỳ năm trước. Doanh số dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh hơn so với doanh số hàng hóa (tăng lần lượt 6,5% và 1,95%).

Tuy nhiên, chuyên gia WB cũng nhìn nhận tuy giá năng lượng đã hạ nhiệt nhưng lạm phát CPI đã tăng từ 2,9% trong tháng 8 lên 3,9% trong tháng 9 chủ yếu do tiền thuê nhà và chi phí giáo dục tăng cao. Lạm phát CPI cơ bản cũng tăng từ 3,15% trong tháng 8 lên 3,8% trong tháng 9.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tín hiệu tích cực phục hồi và phát triển mạnh nhất chính là du lịch. Sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, ngành du lịch Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công, cả du lịch trong nước lẫn du lịch quốc tế. Tính chung 9 tháng của năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã đón 1.650.000 lượt khách quốc tế.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với trước đại dịch, cũng như so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là thành công trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như những dịch bệnh khác vẫn tiếp tục được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo; cũng như tình hình kinh tế thế giới nhiều bất ổn khi lạm phát tăng, cùng với đó, chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ giảm.

Về du lịch trong nước, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch nội địa tháng 9/2022 ước đạt 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,6 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 86,8 triệu lượt khách. Đây có thể coi là thắng lợi lớn trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Mặt khác cũng cho thấy nhu cầu và tiềm năng lớn của một quốc gia gần 100 triệu dân: Thị trường trong nước là rất lớn nếu khai thác tốt.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD); tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.

Thực hiện chiến lược này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trở lại với nhận định của Ngân hàng Thế giới: dịch vụ vốn là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm trước đã đạt tăng trưởng cao nhất: 18,9%; đóng góp 8,5% cho tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam càng cho thấy nền kinh tế đất nước đã hồi phục một cách mạnh mẽ. Trong đó, lĩnh vực du lịch có nhiều kết quả ấn tượng. Điều đó càng cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 8% là hoàn toàn có thể đạt được cho dù thời gian còn lại trong năm, kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tín hiệu tích cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO