Những tình yêu cao cả

Hoàng Yến 28/02/2018 18:58

Kinh Thánh viết: "Sống ở trên đời, ai trong chúng ta cũng muốn yêu và được yêu, bởi tất cả chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu cao cả”. Tình yêu cao cả ấy chúng tôi đã được ngắm nhìn trong nhiều lần hạnh ngộ với những người Công giáo.

Những tình yêu cao cả

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trong vòng tay chào đón của các em gái người dân tộc đang sinh sống ở Hội Dòng Ảnh Phép Lạ Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Quân.

1. Còn nhớ, trên con đường Quốc lộ 14, chuyến xe từ Kon Tum về Gia Lai phải dừng lại vì nổ lốp. Nhìn thấy chúng tôi đứng bên triền dốc, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh - người Công giáo đầu tiên của Châu Á được Giáo hoàng Benedict XVI phong tước phẩm đã vội dừng xe và đề nghị đổi xe để chúng tôi về Gia Lai kịp chuyến bay ra Hà Nội.

Người đàn ông này luôn nhận về mình sự hy sinh và yêu thương người nghèo khổ nhất là đồng bào dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên hơn chính bản thân mình.

Kể cả lúc này, sau khi trải qua cơn bạo bệnh, bất kể lúc nào có sức khoẻ, ông lại lặng lẽ tìm về vùng đồng bào dân tộc, chia sẻ với khó khăn của đồng bào không chỉ là thông qua những hành trình thiện nguyện bác ái, không chỉ là những buổi trò chuyện, sẻ chia, khuyên nhủ đến lạc cả giọng mà còn tìm cách đưa những đứa trẻ mồ côi mang về thành phố, gửi vào các trường, nhà dòng để được học hành tử tế.

Nhờ tình yêu của các đức cha, sự nâng đỡ của chính quyền, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh chỉ mong sao, bọn trẻ dần dần trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho đất nước, trở về với dân tộc của mình, giúp đỡ đồng bào mình xoá nghèo, vươn lên đổi mới. Con đường loan báo Tin Mừng cũng sẽ được bắt đầu như thế.

Quan tâm tới người yếu thế trong xã hội như là một sứ mệnh của cuộc đời ông.

Theo Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh, xã hội rất cần phát động mạnh mẽ những phong trào đùm bọc lẫn nhau và các tổ chức tôn giáo là các tổ chức có điều kiện để làm việc đó.

Chính phủ đang nêu cao tinh thần kiến tạo, hành động. Chung tay giúp đỡ người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ cùng MTTQ Việt Nam.

Vì thế, khi còn những khó khăn, đồng bào có đạo đừng nên lợi dụng những bất cập của chính sách để làm rối ren mọi vấn đề.

“Tôi luôn tâm niệm rằng, người công giáo phải sống thế nào để người khác nhìn vào. Đừng để kỳ thị giữa đạo với đời. Người ta thấy đạo người ta sợ còn đạo mà suốt ngày hận thù xã hội thì làm sao còn là đạo”, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Được biết, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh là một trong những giáo dân có nhiều lần diện kiến Giáo hoàng Benedict XVI và Giáo hoàng Francis. Trong câu chuyện của mình, ông Lê Đức Thịnh kể lại ấn tượng về Giáo hoàng Francis trong một bữa cơm trưa không phải là địa vị tối cao mà chính là chiếc áo sờn vai của Ngài đang mặc.

Để thấy ngần ấy những năm tháng đã trôi qua, với chiếc áo sờn vai này, Đức Giáo hoàng Francis đã ôm ấp yêu thương tất cả những con người khốn cùng mà Ngài gặp trên con đường của mình.

Sự giản dị và tình yêu bao la của Ngài đã truyền cảm hứng cho con chiên đồng đạo, trong đó có những người Việt Nam như Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trên đường hướng phụng sự Thiên Chúa, phụng sự dân tộc với những lý tưởng cao đẹp.

2. Câu chuyện của ông khiến chúng tôi lại nghĩ tới những người công giáo khác như Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum; Linh mục Phê-rô Nguyễn Vân Đông, Tổng đại diện giáo phận Kon Tum trong nhiều lần hạnh ngộ, vẫn những bộ đồ cũ sờn vai, qua bao năm tháng, trong những câu chuyện dí dỏm, chân tình, đích cuối cùng vẫn chỉ là những thao thức cho đồng bào mình.

Có những lần về Kon Tum, gặp lại Linh mục Giuse Đỗ Hiệu, Quản hạt vùng Kon Tum, cũng vẫn bộ quần áo cũ của vài năm trước, vẫn chiếc xe Honda cũ, ông miệt mài rong ruổi đến từng buôn làng qua nhiều hoạt động bác ái xã hội mang tình yêu thương chia sẻ đến với đồng bào nghèo khó hay trong những kỳ cuộc của Mặt trận khi ông là một uỷ viên.

Nhưng có lẽ nhớ nhất là những cuộc gặp gỡ với các sơ người dân tộc thuộc Hội Dòng Ảnh Phép Lạ Tây Nguyên. Có những ngày các sơ gần như kiệt sức sau một ngày lao động miệt mài trên nương rẫy để trồng cây mì, hái củ măng… lo từng bữa ăn giấc ngủ, cho người nghèo, trẻ con mồ côi vậy mà chưa khi nào nản lòng, chưa khi nào từ bỏ.

Vì các sơ còn có những đứa con phải nuôi nấng. Những đứa con dù chưa một lần sinh ra nhưng yêu thương chúng hơn cả tình yêu của một người mẹ. A Long là một ví dụ.

Đôi mắt của A Long thật ám ảnh. Đôi mắt trong sáng, sâu thẳm. A Long từng bị chính cha đẻ của mình chôn sống theo mẹ khi mẹ vừa sinh em được 6 ngày thì mất.

Chẳng thể ngờ trong cuộc sống này, đâu đó xa xôi ở ngoài kia, trên những cao nguyên hoang dã vẫn còn rơi rớt lại những hủ tục nặng nề.
Và cũng chẳng thể ngờ, cậu bé như được sinh ra thêm lần nữa khi được các nữ tu sĩ người dân tộc thuộc Hội Dòng Ảnh Phép Lạ ở Tây Nguyên cứu sống, nuôi nấng, trao cho một cơ hội đổi đời.

A Long chỉ là một trường hợp trong gần 1000 đứa trẻ tại các cơ sở bảo trợ của Hội dòng này. Nhưng dường như chẳng mấy ai biết đến sự tồn tại của họ. Gần 70 năm qua, họ đã ở đây, sống một cuộc đời dấn thân: vừa cầu nguyện vừa cứu vớt những phận người khốn khổ.

“Phó thác cho Chúa”- đó là câu trả lời của một nữ tu sĩ đã dành cả đời mình tận hiến cho nơi này nhưng sẽ còn là câu hỏi cho nhiều người khi vẫn chưa thể lý giải được vì sao họ lại âm thầm hy sinh với đạo với đời như thế.

Linh mục Giuse Đỗ Hiệu từng chia sẻ rằng, nhiều người khó có thể hiểu được tại sao một con người lại từ bỏ mọi sự để đi theo một lý tưởng tận hiến đến thế. “Như chị đến đây, hẳn là muốn hỏi vị linh mục này, khát vọng của ông là gì, lý tưởng của ông là như thế nào?”.

Rồi ông lý giải: "Chắc chắn đời không có lý tưởng, con người không thể sống một cách an tâm, an vui được. Phục vụ con người là một trong những lý tưởng của chúng tôi. Tôi vẫn nói với những người công giáo, vào Nhà thờ để học cách rửa chân cho người ta như thế nào để khi ra khỏi Nhà thờ rửa chân cho kẻ khác. Rửa chân ở đây có nghĩa là phục vụ một cách vô điều kiện và không vụ lợi. Đối với chúng tôi lý tưởng là như vậy”.

3. Người công giáo Việt Nam đang được sống trong một giáo hội của tình yêu thương từ Đức Giáo hoàng đến các đức giám mục, linh mục và các nam nữ tu sĩ đều hết lòng hy sinh. Nói như Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị, làm như thế, tinh thần gắn bó, tương thân tương ái đã thấm vào mỗi hành động, lời nói của bà con giáo dân, nối dài thêm nhịp cầu yêu thương, đoàn kết trong cộng đồng.

Đạo Công giáo chỉ mới có mặt ở Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ lại trải qua những năm tháng thăng trầm, đầy sóng gió. Thế nhưng tôn giáo này đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước nhà.

Đặc biệt những chính sách của Đảng, Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng – tôn giáo cùng với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Vatican tiến triển tốt đẹp đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào Công giáo.

Trong những năm qua, triết lý nhân sinh "tốt đời đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo và nhân dân cả nước sống trong một mái nhà chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng lòng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong không gian đầm ấm của một mùa xuân mới, chuyến thăm tới Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn vừa diễn ra đã mang theo kỳ vọng ấm áp cho khối đại đoàn kết khi mà ở đó lòng người kết nối cùng vun đắp, dựng xây những mục tiêu cao đẹp.

Bởi ở đâu có người Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương. Ở đâu có người Công giáo ở đó có sự yêu thương, chia sẻ.

Như lời Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: trong thành công chung của đất nước luôn có sự đóng góp rất quan trọng của đồng bào Công giáo, xứng đáng với lời của Giáo hoàng Francis: “Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tình yêu cao cả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO