Những trái tim ấm áp

Nguyên Hương 22/10/2017 06:00

Cộng đồng người Việt ở Nhật Bản có khoảng gần 55 nghìn người sống rải rác khắp các tỉnh thành phố. Dù người Việt ở Nhật không nhiều, nhưng họ lại luôn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đoàn kết dựa vào nhau cùng hòa nhập vào nước sở tại cũng như đóng góp cho quê hương.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản chung niềm vui đón Tết cổ truyền.

Người trẻ ở Nhật

“Nếu ở Mỹ, bạn có thể dễ dàng tìm một quán ăn Việt, thậm chí cả một Sài Gòn thu nhỏ nhưng ở Nhật cực hiếm hoi”, Nguyễn Bình Khiêm, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA) chia sẻ. Chính vì vậy cần phải tập hợp, kết nối những tấm lòng người Việt lại để họ cùng sinh sống, học tập - Khiêm nói.
Với mong muốn đoàn kết người Việt lại trên toàn nước Nhật, Khiêm cùng một số du học sinh tâm huyết tổ chức nhiều hoạt động xã hội lớn nhỏ, vận động các bạn đồng hương tham gia nhằm đoàn kết thanh niên Việt, tôn vinh bản sắc văn hóa và khơi dậy ý thức cộng đồng. Dần dần, một cộng đồng người Việt trẻ tại Nhật hình thành. Tháng 11-2001, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản Vysa chính thức ra đời. Đến nay hội thu hút được hơn 1/3 du học sinh Việt tại Nhật thường xuyên tham gia sinh hoạt. Quỹ học bổng Tấm lòng vàng của Vysa đợt đầu giúp đỡ nhiều em nhỏ khó khăn tại Phú Thọ, Thừa Thiên -Huế.

Một người trẻ nữa ở Nhật được cả người Việt lẫn người Nhật nể phục đó là Nguyễn Chí Nghĩa, phó giáo sư Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản-anh là một trong những người trẻ nhất được phong hàm phó giáo sư tại Nhật. Nói về giáo sư Nguyễn Chí Nghĩa, rất nhiều sinh viên Việt Nam đều khâm phục ý chí cũng như tấm lòng của thầy Nghĩa. Bởi với tất cả các sinh viên Việt Nam theo học tại Đại học Aomori Chuo Gakuin đều được thầy tận tình chỉ bảo, giúp đỡ các em nhanh chóng ổn định cuộc sống khi xa nhà.

Không chỉ các sinh viên Việt Nam, những người dân Aomori cũng rất trân trọng khi nói về thầy Nghĩa. Sở dĩ người dân vùng Đông Bắc nước Nhật trân trọng vị phó giáo sư người Việt là bởi nghĩa cử của anh trong suốt những năm tháng qua. Cụ thể, từ tháng 4-2011 Nguyễn Chí Nghĩa đã thành lập Hội Fukokai để hỗ trợ các nạn nhân trong thảm họa kép động đất sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản tháng 3/2011.

Nói về lý do vì sao mình có những việc làm như vậy, Nghĩa kể, sau thảm họa động đất, sóng thần những người dân phải chạy xa khu vực bị nhiễm xạ càng nhanh càng tốt. Khi sơ tán đến tỉnh Aomori, những người này không có bất cứ thứ đồ dùng nào đem theo người. Trăn trở với câu chuyện của những người dân Fukushima, anh đã tìm đến các doanh nghiệp tại tỉnh, để nhờ giúp đỡ.
“Cứ gõ đi, cửa sẽ mở”, trong lần đến làm việc với một doanh nghiệp thời trang tại tỉnh Aomori, Nghĩa đã nhận được sự hỗ trợ quý báu này. Đó là công việc làm tóc thời trang cho doanh nghiệp. Nghĩa nhận nhiệm vụ chở sản phẩm từ doanh nghiệp đến cho người lánh nạn ở Aomori gia công và sau đó sẽ thu gom sản phẩm đã được gia công đem trả cho doanh nghiệp. Nhờ những nghĩa cử cao đẹp này, người dânAomori đều ghi nhận đây là chàng trai Việt Nam có tấm lòng vàng.

Chia sẻ về những việc làm thiện nguyện của mình Nghĩa nói thật giản dị. “Giúp người cũng chính là giúp mình, mình có trí tuệ, sức khỏe sao có thể dửng dưng với những người không may rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Không chỉ là trí tuệ, chính trái tim nồng hậu của Nguyễn Chí Nghĩa đã đem lại sự ấm áp cho những sinh viên Việt Nam cũng như những người dân Nhật Bản.

Đoàn kết nương tựa vào nhau

Tiến sỹ Thích Ni Tâm Trí (sư cô), người đang làm việc và nghiên cứu tại trường Đại học Shokutoku thuộc Tokyo, kiêm tổng quản ngôi chùa nổi tiếng Nisshinkutsu (do Hòa thượng Yoshimizu Daiichi trụ trì) tại Tokyo cho biết, thời gian qua chùa Nisshinkutsu có những đóng góp rất tích cực cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. “Chúng tôi vẫn tổ chức các sự kiện của người Việt như Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan, Lễ Phật Đản, Cúng cầu an cầu siêu v.v.. Đặc biệt, trong đợt động đất sóng thần xảy ra gần đây tại Nhật Bản, chùa Nishinkutsu đã cưu mang gần 100 cá nhân và gia đình người Việt…” - sư cô Tâm Trí chia sẻ.

Là người tu hành và cũng là tăng ni người Việt duy nhất tại chùa, bản thân sư cô Tâm Trí luôn tâm niệm làm sao để đưa đạo Phật đến gần hơn với dân chúng cũng như hướng họ đến với cái thiện, tránh xa điều ác, mang lại sự thanh thản cho tâm hồn. Chính tấm lòng cùng những cố gắng của sư cô và nhà chùa nên thời gian qua Phật tử thuộc nhiều thành phần xã hội từ sinh viên, người lao động, trí thức, doanh nhân người Việt tìm đến chùa ngày càng đông, đóng góp và tham gia các hoạt động của nhà chùa tổ chức ngày một nhiều hơn. Theo sư cô Tâm Trí, đây chính là mong muốn của bà nói riêng và Phật giáo nói chung để có thể đóng góp vào sự nghiệp đoàn kết cộng đồng người Việt Nam xa xứ ở Nhật Bản cũng như các nước khác.

Bà Tống Thị Kim Giao, một kiều bào ở Nhật cũng là người luôn trăn trở tìm cách kết nối những tấm lòng đến với tấm lòng. Điều khiến bà Kim Giao lo nghĩ nhiều nhất hiện nay là nhiều người xa quê lâu năm đang loay hoay không biết phải làm gì để giữ gìn bản sắc dân tộc? Bởi, theo bà, việc ra nước ngoài định cư khiến hoàn cảnh sống thay đổi kéo theo ít nhiều biến đổi từ trong tư duy đến thói quen sinh hoạt của người Việt Nam.

Để giữ gìn bản sắc, theo bà trước hết bản thân mỗi người cần tự hào vì mình là con dân Việt và giáo dục và làm gương cho thế hệ con em. Theo bà Giao điều quan trọng hơn là mỗi người Việt ở Nhật nên phát huy sức mạnh “cây nhà lá vườn” của cộng đồng Việt tại xứ người. “Hãy công nhận tài năng của nhau và giúp đỡ nhau cùng phát triển, có như thế mới làm cho cộng đồng Việt tại đây vững mạnh”. Hiện nay bà Giao là một trong những người có nhiều đóng góp tích cực cũng như khởi xướng các hoạt động giao lưu văn hóa của người Việt ở Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những trái tim ấm áp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO