Những ý kiến tâm huyết của cán bộ Mặt trận

Tuệ Phương 30/07/2019 15:14

Tại hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ X, khóa XIII tổ chức hôm nay, 30/7, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận. Báo Đại đoàn kết xin giới thiệu ý kiến của một số vị Ủy viên tham gia hội nghị.

Những ý kiến tâm huyết của cán bộ Mặt trận

Ông Bùi Xuân Đức.

PGS. TS Bùi Xuân Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiên cứu và đào tạo cán bộ Mặt trận: Phản biện phải mang màu sắc Mặt trận

Để nâng cao vị thế của Mặt trận, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là phải làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội. Sau khi có Quyết định 217, 218; Luật MTTQ Việt Nam; Nghị quyết liên tịch giữa Mặt trận, Chính phủ và Quốc hội thì Mặt trận cơ bản có đầy đủ pháp lý để thực hiện.

Trong quá trình tổ chức giám sát, phản biện đã xuất hiện khá nhiều “tấm gương” điển hình như giám sát chất lượng các công trình, dự án; giám sát phản biện một số dự án Luật và một số đề án. Tuy nhiên, để thực hiện đúng bản chất của giám sát và phản biện thì phải tập trung giám sát về đường lối, chủ trương, chính sách; giám sát về hoạt động của Đảng và Nhà nước như hoạt động chống tham nhũng, lãng phí và những vấn đề về tư cách bộ, Đảng viên…

Tuy nhiên, về hình thức giám sát những năm qua còn nặng về giám sát theo kế hoạch, theo đoàn mà đúng ra Mặt trận phải giám sát việc tập hợp, ý kiến của nhân dân và nêu chính kiến của Mặt trận, từ đó thấy được bức xúc của nhân dân để có cách xử lý; có kiến nghị xác đáng mang màu sắc Mặt trận.

Đặc biệt, những ý kiến tại hội nghị phản biện phải được đưa đến các cơ quan có thẩm quyền đó là Quốc hội, Chính phủ; thậm chí đến lãnh đạo cao cấp. Có như vậy thì hoạt động giám sát và phản biện mới đúng và đạt được kết quả cao, đáp ứng được niềm mong mỏi của nhân dân.

Những ý kiến tâm huyết của cán bộ Mặt trận - 1

Ông Trần Đình Thắng.

Ông Trần Đình Thắng, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII: Huy động những người giỏi tham gia giám sát

Hiện nay, người Việt ở Mỹ đã hiểu rõ vấn đề, giới trẻ cũng đã tiếp cận nhiều thông tin hơn cho nên sự cảm thông giữa bà con bên Mỹ với bà con ta ở trong nước dễ dàng hơn. Giới trẻ Việt kiều Mỹ cũng tham gia nhiều trong Chính phủ Mỹ. Họ cũng hỗ trợ để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ tốt đẹp hơn.

Về hoạt động giám sát và phản biện, trong 5 năm qua khái niệm giám sát và phản biện được nói đến rất nhiều nhưng nhiều bà con kiều bào bên Mỹ cũng chưa hiểu thấu đáo về quy trình giám sát, phản biện; ai là người đi giám sát, phản biện; giám sát và phản biện những nội dung gì?...

Mặt trận nên thành lập Ủy ban giám sát, phản biện và huy động những người có chuyên môn tham gia giống như Quốc hội thì sẽ có kết quả cụ thể hơn.

Ví dụ, tôi có chuyên ngành về kỹ thuật và giáo dục. Nếu giám sát về lĩnh vực này, tôi hoàn toàn đủ khả năng để tham gia nhưng mình lại không có cơ hội. Mặt trận cần chứng tỏ vai trò, đưa hình ảnh của mình ra xã hội bằng việc chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để giám sát. Hy vọng trong khóa tới Mặt trận sẽ bù đắp được việc này.

Những ý kiến tâm huyết của cán bộ Mặt trận - 2

Ông Trần Ngọc Đường.

GS. TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về giám sát và phản biện

Hiến pháp năm 2013 đã quy định một nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn của Mặt trận về giám sát và phản biện. Vì vậy, cần có nhận thức đúng đắn về giám sát, phản biện cho tương xứng với vị trí, vai trò của Mặt trận là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp và của các công dân tiêu biểu. Cần phải nâng cao nhận thức cho phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 đó là một phương thức giám sát quyền lực xã hội, quyền lực của Nhà nước từ phía nhân dân; một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp.

Đây là vấn đề mới nên từ nhận thức đến tổ chức thực hiện còn lúng túng, chưa chu đáo, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của nó. Về phương diện pháp lý, những quy định pháp luật để giám sát và phản biện chưa thật đầy đủ. Ví dụ, khi phản biện một dự án Luật thì trách nhiệm của cơ quan có văn bản đưa ra phản biện dự thảo Luật đó phải có trách nhiệm và sau khi phản biện rồi thì kết quả tiếp thu phải có sự giải trình và trả lời cho Mặt trận để Mặt trận nắm được. Do đó nên tiếp tục hoàn thiện thêm cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện giám sát và phản biện xã hội tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ý kiến tâm huyết của cán bộ Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO