Những yếu tố giúp tăng trưởng chiều cao

Đức Trân 28/09/2017 08:15

Công bố mới đây cho thấy, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới với chiều cao trung bình là 164,4cm, nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, trung bình 153,4cm.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng trong vòng 34 năm qua (1975-2009) cho thấy, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng 4,4cm (từ 1,6m lên 1,64m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4cm (từ 1,5m lên 1,53m). Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp. Trong khi đó, nữ giới Hàn Quốc và nam giới Iran đã đạt mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất với mức tăng tương ứng là 20,2cm và 16cm trong 100 năm qua.

Lý giải về nguyên nhân này, TS.BS Trương Hồng Sơn- phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ em Việt Nam, trong đó có 5 nguyên nhân chính là di truyền, dinh dưỡng, luyện tập thể thao, giấc ngủ và bệnh tật. Trong đó, yếu tố di truyền quyết định tới 83% chiều cao ở trẻ trai và 76% ở trẻ gái. Có khoảng hơn 400 gen khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao. Tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á, di truyền quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, cũng theo BS Sơn, 20-40% chiều cao khi trưởng thành được quyết định bởi các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất chính là dinh dưỡng. Để trẻ đạt được chiều cao tối ưu cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng cân đối. Một vài nghiên cứu được cho rằng, nếu nạp đủ lượng protein trong quá trình tăng trưởng, chiều cao sẽ tăng trưởng tốt hơn. Do vậy trẻ cần được bổ sung đầy đủ protein, đặc biệt từ thịt nạc, đậu nành, cá và các sản phẩm từ sữa. Những loại protein này sẽ giúp cơ thể phát triển, làm chắc khỏe xương và kích thích sự tăng trưởng của trẻ.

Các vi chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ gồm canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D, vitamin K2 cùng một số khoáng chất khác. Ngoài ra, giấc ngủ cũng có vai trò không kém tới sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Trẻ không ngủ đủ giấc không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao mà còn ảnh hưởng đến hormone điều chỉnh cảm giác đói và vị giác khiến trẻ ăn nhiều hơn bình thường và có nguy cơ thừa cân. Đồng thời, luyện tập thể thao giúp cơ và xương chắc khỏe, giúp việc duy trì cân nặng hợp lý và kích thích sản xuất hormone tăng trưởng chiều cao. Trẻ em ở độ tuổi đi học cần ít nhất một giờ luyện tập mỗi ngày.

PGS.TS Lê Bạch Mai- nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Theo kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2015, trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng, cứ 10 trẻ thì có 7 trẻ thiếu kẽm, cứ 2 trẻ có một trẻ thiếu máu. Thống kê cho thấy, trẻ em ở các vùng miền trong cả nước đều đang thiếu vitamin A trong khẩu phần ăn, duy chỉ có vùng Đông Nam Bộ đáp ứng nhu cầu vitamin A cho trẻ. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ thiếu máu vẫn còn rất cao. Thiếu máu ảnh hưởng lớn tới việc phát triển tầm vóc và trí tuệ của trẻ.

Hiện nay, tỷ lệ thiếu máu trung bình giảm 28%, nhưng tỷ lệ này ở độ tuổi dưới hai tuổi không thay đổi từ năm 2005-2010. Đồng thời, PGS.TS Lê Bạch Mai cảnh báo, việc các bậc phụ huynh cho con ăn đồ ăn nhanh, sử dụng thức ăn có nhiều đường không tốt cho sức khỏe của trẻ và cần phải thay đổi thói quen chăm sóc để trẻ để trẻ có đủ dinh dưỡng, phát triển tầm vóc, Ngoài ra, bệnh giun sán cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tăng trưởng của trẻ em. Hiện tỷ lệ mắc giun sán ở Việt Nam khá cao; thậm chí trong một khảo sát tại một địa phương có tới 95% trẻ mắc giun sán.

PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo: Trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi bà mẹ có thai cho tới trẻ 24 tháng tuổi) là cơ hội giúp cho đứa trẻ phát triển về tầm vóc tốt nhất. Sau đó là ở giai đoạn tiền dậy thì (6 tới 11 tuổi). Vì vậy cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục hợp lý và bổ sung vi chất dinh dưỡng hợp lý để phát triển chiều cao. Khi đã qua tuổi dậy thì (khoảng 17, 18 tuổi với nam và 15, 16 tuổi đối với nữ), chiều cao sẽ phát triển rất ít và mọi cố gắng để hỗ trợ phát triển chiều cao sẽ gần như không có tác dụng. Vì vậy, để nâng cao thể chất của trẻ em cần tập trung vào đối tượng phụ nữ mang thai. Các bà mẹ cần có sự can thiệp bổ sung dinh dưỡng, vi chất ngay từ giai đoạn bắt đầu mang thai một cách hợp lý, thậm chí duy trì đến hết giai đoạn trẻ dậy thì để có được chiều cao tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những yếu tố giúp tăng trưởng chiều cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO