Níu lại khoảng trời thơ

NGUYỄN TRỌNG VĂN 25/08/2022 11:11

Không hiểu sao hàng năm cứ vào những ngày tháng này tôi lại thấy nao nao. Đã đành sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, những tưởng mọi thứ tưởng đã quen thân thì sẽ cảm thấy bình thường, vậy mà khi đâu đây trong nắng dậy lên mùi nhãn chín là tôi lại thấy như lần đầu.

Tuổi thơ xứ nhãn. Ảnh: ITN.

“Anh đưa em về

Nắng thơm mùa nhãn chí

Quê ta đó đường qua bến hẹn

Xôn xao cánh ong bay”.

Không hiểu sao hàng năm cứ vào những ngày tháng này tôi lại thấy nao nao. Đã đành sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, những tưởng mọi thứ tưởng đã quen thân thì sẽ cảm thấy bình thường, vậy mà khi đâu đây trong nắng dậy lên mùi nhãn chín là tôi lại thấy như lần đầu. Tôi nghe trong tiếng gió thổi có câu hát quê nhà.

Tôi nghe trong tiếng nắng nổ lép bép có lời ru giấc trưa của mẹ. Hồi còn nhỏ, thích nhất là được mắc võng đung đưa dưới bóng mát của cây nhãn. Ngửa mặt nhìn lên, ánh nắng soi qua từng kẽ lá rót xuống quanh gốc nhãn trăm ngàn những bông hoa nắng. Mỗi khi có làm gió thổi qua, chùm lá lao xao, những bông hoa nắng của thoắt ẩn thoắt hiện, thoắt nở chỗ này, thoắt bừng lên chỗ khác. Cảm giác luôn luôn mới mẻ thật kỳ ảo. Và kỳ ảo hơn là thoảng trong hơi thở của gió là mùi nhãn bắt đầu chín. Thơm thơm, ngòn ngọt và đầy háo hức.

Quê tôi bây giờ đã bắt đầu vào mùa nhãn chín, cái nắng nồng nã của tháng bảy tưởng như nung, như thiêu ấy vậy mà không làm mất đi, không làm hao phai dù chỉ là một phút giây để tâm hồn chợt xao nhãng về hương nhãn.

Tôi nghe trong tim mình những âm thanh xao động. Mùa nhãn chín cũng là mùa thu bắt đầu gõ cửa. Trong tiếng thu nhè nhẹ bên mình tôi thấy mọi vật xung quanh đều ánh lên niềm da diết. “Mùa thu tím biếc những vòm cây/ Anh đưa em về/ Triền đê cỏ may dệt lối/ Chùm tay ta làm tiếng gọi/ Ngõ quê hoa lý em ơi”.

Mùa nhãn chín cũng là lúc giàn thiên lý trước sân nhà nở hoa. Mẹ tôi bảo: Hoa thiên lý vừa thơm vừa bổ. Bữa trưa trải chiếu xuống nền nhà, húp bát cơm chan với hoa lý nấu với cua đồng, nhâm nhi miếng cà nén chua thì thật chẳng có sơn hào hảo vị nào bằng. Lời mẹ nói năm xưa tôi đâu có để ý. Lớn lên, từ biệt ngôi nhà xưa yêu dấu, tạm biệt gốc nhãn già thân gốc mốc sần sì, tôi khoác ba lô đi biền biệt. Những đêm ngủ rừng, những trưa ngồi ôm súng trong công sự, thấy vạt đồi trước mặt chang chang màu nắng, lòng tôi lại chạnh nỗi nhớ về hương nhãn vào mùa cho quả.

Nhớ năm nao, khi đến vụ thu hoạch nhãn, nhà nhà rôm rả, người người hân hoan. Đám trẻ con choai choai chúng tôi đứng nép bên mái hiên nhà, xem người thu thu hoạch nhãn và cũng là để chờ nhãn đã được hái xong. Nhãn hái xong cũng là lúc để bọn choai choai nhay nháy mắt nhau, cui cúi luồn luồn kiểu như “du kích áp sát đồn địch” như câu chuyện cha tôi đã kể. Chúng tôi thực ra là thích “cách đi” như thế chứ cây nhãn đã thu hoạch xong thì gia chủ “tháo khoán” cho trẻ con trong xóm, ngoài làng tự nhiên đến mà mót quả.

Mót nhãn đã đành được công khai, được thỏa thích mà trèo lên cây nhưng làm động tác “bí mật” vẫn có cái khoái riêng mà chỉ lũ trẻ con mới nghĩ ra được. Đó là phải “kho khó” một tí, đó là phải “vụng trộm” một tí, có thể khi đã yên vị nằm giữa chạc ba trên cành cao của cây nhãn mới thấy nó “khoái” vô cùng. Nằm yên vị trên chạc ba, ngẩng đầu xem thằng bạn thế nào, nháy mắt với thằng cũng đang “yên vị” như mình. Và với tay kều kều túm nhãn chỉ còn chừng dăm ba quả. Thế thôi đủ thích lắm rồi. Ăn nhãn mót mới sướng, mà toàn là những quả xâu xấu, toàn là những quả thưa thớt. Ấy thế mà nó ngon “đáo để”.

Cầm mấy quả nhãn như thế trong tay, tôi đưa mắt nháy với thằng bạn rồi nhân nha đưa lên miệng cắn. Nước nhãn rớt ra, kệ, vỏ nhãn tuột vào trong miệng, kệ, ăn nhãn kiểu như thế mới mê. Chứ ăn nhãn kiểu cầm cả chum núc ních quả thì ăn chán lắm. Rồi khi chỗ “yên vị” đã hết quả, lại lom khom bò bò, trèo trèo sang cành khác. Nhãn bỏ sót cũng thường là những chùm, những quả tít ngoài cành bổng. Chỗ đó người thu hoạch nhãn bỏ qua không hái. Đó lại là những chùm nhãn ngon tuyệt.

Ngoài kia nắng dậy lên mùi nhãn chín. Tôi nôn nao đứng ngửa cổ trông lên. Tưởng như tuổi thơ vẫn còn đâu đây, tưởng như ngày xưa vẫn còn đâu đó. Trên cành cao, nhãn sai quả từng chum căng chín. “Năm nay được mùa nhãn”, tôi vừa nghe có ai đó nói. Nhìn xung quanh, tuyệt nhiên vắng vẻ, thì ra là cây nhãn đã nói.

Thấy tôi đứng ngửa cổ vẻ “ngây ngô” cô bạn gái đi cùng tôi, một cô gái sinh ra ở phố, lớn lên ở phố, cứ ngỡ tôi làm sao. Cô bạn lại gần đưa tay chao qua chao lại trước mặt. Hình như cô ấy đang “kiểm tra” xem tôi tỉnh hay mơ. Mà tôi đang mơ thật mà, tôi mơ về những ngày tháng xa xưa, tôi mơ về những mùa nhãn đã qua.

Tôi mỉm cười, rồi nói: “Em đứng đợi dưới gốc cây nhé. Để anh trèo lên hái quả. Anh sẽ thả từng quả xuống cho em đỡ”. Nghe tôi nói vậy, cô bạn người phố bật cười rất to: “Cần gì phải thế. Anh chỉ cần cầm cây sào này là hái được rồi mà”. Tôi lắc đầu: “Ăn nhãn phải đúng kiểu ngày xưa nó mới ngon”, và tôi nói thêm: “Ăn như thế mới thấy nhãn thơm hơn”. Cô bạn người phố lại cười…

Tôi biết, cần gì phải “nhiêu khê”, giờ nhãn bán đầy ngoài đường ngoài chợ, bán nhan nhản khắp nơi. Hôm trước khi biết tôi có nhã ý mời cô ấy mùa nhãn chín về quê tôi cùng tôi, cô bạn người phố đã bảo “Anh cứ vẽ vời. Muốn ăn nhãn lồng Hưng Yên à? Để em gọi ship”. Tôi vội xua tay: “Về quê với anh đi. Về quê anh đi dưới rặng nhãn, đi trong vườn nhãn thích lắm. Khắp quanh mình chỉ toàn mùi nhãn chín. Bên cạnh mình chật ních tiếng ong mật như vỗ về thích lắm. Về quê anh ăn nhãn quê anh kiểu người quê anh em nhé”. Và tôi lại: “Kìa tiếng ai như đang hát ngoài đê/ Gọi dòng sông chảy/ Anh đưa em về/ Nao nao nắng thơm/ Vương áo người đi kín nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Níu lại khoảng trời thơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO