Nỗ lực chăm lo cho người nghèo

PHƯƠNG NGUYÊN (thực hiện) 15/05/2022 15:49

Hàng năm tỉnh Điện Biên đều tập trung nguồn lực cho công tác an sinh, hỗ trợ các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Để cùng chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Điện Biên đã tích cực kêu gọi, huy động nguồn lực ở trong và ngoài tỉnh để chăm lo cho người nghèo. Đó là khẳng định của ông Lò Văn Mừng - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên với PV báo Đại Đoàn Kết.

Ông Lò Văn Mừng.

PV: Trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để giúp người nghèo, trong đó tập trung xây nhà Đại đoàn kết, xin ông cho biết rõ hơn việc này?

Ông LÒ VĂN MỪNG: Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh và Công an tỉnh Điện Biên dưới sự giúp đỡ của Bộ Công an đã giúp cho huyện Điện Biên Đông xây dựng 1.040 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá mỗi căn nhà 50 triệu đồng. Đây là một con số hỗ trợ tương đối lớn mà rất ít tỉnh được nhận. Ngoài sự hỗ trợ về tiền từ Bộ Công an, bà con nhân dân còn được hỗ trợ ngày công lao động, hỗ trợ thêm vật liệu xây dựng... Bên cạnh sự hỗ trợ từ Bộ Công an, tỉnh Điện Biên cũng hỗ trợ xây dựng thêm 520 căn nhà. Như vậy, trong năm 2021, toàn tỉnh đã tiến hành xây mới gần 1.700 căn nhà. Tất cả những căn nhà này đã được hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Trong thời gian ngắn, để hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy ngoài việc chủ động, nỗ lực của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo tích cực của Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp. Việc tổ chức triển khai làm nhà không để xảy ra các vấn đề bất cập, khiếu kiện, mất đoàn kết và luôn nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Cán bộ Mặt trận cơ sở đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc vận động cộng đồng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà; khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.

Ông Lò Văn Mừng - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên (người thứ 2 từ phải sang trái) trao nhà Ðại đoàn kết cho hộ nghèo xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên.

Để tiếp tục giúp đỡ người nghèo trong những năm tiếp theo, MTTQ tỉnh Điện Biên đã lên kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa ông?

Vừa rồi chúng tôi đã huy động được các nhà tài trợ hơn 20 tỷ đồng. Với số tiền huy động được thì tỉnh có thể xây dựng được khoảng 400 căn nhà Đại đoàn kết. Với đặc thù là tỉnh khó khăn nên Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm đến an sinh xã hội, trong đó tập trung xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là một trong những nội dung trong đề án sắp tới để kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Việc đưa nội dung này vào trong đề án để từ đó các cấp, các ngành, MTTQ kết nối thông tin với các tổ chức, các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế hỗ trợ kinh phí. Nhờ đó, số tiền mà tỉnh huy động được để hỗ trợ người nghèo rất lớn. Có thể nói, đây là một trong những đợt vận động ủng hộ làm nhà cho người nghèo thông qua Quỹ Vì người nghèo của tỉnh có giá trị rất lớn, mang lại niềm vui, niềm phấn khởi cho nhiều hộ nghèo.

Trong quá trình triển khai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cũng chủ động, tích cực liên hệ với các đơn vị tài trợ để đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu; phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức thẩm định các gia đình đủ kiều kiện được hỗ trợ tại các huyện; thường xuyên cập nhật tiến độ làm nhà, kiểm tra, đôn đốc các huyện hoàn thành việc làm nhà cho người nghèo.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao và người nghèo rất khó để thoát nghèo bền vững. Do đó, việc hỗ trợ, sàng lọc để giúp đỡ người nghèo không phải việc dễ. Vậy, tỉnh Điện Biên đã tiến hành rà soát như thế nào để những hộ nghèo được giúp đỡ phải là những hộ thật sự xứng đáng?

Để làm tốt việc này, chúng tôi phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là khởi nguồn của việc dân có đồng thuận hay không, dân có khiếu kiện hay không. Do đó, khi có chỉ tiêu giao xuống huyện thì huyện triển khai đến xã và đến thôn, bản. Khi xuống dưới thôn, bản, chính quyền cơ sở sẽ tổ chức họp dân để bình xét. Chính vì việc đó mà lựa chọn ai xứng đáng, ai không xứng đáng hoặc cùng xứng đáng nhưng ai được ưu tiên trước, ai được ưu tiên sau thì đều do dân bản quyết định. Với cách thức triển khai một cách bài bản, công bằng như vậy cho nên từ nhiều năm nay tỉnh không xảy ra tình trạng kiện cáo hay mất lòng tin của nhân dân trong công cuộc giảm nghèo.

Ngoài tổ chức xây nhà Đại đoàn kết, tỉnh Điện Biên có chính sách dài hơi để giúp đỡ hộ nghèo một cách bền vững không thưa ông?

Nguồn lực làm nhà Đại đoàn kết là nguồn mà tỉnh huy động xã hội hóa. Để giảm nghèo bền vững tỉnh có một chương trình về giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi. Trong đó, có các chương trình hỗ trợ về sinh kế, hỗ trợ giống, vốn, hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ... Thậm chí chúng tôi còn tạo điều kiện cho bà con đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài hay đi làm ở các khu công nghiệp ở các tỉnh thành, phố lớn trong cả nước. Đây là mô hình rất hay để người dân có thu nhập ổn định. Với những người trong độ tuổi lao động mà sức khỏe tốt thì đi làm những công việc như vậy rất phù hợp, thu nhập của họ sẽ cao hơn rất nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực chăm lo cho người nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO