Nỗ lực cứu di sản cố đô Huế

Trọng Bình 01/10/2016 12:26

Trải qua bao biến thiên lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được “một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật. Tuy vậy, để di tích Huế như một thời của quá khứ vàng son, những người làm công tác bảo tồn đã không ngừng nỗ lực để gìn giữ các giá trị di sản của tiền nhân để lại.

Nỗ lực cứu di sản cố đô Huế

Bảo tồn, tu bổ và phục hồi Nhật Thành Lâu (Tử cấm thành-Đại nội Huế).

TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) cho biết, sau chiến tranh, toàn bộ khu vực tử cấm Thành gần như bị xoá sổ.

Khu vực hoàng thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thuỷ. Khu vực kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng.

Toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ bao gồm: thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ, cầu cống, đình tạ... hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, hoặc bị dột nát, nứt vỡ bờ nóc, bờ quyết, các cấu kiện chịu lực mục ruỗng, nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào.

GS Takeshi Nakagawa-Đại học Waseda (Nhật Bản) cho rằng, để bảo đảm tính bền vững cho các giá trị thuộc di tích Huế, trước hết và quan trọng nhất đó là tính nguyên bản. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến tính hợp tác quốc tế trong bảo tồn.

Theo TS Phan Thanh Hải, vấn đề GS Takeshi Nakagawa nhấn mạnh luôn được Trung tâm coi trọng, nổi bật trong đó là Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản, Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ… thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa.

Ông Lê Văn Quảng- phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung cho biết, đối với công tác bảo tồn trùng tu dích tích Huế, có rất nhiều yếu tố tác động vào, đó là lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, phong thủy, kết cấu công trình bao gồm kiến trúc gỗ, kiến trúc gạch đá, vật liệu… tất cả đều được nghiên cứu tỉ mỉ trước khi thực hiện công tác bảo tồn.

Bà Andrea Teufel- chuyên gia trùng tu di tích thuộc Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, mọi quy trình trùng tu di tích ở Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế rất bài bản, theo đúng các quy trình và phương pháp khoa học, tôn trọng tính chân xác của lịch sử đến mức tối đa có thể.

Tuy nhiên, trùng tu là một công việc rất gian nan và phức tạp, mang tính kế thừa, và với điều kiện khí hậu địa phương cùng những yếu tố của biến đổi khí hậu hiện nay, việc trùng tu cũng phải theo hướng thích nghi, chí ít là trong lựa chọn vật liệu.

Triều Nguyễn (1802-1945) đã để lại cho cố đô Huế một di sản đồ sộ bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể có giá trị nổi bật toàn cầu: Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc triều Nguyễn được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại (2003) và ba Di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Cuộc phục hưng di tích Huế bước sang một trang mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực cứu di sản cố đô Huế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO