Nỗ lực để mọi người dân có cái Tết đầm ấm

Lan Hương 12/01/2022 22:27

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) năm 2022 chiều 12/1 tại Hà Nội.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống ASXH hiện hành chưa bao phủ tới.

Trong bối cảnh đó, Bộ LĐTBXH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống ASXH ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.

Đến nay, cả 2 Nghị quyết 68 và 116 đều đã thực hiện đạt và vượt kết hoạch đề ra. Nghị quyết 68 ban đầu xác định giá trị 26.000 tỷ, thực tế đã thực hiện với mức 33.000 tỷ. Nghị quyết 116 trị giá 38.000 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành 100% mục tiêu.

Các chính sách đã triển khai với nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn", Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên theo thống kê đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những kết quả mà ngành LĐTB&XH đã đạt được không chỉ trong phòng chống dịch mà còn lo an sinh cho hàng chục triệu người dân. Bên cạnh đó, ngành LĐTB&XH vẫn duy trì các hoạt động chung rất rộng, nhiều lĩnh vực: Người có công, giảm nghèo đa chiều bền vững, hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm,…

Nhìn thẳng vào những điểm chưa làm được, những bất cập tồn tại, Phó Thủ tướng cho rằng, trong năm 2022, ngành cần tập trung để đẩy mạnh một số lĩnh vực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết được ngay như: Lĩnh vực người có công; lĩnh vực giảm nghèo; khắc phục những khó khăn của thị trường lao động do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là đưa người lao động ra nước ngoài làm việc; lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã; cùng với đó là tập trung chuyển đối số trong mọi lĩnh vực của ngành.

“Những khó khăn của thị trường lao động thời gian qua đã khắc phục nhưng do đại dịch Covid -19 khiến cho việc đưa người lao động đi nước ngoài làm việc làm gặp nhiều khó khăn. Tới đây ngành cần phối hợp Bộ Ngoại giao có chính sách quản lý chặt hơn và tuyên truyền đến người dân chọn lựa những quốc gia để đưa người đi làm việc, học tập được đảm bảo", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành LĐTB&XH phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức và các địa phương chăm lo một cái tết an toàn ấm cúng cho người dân đặc biệt với các đối tượng người có công, đối tượng chính sách và những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.

“Ngoài hỗ trợ vật chất, còn phải có sự thăm hỏi động viên tinh thần, bởi tâm lý người dân vừa trải qua giai đoạn căng thằng của dịch bệnh nên bị ảnh hưởng rất nặng nề, để lại những di chứng, nếu làm tốt thì di chứng nhanh hết, không thì rất lâu dài. Chúng ta phải cố gắng giúp bà con có cái Tết thật đầm ấm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực để mọi người dân có cái Tết đầm ấm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO