Nỗ lực kéo giảm nhập siêu từ Hàn Quốc

Minh Phương 14/10/2017 09:30

Nhập siêu từ Hàn Quốc đã gia tăng nhanh chóng, vượt cả Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân một phần từ việc Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tận dụng được cơ hội này, còn các doanh nghiệp Việt thì sao?

Nhiều sản phẩm hàng hóa Hàn Quốc xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.

Nhập siêu tăng mạnh

Thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng gần 87 lần trong hơn 2 thập kỷ qua, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017, con số này đạt 45,09 tỷ USD.

Cho đến nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2017 đã có sự thay đổi khi Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nguyên nhân chính của thực trạng này là do Hàn Quốc dẫn đầu về lượng vốn FDI vào nước ta và các doanh nghiệp (DN) FDI này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 34,41 tỷ USD tăng 46,5% so với cùng kỳ, trong khi nhập từ Trung Quốc chỉ tăng 15,6% và đạt 41,6 tỷ USD. Theo đó, thâm hụt thương mại với Hàn Quốc ở mức hơn 24 tỷ USD, gia tăng cách biệt với mức thâm hụt với Trung Quốc, đạt 19,7 tỷ USD.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc (chính thức có hiệu lực từ tháng 12-2015). Quá trình thực thi FTA này là động lực để thương mại giữa hai nước cải thiện đáng kể, đồng thời dẫn tới nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh khi Hàn Quốc tận dụng ưu đãi tốt hơn.

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Lê Quốc Phương- phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, các DN của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi FTA có hiệu lực. Do vậy, đến khi Hiệp định này đi vào thực thi, hàng hóa của Hàn Quốc có thể vào Việt Nam ngay bởi hàng hóa của họ hầu như đều đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như chất lượng.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng khi sang thị trường họ. Điều này được minh chứng rõ ở tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các DN Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi từ FTA mới đạt 40%.

Tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc

Ông Lê An Hải- phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiên; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại… sang Hàn Quốc. Với đặc điểm nổi bật này, theo giới chuyên gia, DN Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc hơn nữa để không chỉ tận dụng được cơ hội mà FTA Việt Nam - Hàn Quốc mang lại, mà còn là biện pháp để giúp Việt Nam giảm nhập siêu từ thị trường này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Cách nào để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, đây chính là mối trăn trở của nhiều DN cũng như nhà làm chính sách hiện nay, bởi Hàn Quốc xưa nay vẫn được coi là một trong những thị trường khó tính nhất.

Đứng trước những băn khoăn này, ông Hải cho rằng, khi xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, DN Việt Nam cần quan tâm đến một số vấn đề như: Người Hàn Quốc có tâm lý và định kiến tiêu dùng khi cho rằng hàng Việt Nam chất lượng không tốt, không đảm bảo vệ sinh và hàng Hàn Quốc là số 1, niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm của họ rất lớn.

Điều đáng chú ý nhất, hệ thống phân phối của Hàn Quốc khá phức tạp với hàng trăm đại siêu thị, hàng nghìn siêu thị lớn nhỏ, hàng chục nghìn cửa hàng tiện ích và hàng trăm nghìn cửa hàng gia đình đã khiến sự cạnh tranh và hệ thống hóa cao độ kênh phân phối. Nói hệ thống phân phối là điểm quan trọng nhất là bởi để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc là phải có đối tác bên trong, tức là đối tác là nhà phân phối ở Hàn Quốc để làm sao đưa sản phẩm vào chuỗi của họ.

Trên thực tế, số lượng nhãn hiệu thuần Việt ở thị trường Hàn Quốc chưa nhiều, có chăng chỉ là cà phê G7, phở Xưa và nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… được phân phối ở những hệ thống phân phối không chính thức, còn trên quầy kệ tập đoàn lớn chưa có nhiều.

Do vậy, ông Hải cho biết, việc tiếp cận được nhà phân phối lớn vừa giúp DN có sự ổn định về đơn hàng, vừa gắn được sản phẩm của mình với thương hiệu, hãng phân phối nổi tiếng của Hàn Quốc, từ đó DN Việt hoàn toàn có thể xây dựng được thương hiệu riêng cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực kéo giảm nhập siêu từ Hàn Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO