Nỗ lực 'mở cửa' bầu trời

Hạnh Nhân 01/06/2020 07:30

“Chúng ta nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đã nói như vậy về việc “mở cửa bầu trời” trở lại, khơi thông cho ngành du lịch.

Nỗ lực 'mở cửa' bầu trời

Các hãng hàng không Việt Nam đã chuẩn bị chinh phục trở lại bầu trời.

Tại cuộc tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế” diễn ra tại Bình Định mới đây, nhiều ý kiến cho rằng dù dịch Covid-19 chưa chấm dứt nhưng việc chúng ta “nối lại” dịch vụ hàng không là rất cần thiết, tuy rằng ngành hàng không thế giới phần lớn vẫn đang “án binh bất động”. Không chỉ khai thác tất cả đường bay nội địa mà còn chuẩn bị sẵn sàng phục hồi các đường bay quốc tế. Ngành hàng không đang được kỳ vọng trở thành bệ phóng thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển, góp phần khôi phục nền kinh tế, trong đó đặc biệt có ngành du lịch.

Tương lai của ngành hàng không hậu Covid-19 được Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường miêu tả: Hiện tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay địa phương khác, hoạt động hàng không nội địa rất nhộn nhịp, đó là minh chứng cho ngành hàng không sẽ không chết yểu. Thời điểm này, có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa rồi. Những đường bay mới có tuyến bay mới khởi động. Thị trường khách quốc tế chưa đạt 50%. So với 2019, thị trường thị phần trên dưới 50% cho nội địa và còn lại là quốc tế. “Chúng ta vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hướng tới tương lai. Hiện tại, chưa có thuốc chống Covid-19 thì chúng ta có thể suy nghĩ tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hong Kong. Chúng ta cũng đang nghiên cứu với Pháp để xây dựng đường bay chở khách an toàn. Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng thế nào để trở lại mạnh mẽ sau dịch Covid-19”- ông Cường nói.

Về vấn đề gỡ khó cho vận tải hàng không, ông Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways chia sẻ, trước đó, các hãng đã có một số kiến nghị với Cục Hàng không cùng Bộ GTVT và cơ bản đã được giải quyết. Nhìn chung, đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt là Bộ GTVT đã làm rất quyết liệt, có những chính sách cho ngành hàng không, vì thế, khó khăn đã và đang được tháo gỡ. Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay. Nếu trước Covid-19, Hãng bay 150 chuyến/ngày thì hiện tại mới chỉ đạt 50%. “ Bamboo Airways sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7”- ông Quyết thông tin.

Đáng chú ý, gợi ý hướng tới thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa khi nói về việc bầu trời “mở cửa” trở lại, khơi thông cho ngành du lịch, kinh tế được các hãng đặc biệt quan tâm. “Chúng ta đã dập dịch nhanh, vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á. Cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu. Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng. Chúng ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nỗ lực 'mở cửa' bầu trời - 1

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo sự phân tích của ông Nghĩa thì chúng ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để phát triển du lịch. Có thể đưa ra 2 kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó. Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly và kiểm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam.

Và điểm mấu chốt giúp những người làm quản lý có thể kết hợp với nhau để tạo nên sức bật cho ngành hàng không là gì?. Theo TS Trần Du Lịch, để “lò xo” nền kinh tế trở lại, nhất là trong thời kỳ bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không. Tất cả các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau. Bởi xét về kinh tế, tất cả những lĩnh vực liên quan tới du lịch như hàng không, lưu trú, các nhà hàng, quán ăn... cũng phải chung tay tạo ra sự lan tỏa để bật dậy cả nền kinh tế. “Về phía quản lí nhà nước, cơ quan chức năng cần tạo cơ chế mở hợp lí để tạo môi trường thuận lợi hơn nữa nhằm giúp cho sức bật của các hãng bay được cộng lực trỗi dậy, vươn cao và bay xa, hoà vào xu thế phát triển bền vững nền kinh tế đất nước hậu Covid-19”- ông Lịch nhấn mạnh.

Để du khách thấy Việt Nam an toàn

Nhìn ở góc độ truyền thông, ông Ngô Minh Đức- Chủ tịch HĐTV HG Holdings và Gotadi cho rằng: Thời gian tới, ngành hàng không cần được thúc đẩy trỗi dậy, trong đó, một trong những việc quan trọng là hãy truyền thông sao cho du khách không còn thấy sợ khi tới Việt Nam, đó cũng là cách giúp ngành hàng không phát triển.

Hàng không chịu tổn thất hơn 40.000 tỷ đồng

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không là một trong những ngành kinh tế chịu tổn thất nặng nề nhất, với ước tính có thể lên đến con số hơn 40.000 tỷ đồng. Ngay sau khi có quyết định khôi phục lại thị trường nội địa, các hãng hàng không đã lập tức công bố kế hoạch nối lại các đường bay trong nước theo sự điều hành của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam từ hôm nay, ngày 1/6.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực 'mở cửa' bầu trời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO