Nỗ lực thúc đẩy vốn FDI

Minh Phương 21/11/2017 08:35

Không phủ nhận những thành quả mà hoạt động FDI đang tạo nên cho diện mạo của nền kinh tế, song, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế. Và một trong những yếu tố quan trọng là liên kết giữa hai khu vực doanh nghiệp FDI và nội địa không được như kỳ vọng.


Tính lan tỏa của doanh nghiệp FDI chưa như kì vọng.

Liên kết lỏng lẻo

Liên kết kém chặt chẽ giữa hai khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước và khu vực DN ngoài nước khiến cho dư luận hoài nghi về việc tính hiệu quả trong mục đích thu hút nguồn vốn này. Bởi vì một trong những mục tiêu của hút vốn đầu tư nước ngoài chính là tính lan tỏa về công nghệ, trình độ quản lý của khu vực FDI sang khu vực DN nội địa. Nhưng điều này trong 30 năm thực hiện thu hút FDI hầu như chưa làm được.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong 30 năm qua, các DN FDI đã góp phần quan trọng bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế, khoảng 20-25% GDP, tạo ra 3,7 triệu lao động trực tiếp, đóng góp trên 15% thu ngân sách. Sự có mặt của các DN FDI tạo ra một phần không nhỏ vào việc làm thay đổi diện mạo nền kinh tế, bộ mặt của từng địa phương.

Đơn cử tại Vĩnh Phúc, thời điểm năm 1997 (khi tỉnh Vĩnh Phúc mới được tái lập), thu ngân sách nhà nước của tỉnh này khoảng 100 tỷ đồng, nhưng tới năm 2016 thì thu ngân sách của tỉnh đã đạt 33.000 tỷ đồng, gấp 330 lần so với thời kỳ mới thành lập tỉnh. Trong đó, FDI đóng vai trò quan trọng; không chỉ đóng góp cho ngân sách mà FDI còn làm thay đổi bộ mặt thành phố và nông thôn của địa phương này.

Tại các địa phương thu hút được nhiều vốn FDI, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chất lượng điều hành của chính quyền thường tốt hơn so địa phương khác. Điều này phần nào thể hiện rõ chiều hướng lan tỏa tích cực của FDI. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, một trong những mục tiêu của thu hút đồng vốn FDI là sự liên kết giữa hai khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước lại không được như kỳ vọng khi mối liên kết này rất lỏng lẻo.

Nhiều DN trong nước cho biết, thực tế các DN FDI chưa có hỗ trợ gì nhiều cho các DN nội để họ lớn mạnh và đủ khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo các DN FDI, nguyên nhân chủ yếu lại do năng lực của các DN trong nước yếu. Samsung là một ví dụ, theo lãnh đạo của Samsung, mặc dù Tập đoàn đã hình thành được hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam với hàng trăm nhà cung ứng các cấp, nhưng số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam chỉ chiếm một con số nhỏ.

Cần tăng tính lan tỏa

GS Nguyễn Mại, chủ tịch VAFIE cho rằng, nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả. Ông khẳng định, tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, chỉ có 21% số DN Việt Nam thật sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là một tỷ lệ quá thấp nếu so với các nước trong khu vực (ở Thái-lan là 30%, ở Ma-lai-xi-a là 46%...)

Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, điểm yếu nhất của việc thu hút FDI hiện nay chính là sự liên kết của DN khu vực FDI với khu vực DN tư nhân trong nước còn khá mờ nhạt, dù đã gần 30 năm Việt Nam mở rộng cửa đón dòng vốn này. Ông Tuấn cho hay, trong hơn 10 năm trở lại đây, DN Việt Nam có quan hệ làm ăn với DN FDI tại Việt Nam hoặc xuất khẩu trực tiếp dù có tăng nhưng tỷ lệ rất thấp.

“Tỷ lệ DN tư nhân Việt Nam có bán hàng cho DN FDI chỉ khoảng 8%; tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp chỉ khoảng dưới 20%. Dù tỷ lệ này có nhích lên từng năm nhưng đây là tỷ lệ không cao” – ông Tuấn nhấn mạnh. Phải có chiến lược phát triển để thích ứng với yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài, đồng thời phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu.

Giới chuyên gia cho rằng, để tăng cường sức cạnh tranh và liên kết của các DN tư nhân trong nước với khu vực DN FDI, điều kiện đầu tiên vẫn phụ thuộc vào năng lực, khả năng cạnh tranh của chính các DN nội. Điểm yếu nhất là năng lực công nghệ của Việt Nam thấp, trong khi năng lực công nghệ đòi hỏi phải cả một quá trình nên cần phải có một hệ sinh thái riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực thúc đẩy vốn FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO