'Nở rộ' thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

LÊ ANH 13/10/2022 07:03

Thời gian gần đây xuất hiện một số băng nhóm tội phạm đã tiếp cận với hàng trăm người nhẹ dạ cả tin qua mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Đối tượng Nguyễn Hồng Thạch, kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo hơn 600 nạn nhân tại TPHCM đã bị công an bắt giữ. Ảnh: CACC.

Lừa vay tiêu dùng

Lừa đảo cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp là hoạt động tội phạm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây tại TPHCM. Ngay thời điểm đầu tháng 10 năm nay, Công an quận Tân Phú đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM triệt phá 1 đường dây lừa đảo mạo danh ngân hàng cho vay tín dụng do đối tượng Nguyễn Hồng Thạch (29 tuổi, trú quận Bình Tân) cầm đầu.

Bằng chiêu trò cho vay với lãi suất 0%, Thạch đã thuê tới hơn 80 người về làm việc tại một căn nhà 3 tầng tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú để giả mạo như hoạt động của 1 ngân hàng. Những người này được Thạch cung cấp danh sách, kịch bản soạn sẵn, sau đó sử dụng điện thoại bàn gọi điện cho những người có tên trong danh sách để tư vấn cho vay của ngân hàng giả này. Mỗi “con mồi” được tư vấn hạn mức vay từ 20-100 triệu đồng với lãi suất 0%. Khách hàng vay chỉ phải đóng một khoản phí bảo hiểm cho tiền vay từ 1,7-3,9 triệu đồng.

Khi nạn nhân sập bẫy, các nhân viên ngân hàng giả mạo được Thạch chỉ đạo làm hồ sơ chuyển phát nhanh, giao kèm một thẻ ngân hàng giả cho khách. Theo thống kê của Công an TPHCM, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 600 người ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận là nạn nhân của băng nhóm lừa đảo “tín dụng đen” này, với với tổng số tiền bị Thạch chiếm đoạt ban đầu lên đến nhiều tỷ đồng.

Không chỉ đánh vào nhu cầu vay tiêu dùng, một số băng nhóm với hoạt động tương tự có hành vi lập công ty “ma” tại TPHCM nhưng hoạt động tội phạm tại địa phương khác. Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện công ty TNHH kinh doanh đầu tư Hưng Thịnh thuê 1 ngôi nhà tại TPHCM để làm trụ sở, nhưng tổ chức tuyển dụng nhân viên, hướng dẫn lừa đảo có trả lương và chi hoa hồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế và một số địa phương tại miền Trung. Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện các hoạt động lừa đảo “tín dụng đen” của băng nhóm này mỗi tháng lừa đảo chiếm đoạt từ các nạn nhân số tiền lên đến 1,2 tỷ đồng. Đến nay, ước tính đã có trên 10.000 người trên cả nước sập bẫy vay tiền của nhóm đối tượng này.

Ngoài vụ việc nêu trên, một số nạn nhân là công nhân, người lao động mất việc làm sau dịch bệnh Covid-19 cũng trở thành nạn nhân của lừa đảo tín dụng. Khi các thông tin cá nhân bị rò rỉ, các đối tượng lừa đảo tiếp cận, dẫn dụ bẫy lừa đảo vay tiêu dùng.

Theo lời khai của các đối tượng Nguyễn Quốc Đạt (SN 1999) và Lê Thị Thanh Sáu (SN 1990) khi bị Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) bắt giữ mới đây, ban đầu khi nắm bắt tại các khu vực nhà trọ, cho thuê với phần đông công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đang giai đoạn thất nghiệp có nhu cầu cần vay vốn tiền mặt nên đã nảy sinh hành vi lập đường dây lừa đảo giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian thăm dò, nắm bắt thông tin cá nhân của các “con mồi”, nhóm của Đạt và Sáu chia nhau đóng vai nhân viên tư vấn ngân hàng, nhân viên thẩm định, cán bộ giải ngân,... Tất cả kịch bản được sắp đặt sẵn, các nạn nhân được mời gọi cho vay tiền với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Tuy nhiên, để được “giải ngân” khoản vay, khách hàng bắt buộc phải trả các “gói bảo hiểm” từ 1,9 triệu đến 3,9 triệu đồng. Nhiều người chỉ thật sự biết mình bị lừa khi cầm thẻ ATM giả ra các cây ATM rút tiền nhưng không được, khi gọi điện đến đường dây nóng của ngân hàng “chính chủ” mới biết bị lừa.

Lừa đảo “bủa vây” sinh viên

Đại diện trường Đại học Văn Lang TPHCM mới đây đã trình báo cơ quan chức năng về việc, có băng nhóm lừa đảo giả mạo thông báo của trường này về việc “đóng học phí nhập học của tân sinh viên khóa 28 năm 2022”. Điều đáng nói, thông báo giả mạo này yêu cầu thí sinh/phụ huynh lựa chọn phương thức đóng tiền nhập học theo hình thức chuyển khoản qua ngân hàng (kèm theo thông tin tài khoản) với số tiền hơn 86 triệu đồng. Thông báo còn giả mạo cả chữ ký của hiệu trưởng và đóng dấu mộc của nhà trường. Hiện, trường Đại học Văn Lang đã chính thức thông báo đây là thông tin hoàn toàn giả mạo; đồng thời khuyến cáo phụ huynh và thí sinh cần cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của Nhà trường để tránh bị lừa đảo. Tương tự, mới đây phụ huynh trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cũng đến Phòng Chính trị - Công tác sinh viên để phản ánh về trường hợp 1 đơn vị mạo danh nhà trường yêu cầu sinh viên chuyển 150 triệu đồng để nhận học bổng. Sau khi tiếp nhận thông tin, phía đại diện nhà trường đã thông báo, đây là trường hợp đối tượng tội phạm mạo danh để lừa đảo sinh viên.

Cùng thời gian này, đại diện phía trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) cũng đã phản ánh, trường hợp giả mạo thư trúng tuyển và giấy báo cấp học bổng cho tân sinh viên chính quy nhập học tại trường này. Phía Nhà trường đã chính thức cảnh báo về việc bị các đối tượng lừa đảo làm giả nhiều giấy tờ quan trọng, đồng thời cũng sử dụng hình ảnh dấu đỏ của trường kèm chữ ký của Phó hiệu trưởng để lừa đảo sinh viên.

Trung tá Võ Thị Vân Anh - cán bộ Công an TP Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ, gần đây loại hình tội phạm lừa đảo đã nhắm đến các nhóm tân sinh viên vừa bước vào giảng đường đại học, vốn chưa có kiến thức pháp luật cơ bản để phòng ngừa. “Vì các em không biết đang tương tác với ai, nghe điện thoại của ai trên không gian mạng nên dễ lầm tưởng các nội dung lừa đảo (giả mạo trường đại học - PV) là có thật và dễ dàng trở thành nạn nhân lúc nào không hay” - Trung tá Bình nói.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM), khi có dấu hiệu khả nghi là đối tượng lừa đảo qua mạng hoặc giả danh cá nhân, tổ chức liên quan thì việc đầu tiên là các bạn trẻ cần liên hệ tới cơ sở trường học hoặc cơ quan, tổ chức bị mạo danh để xác nhận lại. “Hiện nay, hầu hết các cơ quan, tổ chức cả hành chính và sự nghiệp đều có số điện thoại đường dây nóng công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc website chính thức nên sinh viên, học sinh cần tận dụng các tiện ích này để kiểm chứng thông tin, tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo” - luật sư Tâm chia sẻ.

Trung tá Võ Thị Vân Anh - cán bộ Công an TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, mới đây Công an TPHCM đã phá một băng nhóm lừa đảo, với số nạn nhân lên đến hơn 600 người, trong đó có không ít các bạn trẻ, sinh viên, học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nở rộ' thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO