Nợ xấu và dòng chảy vốn bất động sản

Thế Tuấn 01/08/2022 14:00

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng. Nợ xấu lĩnh vực này khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái.

Nhiều dự án bất động sản “nằm thở” do thiếu vốn.

Về việc nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS kêu khó vay vốn từ ngân hàng, NHNN cho rằng một số tổ chức tín dụng cũng phản ánh hết room tín dụng là do tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, việc ngân hàng từ chối cho khách hàng vay vốn không hẳn là do hết room mà có thể do phải bảo đảm các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao nên buộc phải hạn chế cho vay. Thực tế thì tín dụng vẫn đang tăng nhanh, tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021) và là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Riêng tín dụng BĐS, đến tháng 6, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này là trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái và chiếm 20,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Vẫn theo đại diện NHNN, việc xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường BĐS cần được cân nhắc và tiếp cận theo nhiều nguồn vốn khác nhau, không đẩy rủi ro tới hệ thống ngân hàng. Dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu DN hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ ngân hàng thương mại... Nếu tín dụng ngân hàng đẩy vào BĐS quá mức sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Do đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lui lại thời điểm một tháng trước, theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đến tháng 5/2022, đã có 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng BĐS; số dư đầu tư trái phiếu DN về xây dựng, kinh doanh BĐS là 154.050 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021. Vào thời điểm đó, bà Hồng cho rằng đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.

Thống đốc NHNN cũng cho biết, trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Đáng chú ý, theo Thống đốc NHNN, quy định hiện hành cho phép tổ chức tín dụng được trực tiếp mua, đầu tư trái phiếu DN, trong đó có trái phiếu của các DN kinh doanh BĐS. Tính đến cuối tháng 5/2022, số dư đầu tư trái phiếu DN của toàn hệ thống là 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021, chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu DN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu DN của toàn hệ thống, tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021.

Liên quan tới việc hàng trăm DN BĐS phát hành trái phiếu để huy động vốn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết đây cũng là một kênh huy động vốn cần thiết. Hiện đã có trên 280 DN BĐS phát hành trái phiếu DN để huy động vốn. Quy mô huy động vốn của các DN BĐS trên thị trường trái phiếu DN ngày càng tăng, tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN của nhóm BĐS từ năm 2019 đến nay khoảng 500 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các DN BĐS cũng đã huy động được gần 90 nghìn tỷ đồng trái phiếu DN.

Các ngân hàng thương mại là nhóm nhà đầu tư lớn nắm giữ trái phiếu DN BĐS. Tuy nhiên, mặc dù hiện nay dư nợ trái phiếu DN BĐS mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại nhưng rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cũng rất cần phải được cảnh báo.

Trở lại với việc tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS: Trong tháng 6 đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng. Trước đó 1 tháng là 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng BĐS. Hai con số đó cho thấy mức dư nợ đã được “hãm phanh”. Tuy nhiên, số nợ xấu ở lĩnh vực này khoảng 36.400 tỷ đồng là con số đáng lo ngại.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, chính vì vậy cũng cần các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, không phải DN nào, phân khúc BĐS nào cũng được vay. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn khó khăn sẽ hình thành tâm lý thận trọng bao trùm thị trường: DN lưỡng lự, rón rén trong việc sử dụng vốn để triển khai dự án; người mua nhà lo ngại không vay được tiền, nên cũng không dám mua và đầu tư. “Đó là những “tác dụng phụ” không ai mong muốn”- ông Hà đưa ra nhận xét; đồng thời lưu ý ngành BĐS còn liên quan tới 28 ngành khác như vật liệu xây dựng, lao động, vốn, tài chính tiền tệ… Tất cả được ví như những cái “bình thông nhau”, nên việc thắt chặt nguồn vốn tín dụng vào thị trường BĐS sẽ sẽ tác động đến các thị trường khác.

“Do đó, việc kiểm soát phải có chừng mực, không nên quản quá chặt theo hướng “bóp nghẹt”, tránh các cú sốc đột ngột cho giới đầu tư. Tinh thần là “nắn” mà không phải “thắt”; quản lý, điều tiết thị trường tài chính, tín dụng uyển chuyển, linh hoạt để giữ thị trường BĐS ở thế cân bằng”- Luật sư Hà nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện một số hạn chế, tồn tại như "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ"; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá... Ngoài ra, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Chính vì vậy cần sớm hoàn thiện quy định về nguyên tắc định giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường; bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường; linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ xấu và dòng chảy vốn bất động sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO