Nỗi ám ảnh về những 'cỗ máy biết nghĩ'

Linh Chi 20/03/2016 00:29

Bản thăm dò do hãng nghiên cứu Pew Research của Mỹ công bố mới đây đã đưa ra một thực tế khá thú vị, có đến 2/3 người dân nước Mỹ nghĩ rằng robot và máy tính sẽ làm thay con người hầu hết các loại công việc chỉ trong vòng 50 năm tới. Dù nghe có vẻ như trong một bộ phim giả tưởng, nhưng một cuộc cách mạng robot thực sự đang diễn ra.

Nỗi ám ảnh về những 'cỗ máy biết nghĩ'

Robot thay con người ở bàn lễ tân tại một khách sạn ở Nhật Bản (Nguồn: BBC).

Khi robot làm thay cho con người

Báo cáo mà Pew Research công bố mới đây cho thấy 65% người lớn ở nước Mỹ cho rằng vào năm 2066, robot và máy tính sẽ “hoàn toàn” hoặc “có khả năng” làm các công việc mà trước đó chỉ con người mới có thể làm được. Dù bộ phận các tầng lớp khá giả không mấy quan ngại về việc robot chiếm việc làm của con người, nhưng suy nghĩ này lại đang có xu hướng lan rộng.

Theo một nghiên cứu khác, một cuộc “cách mạng robot” sẽ làm biến đổi toàn bộ nền kinh tế toàn cầu chỉ trong vòng 20 năm tới, cắt giảm mạnh các loại chi phí trong thương mại nhưng lại làm gia tăng bất bình đẳng xã hội do máy móc có thể thay con người làm đủ loại công việc: Từ chăm sóc người già cho đến đứng phục vụ ở một nhà hàng đồ ăn nhanh.

Ngoài viễn cảnh robot thực hiện hàng loạt các công việc tay chân, như hút bụi sàn nhà hay lắp ráp các chi tiết máy móc, thì sự phát triển của trí thông minh nhân tạo cũng đồng nghĩa với việc máy tính ngày càng tiến tới khả năng “có suy nghĩ”, thực hiện được các công việc phân tích mà từng có thời chỉ con người mới làm được.

Khả năng “suy nghĩ” của máy tính không phải điều phi thực tế, nếu như chúng ta theo dõi loạt trận đấu cờ vây mới kết thúc trong tuần này diễn ra giữa một máy tính của Google sản xuất và vô địch cờ vây thế giới người Hàn Quốc. Kết quả là máy tính đã chiến thắng con người.
Trong báo cáo dài 300 trang mà hãng tin Guardian của Anh công bố, các nhà phân tích đến từ ngân hàng đầu tư Bank of Amerrica Merrill Lynch đã dựa trên các nghiên cứu mới nhất để làm rõ ảnh hưởng của cái mà họ gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – sau hơi nước, sản xuất hàng loạt và điện máy.

“Chúng ta đang đối mặt với một sự thay đổi lớn trong cách thức mà chúng ta sống và làm việc” – báo cáo này nêu rõ – “Nhịp độ đổi mới công nghệ đã tiến nhanh chóng mặt trong những năm gần đây. Sự thâm nhập của robot và trí tuệ nhân tạo diễn ra ở mọi khu vực công nghiệp, và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.

Cách mạng công nghiệp thường mang ý nghĩa tốt, nhưng cuộc “cách mạng thứ tư” này lại có thể khiến 35% nhân công ở Anh, và 47% nhận công ở Mỹ, chịu rủi ro bị thay thế bởi các loại máy móc trong vòng 20 năm tới; báo cáo dẫn nghiên cứu của trường ĐH Oxford cho hay.

“Xu hướng này rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở các thị trường như Mỹ bởi rất nhiều công việc tạo ra trong các năm gần đây đều là công việc thu nhập thấp, công việc thông dụng hay công việc ngành dịch vụ; tất cả đều có rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc” – Ngân hàng Merril Lynch cho hay.

Các tác giả của báo cáo trên còn ước tính rằng, tổng thị trường toàn cầu cho robot và trí thông minh nhân tạo dự kiến sẽ đạt 152,7 tỷ USD vào năm 2020, và rằng nếu áp dụng các công nghệ mới này sâu hơn trong thế giới con người, nó có thể làm tăng 30% sản lượng ở một số ngành công nghiệp.

“Người khổng lồ” trong làng công nghệ Google đã mua lại đến 8 công ty robot chỉ trong vòng có 2 tháng hồi năm 2014, từ tập đoàn Boston Dynamics – hãng chế tạo chó robot BigDog.

Trong một khu công nghiệp thuộc loại hiện đại nhất ở Nhật Bản thì robot lắp ráp luôn sẵn sàng hoạt động 24 giờ trong suốt 30 ngày liền mà không ngừng nghỉ. Trong khi, theo ước tính, các công việc trong ngành chế tạo ở một số nền kinh tế có thể giảm dến 65% chi phí thuê nhân công nếu sử dụng robot.

Ở thời điểm hiện tại, tính trung bình có khoảng 66 robot trên mỗi 10.000 nhân công trên thế giới; nhưng riêng trong ngành sản xuất xe hơi tự động ở Nhật Bản thì con số này lên tới 1.520.

Không chỉ nói về các công việc thu nhập thấp, mà ngay cả các công việc trí óc của con người cũng có thể bị thay thế: Báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey ước tính rằng thế giới sẽ tiết kiệm được 9 nghìn tỷ USD tiền lương cho các vị trí lao động trí óc nếu máy tính có thể thay con người làm các công việc phân tích hay cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính.

Nỗi sợ đó có thực tế?

Nỗi sợ hãi về việc con người bị thay thế bởi máy móc, tuy nhiên, không có gì mới mẻ: Vào thế kỷ 19, nhiều nhóm công nhân bảo thủ đã từng phản đối lại việc phổ biến động cơ hơi nước khi lo rằng chúng có thể đẩy những người thợ may ra đường.

Beijia Ma, một trong số tác giả của báo cáo trên, nói rằng trong vòng 200 năm trở lại đây, và hơn nữa, xã hội loài người vẫn luôn tìm ra cách để tận dụng sự phát triển của công nghệ. Bà nói rằng lời khuyên duy nhất cho những người sợ hãi bị thay thế bởi máy móc là phải tăng cường kỹ năng của mình. “Robot không phải là tận thế, có một cách để con người tự cứu lấy mình đó chính là học hỏi” - bà Ma nói.

Andrew Simms, chuyên gia đến từ Viện New Weather, cũng cho rằng sự trỗi dậy của công nghệ có thể là cơ hội mới để con người tiếp nhận tư tưởng của nhà kinh tế học John Maynard Keynes, người từng dự đoán trong năm 1930 rằng chỉ trong vòng 1 thế kỷ, công nghệ sẽ có thể giảm tải công việc trong một tuần của con người xuống chỉ còn 15 giờ làm việc.

“Chúng ta đang bị nguy hiểm, lần đầu tiên trong lịch sử, vì tạo ra một số lượng lớn những người không cần thiết” – Keynes từng nói – “Câu hỏi đặt ra là, nền kinh tế nào mà các bạn cần, và để đáp ứng cho nhu cầu gì của con người?”.

Tuy về mặt tư tưởng là như vậy, nhưng những người lo sợ trước sự thâm nhập của robot và trí tuệ nhân tạo khó có thể ngừng quan ngại được khi ngày càng có nhiều thông tin trên mạng nói về việc robot thay thế con người: Một cửa hàng hamburger ở San Francisco mua một chú robot có khả năng làm bánh, nướng thịt; hay một khách sạn ở Nhật Bản mới đây cho robot đứng ở quầy lễ tân...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi ám ảnh về những 'cỗ máy biết nghĩ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO