Nỗi ân hận của một người mẹ

Trà Thu 21/05/2021 20:00

Khi Tinh hoa Việt có ý định làm chuyên đề “Cùng con vượt qua tình đầu”, tôi nhớ ngay câu chuyện con của một người chị, cách đây cũng nhiều chục năm.

Cậu bé khi đó đang là học sinh cấp III. Mối tình chớm hé với cô bạn cùng lớp đã nhanh chóng bị phát hiện từ một nụ hôn vội vàng dưới gốc cây phượng sau sân trường. Cả một… hệ thống trong nhà trường đã vào cuộc với những hình thức cấm đoán. Lý do lớn nhất là sẽ ảnh hưởng đến điểm thi đua chung của cả lớp. Tôi có thể hình dung những ngày khó khăn cặp đôi phải trải qua. Số phận cô gái về nhau ra sao, tôi không được rõ. Nhưng cậu con trai của chị bạn tôi thì đến giờ, ở tuổi ngoài 40, cậu vẫn lặng lẽ đi về căn nhà nhỏ, nơi chỉ còn có hai mẹ con.

Chị bạn tôi nói rằng, điều làm chị lo lắng nhất là trong gần hai chục năm, hầu như không thấy con trai tỏ ra thích một người con gái nào và khép mình trong giao tiếp. Thà con trai cứ yêu đương… quần quật, chị còn đỡ xót con, mặc dù truyền thống gia đình chị vốn rất nghiêm khắc. Chị ân hận vì mình đã từng có thời đứng về “phía bên kia” để ngăn cản tình cảm đầu đời của con trai. Trong chị khi đó còn có cả sự run rẩy sợ hãi những cơn thịnh nộ của người chồng.

Anh công tác xa nhà thường xuyên và kết tội chị đã lơ là trong quản lý cậu con trai độc nhất. Rồi ông bà nội cũng liên tục đến nhà chị trong thời gian đó, mỗi lần là một màn giáo huấn dài hàng tiếng đồng hồ. Chị nhớ hình ảnh con trai cúi đầu lầm lũi, ngồi im không cãi lại một lời.

Có lần chị nấc lên: Trời ơi, chị thật thiếu hiểu biết, thiếu tâm lý. Chị đã không biết rằng những lời thô bạo có thể giết chết trái tim một đứa trẻ mới lớn. Thời đó chị sợ hãi quá nhiều. Chị sợ chồng. Sợ bố mẹ chồng. Sợ cả những lời đe dọa từ phía nhà trường rằng sẽ để con chị hạnh kiểm trung bình, mà điều đó ai cũng hiểu là sẽ ảnh hưởng đến tương lai của một học sinh như thế nào. Chính vì thế, dù rất thương con và bản thân không có gì ghét bỏ cô gái nhỏ mà cậu đang chớm có tình cảm, chị vẫn nói ra những điều cay đắng.

Nếu như ở nước ngoài, những người lớn như chị có thể gặp rắc rối với pháp luật vì vi phạm nhân quyền. Nhưng tòa án lương tâm của người mẹ còn nặng nề hơn rất nhiều. Sự u uất của con trai nhiều chục năm khiến chị thường xuyên không thể ngủ được. Chỉ có một an ủi duy nhất là cậu vẫn tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm và tự nuôi sống được bản thân. Nhưng với một người đàn ông, thế là quá ít ỏi. Và căng nhất là đời sống tình cảm của cậu gần như đóng băng, mặc dù cậu vẫn hàng ngày trò chuyện cùng mẹ.

“Hễ nhắc đến chuyện yêu đương, vợ con là nó lảng sang chuyện khác”, chị mệt mỏi nói với tôi.

Tôi đã làm gì con mình, với tư cách một người mẹ?

Đó là nỗi ám ảnh, giày vò chị không khi nào dứt. Ngày đó, chị đã truyền thông rả rích với con trai rằng chị không tin cô gái kia có tình cảm thật sự với cậu. Gia cảnh cô ấy ở nấc thấp hơn hẳn gia đình chị, cả nhà đang phải ở nhà thuê, lại đông con. Chắc chắn con trai độc nhất của một gia đình danh giá, tiềm lực kinh tế mạnh là một đám hời.

Chị nhớ con trai đã “nghệt” ra khi nghe chị nói vậy và sau đó có kể rằng cô ấy được sinh ra ở quê và bảo luôn ngưỡng mộ các bạn thành phố. Đó là một bầu trời mà cô ấy luôn mơ ước. Chị được thể dấn thêm: Đấy con thấy chưa, “nó” chọn con vì không những con là trai thành phố lại còn có nhà mặt phố.

Thời gian đó, chị còn cắt một số bài trên báo Phụ nữ, nội dung toàn là việc gái quê, gái nhà nghèo săn trai “có điều kiện”. Chị không ý thức được rằng mình đang tiêm vào óc đứa con độc nhất hình ảnh méo mó của người khác phái. Cậu vốn là đứa con lớn lên trong nhung lụa, bản tính hơi nhút nhát, không có phản xạ phản biện bố mẹ, thậm chí là bất cứ người lớn nào. Chị đã bịa trắng ra một tình huống để hạ thấp cô bé tội nghiệp kia, trong khi điều khiến chị lo lắng nhất chỉ là con trai sẽ mải yêu mà bỏ bê học hành. Trong nỗi lo lắng của chị luôn thấp thoáng khuôn mặt giận dữ của chồng.

Một vài lần nhìn thấy con trai khóc, khi đã ngậm ngùi chia tay tình đầu sau những ngăn cản quyết liệt từ nhiều phía, chị đã nghiêm mặt cấm con thể hiện tình cảm yếu đuối như thế. Đến giờ chị ước sao mình có thêm một chút tinh tế, để cho con yên thân trong những ngày tinh thần bị chấn thương. Khóc cũng là một cách giúp vơi đi buồn tủi. Chị lại tước đi của con trai liệu pháp tâm lý hữu hiệu này.

Về sau, khi đến gặp một chuyên gia tâm lý, chị còn bội phần hối hận vì mình đã toàn… hành động ngược. Chuyên gia nói rằng, trong thời gian tinh thần con trai bị thương, cách tốt nhất là chị nên chia sẻ câu chuyện của chính mình, cụ thể là những va vấp trong mối tình đầu. Thậm chí còn có thể… bịa ra những tình tiết nếu như thực tế của chị là êm ru, cốt để cho con thấy hầu như ai rồi cũng phải trải qua những hoang mang, trong quá trình trở thành người lớn.

Nhẽ ra cần phải nói với con về những câu chuyện tình cảm tương tự cảnh của con đang trải qua với một kết thúc có hậu; Rằng người trong cuộc đã lấy lại thăng bằng trong cuộc sống như thế nào… thì chị lại đanh thép bảo con rằng: Chị không hiểu sao con trai thừa hưởng những gen tốt của gia đình mà lại hấp tấp yêu khi chưa có gì trong tay, dễ ảnh hưởng xấu đến tương lai và nhất là đem lại sự thất vọng cho những người thân yêu nhất luôn kỳ vọng vào cậu.

Chị đã sửa cái sai này bằng một cái sai khác, không cho con một hướng mở nào. Không may, con chị là một “ca” tinh thần mong manh, đã bị vùi dập một lần là khó gượng dậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi ân hận của một người mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO