Nỗi buồn Ánh Viên

An Chi 23/10/2016 12:05

Những người đối diện với Ánh Viên cảm nhận rõ cái thở dài của cô khi được nhận thông báo không tham dự giải vô địch quốc gia 2016. Câu chuyện Ánh Viên phải “ngồi chơi xơi nước” vì vướng phải những tranh cãi không đáng có của “người lớn” khiến dư luận xôn xao suốt tuần qua.

“Tiểu tiên cá” mắc cạn

Giải bơi lội vô địch quốc gia 2016 khai mạc tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội) từ ngày 18/10. Cũng như mọi năm, thành tích chuyên môn tại giải chẳng có mấy ai quan tâm, nhưng năm nay lại trở thành tâm điểm liên quan đến vụ “tranh chấp” VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên.

Được biết, Ánh Viên trở về Việt Nam để làm visa chuẩn bị sang Nhật dự Giải bơi vô địch châu Á 2016, diễn ra vào tháng 11 tới tại Tokyo. Vì vậy, cũng trong thời gian ở Việt Nam, Ánh Viên được thầy của mình là HLV Đặng Anh Tuấn đăng ký tham dự giải vô địch quốc gia, coi đây là giải đấu tập huấn để duy trì thể lực và cảm giác thi đấu.

Chính vì mục đích thi đấu kiểm tra thành tích, nên HLV Đặng Anh Tuấn đã quyết định đăng ký cho cô tranh tài tất cả 17 nội dung thi cá nhân của nữ, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có với Đoàn Quân đội- đơn vị chủ quản của Ánh Viên. Theo đó, phía Quân đội chỉ cho Ánh Viên tham dự khoảng 10 nội dung, vì không muốn bị “mang tiếng” cử VĐV mạnh “vơ vét” huy chương tại giải. Sau khi không có tiếng nói chung với HLV Đặng Anh Tuấn về việc đăng ký các nội dung thi đấu, đoàn Quân đội đã rút tên Ánh Viên khỏi danh sách tham dự giải, buộc HLV Anh Tuấn phải đăng ký cô thi đấu cho đơn vị Trung tâm Huấn luyện TTQG TP Hồ Chí Minh để kiểm tra thành tích chứ không phải lấy huy chương. Tuy nhiên sau đó Tổng cục TDTT đã không đồng ý nên Ánh Viên chỉ phải tập chay chờ ngày lên đường đi Nhật Bản.

“Phía Quân đội đã tự đăng ký 10 nội dung thi đấu cho Ánh Viên, trong đó cắt tất cả nội dung bơi ngửa và cự ly 100m, 200m tự do sở trường mà bảo là tập trung sát sườn vào những nội dung thi đấu ở giải vô địch châu Á là thế nào?”- HLV Đặng Anh Tuấn bức xúc.

Riêng về chuyện tự đăng ký Ánh Viên bơi cho Trung tâm Huấn luyện TTQG gia TP HCM, ông Tuấn giải thích rằng đó là do Đoàn Quân đội không chấp nhận đề xuất của ông, khiến ông buộc phải tìm đơn vị khác để học trò được thi đấu, nhưng cuối cùng cũng không được chấp nhận.

Trong khi đó, một lãnh đạo Trung tâm thể dục thể thao quốc phòng 4 của Đoàn Quân đội, nơi trực tiếp quản lý Ánh Viên Ánh, cho biết: “Ánh Viên là quân nhân, chúng tôi có quyền dùng mệnh lệnh buộc chấp hành. Tuy nhiên, đơn vị tôn trọng Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn nên không làm như vậy”.

Việc Ánh Viên phải ngồi chơi xơi nước là điều rất đáng tiếc. Nói như HLV Đặng Anh Tuấn, trên thế giới những VĐV hàng đầu giành HCV Olympic vẫn tham dự giải vô địch quốc gia bình thường.

“Chúng ta mong Ánh Viên trở thành vận động viên chuyên nghiệp mà lại yêu cầu không được dự giải vì quá giỏi. Mọi người cũng nên hiểu rằng nếu chỉ tập luyện mà không thi đấu thì có chục năm cũng chẳng tiến bộ được nhiều”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Sau những tranh cãi, Ánh Viên không được xuống nước tranh tài đã đành, giờ đây mọi áp lực đang đè nặng lên VĐV này. Có thể hiểu nỗi khổ của Ánh Viên, khi một bên là thầy ruột, còn một bên là đơn vị chủ quản đang trả lương, các chế độ cho cô nhiều năm qua.

Chuyện có gì mà ầm ĩ?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, ông rất bất ngờ khi câu chuyện liên quan VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên lại được báo chí và dư luận đẩy đi quá xa.

“Nói thật tôi cũng không hiểu vì sao việc của Ánh Viên rất bình thường, đơn giản nhưng lại đi quá xa. Chỉ có một việc đơn giản là đơn vị chủ quản Quân đội không đăng ký thi đấu cho Ánh Viên tại giải vô địch quốc gia năm nay thì VĐV này cũng không có cơ sở gì để thi đấu.

Việc VĐV chủ lực các đơn vị, địa phương thi ở giải vô địch quốc gia lấy huy chương như nào tôi không bàn tới ở đây, nhưng về nguyên tắc quản lý thì đơn vị quản lý phải đăng ký cho VĐV đó. Chỉ có đơn vị chủ quản đăng ký thì mới được tính huy chương, nên việc Ánh Viên thi đấu cho bất cứ đơn vị nào khác ngoài Quân đội chỉ mang tính kiểm tra thành tích thôi. Một VĐV lớn như Ánh Viên không dự giải trong nước cũng không ảnh hưởng gì tới thành tích cả. Trước đó xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không tham dự giải vô địch quốc gia cũng có thấy ai nói gì đâu mà lần này lại ầm ĩ như vậy”- ông Phấn nói.

Nói như lãnh đạo Tổng cục TDTT thì chuyện không có gì phải ồn ào, ầm ĩ, nhưng HLV Đặng Anh Tuấn lại chua xót: “Thầy trò tôi đã chịu quá nhiều cay đắng để đến được thành công như ngày hôm nay, nên chuyện này cũng là bình thường. Nhưng có bàn tay nào đó cố tình đẩy lỗi về phía Ánh Viên và tôi. Đúng hay sai thì xin mọi người hãy tự đánh giá”.

Và, có lẽ câu chuyện sẽ không chỉ là tranh chấp hay mâu thuẫn, mà có thể còn là những động cơ nào đó đứng ở đằng sau. Nếu vậy, thì người thiệt thòi nhất, vẫn là Ánh Viên chứ không ai khác!

Nỗi buồn không của riêng ai

Chưa biết ai đúng hay sai, nhưng sau vụ lùm xùm của Ánh Viên, thì chính VĐV người Cần Thơ lại chịu thiệt thòi nhiều nhất. Vụ việc vừa qua chắc chắn có tác động không nhỏ đến tâm lý Ánh Viên- người đã nỗ lực hết mình trong suốt mấy năm qua để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Ánh Viên nào có nghĩ đến việc tranh huy chương, nào có nghĩ mình phải thi đấu cho đơn vị này hay đoàn nọ, mà đơn giản là cô chỉ muốn xuống nước để kiểm tra thành tích của mình. Nói thẳng ra tầm như Ánh Viên giành huy chương ở giải trong nước dễ như trở bàn tay (giải vô địch quốc gia năm ngoái Viên giành tới 16 HCV). Ngay cả ở sân chơi khu vực Đông Nam Á Ánh Viên cũng từng làm mưa làm gió, với 8 HCV, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 2015.

Theo giới chuyên môn, những VĐV đẳng cấp như Ánh Viên rất cần tham dự các giải đấu (dù là cấp làng) để có cảm giác thi đấu, có áp lực để kiểm tra thành tích của mình. Có ý kiến cho rằng Ánh Viên quá giỏi, không nên tham gia tranh tài ở giải vô địch quốc gia, tạo nên sự mất công bằng trong thi đấu, thì đây, chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của chính những VĐV, những đối thủ của Ánh Viên tại giải vô địch quốc gia năm nay.

“Việc được thi đấu cùng những VĐV giỏi hơn, được đọ sức với thần tượng của mình là điều mà mọi VĐV đều mơ ước. Nói thật nhìn chị Ánh Viên buồn 1 thì chúng tôi buồn 10”, một VĐV trẻ chia sẻ về cảm giác hụt hẫng khi thần tượng Ánh Viên không được tham dự giải vô địch quốc gia 2016.

Trong những ngày này, Ánh Viên vẫn tập luyện đều đặn hai buổi sáng, chiều. Cô xuống nước bơi khi các VĐV còn chưa dậy, buổi chiều thì tranh thủ tập khoảng 2 tiếng để nhường đường bơi cho ban tổ chức. Một ngôi sao, một tài năng, một hình ảnh của thể thao Việt Nam, nhưng hình ảnh Ánh Viên lặng lẽ tập luyện để duy trì thể lực quả thực khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ. Hãy tự đặt ra tình huống Ánh Viên vẫn tham dự giải, thì sẽ tạo nên sự cạnh tranh hấp dẫn hơn, còn bản thân VĐV người Cần Thơ được tung hết sức để biết mình đang ở đâu để có hướng điều chỉnh.

Có ai biết, những ngày qua Ánh Viên đã rất nhiều lần rơi nước mắt khi phải trở thành khán giả bất đắc dĩ ở ngay cái sân chơi mà lẽ ra cô phải là diễn viên chính. Ánh Viên cho biết cô buồn lắm bởi ba và ông nội của cô đã bay ra Hà Nội để thăm và xem cô thi đấu, nhưng cuối cùng lại phải đóng vai những người an ủi bất đắc dĩ.

Nỗi buồn của Ánh Viên, của bơi lội Việt Nam và nhìn xa hơn của cả thể thao Việt Nam. Đó là nghịch lý chúng ta từng mất nhiều tiền để VĐV được thi đấu cùng VĐV đẳng cấp thế giới. Nhưng khi có VĐV đẳng cấp rồi, VĐV nói chung không mất gì vẫn được đọ sức với “cây nhà lá vườn” thì lại cấm.

Không phải chuyện dự hay không dự mà chính những mâu thuẫn của người lớn đã khiến kình ngư từng đứng hạng 9 Olympic bỗng dưng phải gánh chịu hậu quả, nhất là về tâm lý. Nhiều chuyên gia lo ngại những hệ lụy từ giải quốc gia mà Ánh Viên phải làm khán giả bất đắc dĩ có thể ảnh hưởng tiêu cực gì đến giải châu Á đang cận kề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn Ánh Viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO