Nỗi buồn hoa hậu: Nhà thơ – “ông trùm” hoa hậu Dương Kỳ Anh: Đừng làm tổn thương vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 24/12/2015 09:32

Hoa hậu kể từ khi ra đời chẳng cuộc nào mà người đăng quang làm hài lòng tất thảy mọi người. Ghi nhận một nhan sắc, dù là nhan sắc cỡ hoa hậu, cũng trăm người trăm ý. Cho nên dư luận có bình phẩm theo kiểu “chưa đáng” hoặc “đáng lẽ phải là cô này, cô kia” thì cũng là chuyện thường tình.

Hoa hậu kể từ khi ra đời chẳng cuộc nào mà người đăng quang làm hài lòng tất thảy mọi người. Ghi nhận một nhan sắc, dù là nhan sắc cỡ hoa hậu, cũng trăm người trăm ý. Cho nên dư luận có bình phẩm theo kiểu “chưa đáng” hoặc “đáng lẽ phải là cô này, cô kia” thì cũng là chuyện thường tình.

Nhưng điểm mặt các kiểu, các kỳ thi hoa hậu ở Việt Nam, luôn luôn là một nỗi phiền muộn khác, nằm bên ngoài nhan sắc. Hoặc ngay sau đăng quang tràn ngập những thị phi, điều tiếng. Hoặc sau một thời gian, hoa hậu gặp phải scandal. Hoặc nữa, một số hoa hậu có đời riêng rất lận đận (tới mức có tới vài hoa hậu từng có chồng vướng vòng lao lý)…

Thành ra, hoa hậu thực ra là một khái niệm khá buồn, có thể là đời hoa hậu buồn, có thể xã hội khá buồn về hoa hậu. Mà ở thời đại bộ nhớ internet dường như vô tận này, thông tin được lưu lại từ năm này qua năm khác. Như có một lỗi nho nhỏ của hoa hậu, người trong cuộc chắc đã quên, người ngoài cũng chẳng ai còn nhớ làm gì, bỗng một ngày người ta lại đem ra nhắc lại. Không biết để làm gì? Để thấy làm hoa hậu thực ra là rất khổ!

CT

Nhà thơ Dương Kỳ Anh nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong được nhiều người gọi là “ông trùm” hoa hậu. Gọi thế là để nhắc nhớ đến công sức ông đã bỏ ra gây dựng và gắn bó với cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong – tiền đề của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam bây giờ. Khi thực hiện chuyên đề này, dù biết ông đã lui về nhà vườn ở ngoại thành Hà Nội để ở ẩn, tránh bớt những xô bồ thời cuộc, chúng tôi vẫn muốn mời ông cùng trò chuyện.

PV: Thưa, gần đây ông có quan tâm đến các cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu đăng quang nữa không?

Nhiều quá, “ra ngõ gặp hoa hậu” nên mất thiêng cũng đúng thôi.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi vẫn quan tâm chứ. Chẳng phải các bạn vẫn gọi tôi là “Cha đẻ hoa hậu Việt” lẽ nào tôi lại không quan tâm. Nhưng điều tôi quan tâm hơn cả là vì tôi yêu cái đẹp. Tôi cũng là người đứng ra tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu, chứng kiến nhiều giây phút đăng quang của một số hoa hậu nên quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Nhưng thật lòng mà nói, tôi quan tâm một cách vừa phải, có chọn lọc thôi, vì bây giờ nhiều cuộc thi hoa hậu quá.

Nhiều cuộc thi và cũng lắm những scandal liên quan đến hoa hậu quá, thưa ông?

- Đúng vậy. Khoảng chừng mươi năm trở lại đây những lùm xùm quanh các cuộc thi hoa hậu, quanh các hoa hậu đăng quang ngày càng nhiều. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận đa chiều. Đó là xã hội bây giờ khác với xã hội của 10 năm trước. Nếu trước đây, một thí sinh đăng ký dự thi hoa hậu rất đắn đo, thì nay thoải mái hơn. Thi cuộc này không được lập tức sang thi cuộc khác.

Trường hợp hoa hậu Phạm Thị Hương vừa đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 chẳng hạn. Đây là thí sinh tôi có biết chút ít ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2014. Mặt khác, bây giờ có người đi thi cũng không còn nghĩ đơn thuần là để tôn vinh sắc đẹp mà có nhiều mục đích khác nhau…

Nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, trong những scandal mà báo chí phản ánh vừa qua, không phải tất cả đều là sự thật. Bởi chúng ta đều biết, có khi 1 lời đồn đã là sự thật, nhưng cũng có khi 100 lời đồn chưa chắc đã là sự thật. Thậm chí có những sự thật thì đằng sau sự thật đó còn có những sự thật khác nữa… Vì thế, mà chúng ta phải hết sức khách quan, tỉnh táo để tránh gây ra những “cơn bão” không đáng có…

Để hạn chế những chuyện lùm xùm, ông có kinh nghiệm gì?

- Trước đây, để hạn chế những chuyện lùm xùm, chúng tôi đã phải làm rất kỹ. Tôi yêu cầu phải có đủ 3 dấu đỏ xác nhận: 1 dấu của Công an phường, 1 dấu của chính quyền địa phương, dấu thứ 3 là của nơi thí sinh đó học tập, làm việc. Nhưng 3 “bảo bối” đó cũng chưa hoàn toàn yên tâm đâu. Chúng tôi còn phải điều tra theo cách riêng của mình, nhất là với những ứng cử viên “nặng ký” cho vòng chung kết Hoa hậu.

Cũng có ý kiến cho rằng, chính vì sự bùng nổ của các cuộc thi hoa hậu mà bây giờ vương miện hoa hậu cũng mất thiêng?

- Tôi nhớ là ngày trước chỉ có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thôi, còn các cuộc thi khác chỉ gọi là hoa khôi. Giờ thì nhiều hoa hậu quá. Tỉnh nào cũng có thể tổ chức cuộc thi, thậm chí hoa hậu cấp ngành cũng có. Rồi các cuộc thi hoa hậu được tổ chức trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài nữa. Nhiều quá, “ra ngõ gặp hoa hậu” nên mất thiêng cũng đúng thôi.

Hỏi thật, bây giờ ông có nhớ hết các gương mặt hoa hậu hiện nay?

- Không! Làm sao mà nhớ hết được. Có lần một phóng viên hỏi tôi về một cô hoa hậu bán dâm, tôi cũng chịu không biết cô ấy là ai.

Báo chí bên cạnh tôn vinh cũng nên bày tỏ quan điểm về vấn đề này, tránh việc người ta quá lạm dụng…

Dẫn đến “loạn hoa hậu”?

- Đúng thế! Nhiều quá hóa loạn. Khi ít thì thấy quý thấy trọng, giờ nhiều quá lại thật giả lẫn lộn nên chẳng biết đâu mà lường …

Và khiến cho công chúng không còn tin vào vẻ đẹp của nhan sắc nữa, xã hội cũng cảm thấy muộn phiền bởi hoa hậu. Xin hỏi ông, tâm trạng cá nhân của ông thì thế nào?

- Nhiều khi tôi thấy bức bối. Không phải bức bối cho cá nhân tôi. Mà tôi thấy vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam bị tổn thương bởi những lùm xùm quanh những hoa hậu. Vẻ đẹp của phụ nữ Việt cần phải được tôn vinh cho xứng đáng chứ tuyệt đối đừng mang ra để “mua vui” hay làm trò đùa bỡn…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn hoa hậu: Nhà thơ – “ông trùm” hoa hậu Dương Kỳ Anh: Đừng làm tổn thương vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO