Nỗi buồn khó giải

Khánh Vy 30/12/2017 12:45

Một lần nữa câu chuyện trọng tài tiếp tục là nỗi buồn khó giải của VFF, VPF trong nhiều mùa bóng. Sự cố trọng tài Pummarin Khamruen vừa điều khiển trận bóng ở V-League 2017 đã bị bắt ngay khi trở về nước do liên quan đến nghi án dàn xếp tỉ số ở giải Thai League khiến làng bóng Việt lại thêm xôn xao.

Nỗi buồn khó giải

Các trọng tài nội luôn bị các cầu thủ phản ứng bởi những quyết định của mình.

Nội binh vừa yếu lại vừa thiếu

Không cần nói người ta cũng biết, trọng tài chính là khâu yếu nhất của bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Dù VFF, VPF đã có rất nhiều cố gắng nhưng đến nay, trọng tài vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều đội bóng với những scandal đầy ngạc nhiên.

Trước khi mùa giải V-League 2017 diễn ra, cựu TT hàng đầu Nhật Bản Okada Mashayoshi từng bắt chính World Cup đã được mời đến giảng dạy cho các trọng tài nội. Những tưởng tình hình sẽ được cải thiện thì thực tế cho thấy đội ngũ “vua áo đen” mùa này yếu và thiếu ổn định, do để cái sảy nảy cái ung khiến uy tín giảm đi trông thấy.

Còn nhớ, ở nửa đầu mùa giải V-League 2017, những dấu ấn đáng nhớ nhất lại không đến từ những bàn thắng, những trận cầu nảy lửa mà lại đến từ trọng tài. Cái cảm giác không khi nào V-League có hai vòng đấu liên tiếp diễn ra mà không có những lùm xùm về trọng tài luôn thường trực. Những sự cố và tranh cãi liên quan đến quyết định của những vị vua áo đen xảy ra liên tục. Phần nhiều trong số chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện trận đấu, điều đó khiến các cầu thủ, BHL các đội bóng ức chế dẫn đến những sự việc không đáng có.

Những vụ điển hình như trọng tài Nguyễn Đức Vũ bỏ qua Penalty ở ngay vòng đấu đầu tiên trong trận Hà Nội thắng 3-2 Than Quảng Ninh. Dư âm về sai lầm của trọng tài Nguyễn Đức Vũ còn chưa lắng xuống thì ngay sau đó ở vòng 2, trận đấu giữa Long An và Bình Dương khép lại với sự lộn xộn trên khán đài sau quyết định khó hiểu của trọng tài thứ tư Hiền Triết khi giơ bảng bù giờ 4 phút trong hiệp 2, nhưng sau đó lại tiếp tục giơ bảng bù giờ thêm 1 phút khiến Long An bị gỡ hòa 1-1 ở phút 90+5. Quyết định của trọng tài Triết có thể nói là hy hữu trong làng bóng đá ở cả Việt Nam và thế giới, bởi không có quy định nào cho phép trọng tài giơ bảng bù giờ 2 lần trong 1 hiệp. Còn phải kể đến sai lầm của các trọng tài Trung Kiên B trên sân Vinh khiến các cầu thủ, BHL SLNA ức chế. Sau đó ông Kiên B đã nhận ra sai lầm và lên tiếng xin lỗi nhưng ông vẫn bị treo còi ở vòng 6 V-League 2017.

Đỉnh điểm phản ứng với công tác trọng tài chính là sự cố trên sân Long An ở vòng đấu thứ 6 khi trọng tài Nguyễn Trọng Thư ra quyết định ở phút 82, ở trận đấu giữa TP HCM với Long An, khi tỉ số đang là 2-2 Hoàng Lâm có pha va chạm với Dyachenko trong vòng cấm, trọng tài Nguyễn Trọng Thư quyết định cho TP HCM được hưởng quả đá phạt đền. Lập tức, BHL và các cầu thủ Long An đã phản ứng dữ dội quyết định của trọng tài, họ bảo nhau bỏ dở trận đấu. Mặc dù, sau đó Long An vào sân, nhưng các cầu thủ chỉ “đứng im” để cho TP HCM ghi liền 3 bàn thắng và giành chiến thắng 5-2…

Những sai lầm liên tiếp, khó tha thứ của trọng tài Việt Nam đang khiến cho cầu thủ, khán giả không biết đâu mà lần, cầu thủ khi đá bóng vào lưới rồi chưa chắc đã thành bàn thắng mà phải chờ đối phương... có công nhận không đã. “Tôi biết, trọng tài ở đây có những mối quan hệ thành nhóm. Trong nghề lâu năm tôi biết, họ có một cái nhóm làm việc với nhau” - HLV Lê Huỳnh Đức đã chua chát nói về thực trạng trọng tài Việt Nam như thế. Với những suy nghĩ, lời nói của HLV, cầu thủ thì đúng là trọng tài bóng đá Việt Nam chỉ là người đàn ông biết thổi còi hơn là người cầm cân, nảy mực trên sân cỏ.

Từ những phản ứng của cầu thủ, lãnh đội, dư luận về công tác trọng tài và qua xác minh thực tế, VPF nhận ra nhiều lỗ hổng trong công tác trọng tài, cả về nhân sự lẫn chuyên môn. Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng sau cuộc họp HĐQT đã gửi công văn cho VFF đề cập rõ: “Trong giai đoạn lượt đi và một số vòng đấu gần đây, sai sót của trọng tài còn lặp đi lặp lại khá nhiều, bên cạnh các lỗi cơ bản về công tác phối hợp còn có lỗi ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của giải đấu và bóng đá Việt Nam”. Thế nhưng, họ càng lo lắng hơn sau khi thanh lọc đi quá nhiều “vua áo đen” không đủ năng lực, còn khâu đào tạo thì không đáp ứng nổi nên nguy cơ thiếu trọng tài ở mùa giải mới đã hiển hiện “Theo báo cáo chuyên môn, số lượng trọng tài của chúng ta rất ít, cụ thể giải hạng nhất có 27 trọng tài và 25 trợ lý; V-League có 22 trọng tài và 27 trợ lý, trong đó có ba trọng tài, hai trợ lý không đạt yêu cầu ở kỳ kiểm tra thể lực. Như vậy, V-League 2017 chỉ có 19 trọng tài và 25 trợ lý có thể làm nhiệm vụ. Ngoài ra, năm 2018 sẽ có hai trọng tài và ba trợ lý hết tuổi làm nhiệm vụ. Lực lượng trọng tài mỏng, trong khi việc phân công trọng tài phải đảm bảo nhiều yếu tố như: Tính địa phương, tính chất trận đấu… Do đó, với số lượng trọng tài hiện tại sẽ không đảm bảo nhu cầu sử dụng tại các giải chuyên nghiệp. Vì vậy, VPF kính đề nghị Ban chấp hành VFF đặc biệt quan tâm đến công tác trọng tài, nhất là công tác đào tạo phát triển lực lượng kế cận”.

“vua sân cỏ ngoại” cần người có đẳng cấp

Từ mùa giải 2015, VPF bắt đầu thuê trọng tài ngoại điều hành một số trận đấu quan trọng cuối mùa giải của V.League. Điều khiển trận đấu ở V-League, nếu là trọng tài ngoại mắc sai sót thì tất cả đều nghĩ đó chỉ là lỗi chuyên môn đơn thuần. Còn nếu rơi vào trọng tài nội thì người ta dễ nghĩ đến khía cạnh tư tưởng. Đây là tâm lý đã ăn sâu bám rễ với các CLB sau những vụ án liên quan đến trọng tài trước đây của bóng đá Việt Nam. Việc đi mời trọng tài ngoại thời gian qua cũng chỉ giải quyết vấn đề niềm tin. Chính Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi cũng thừa nhận, việc này có hiệu quả về mặt tâm lý nhiều hơn chuyên môn, bởi thực tế thì các trọng tài ngoại điều hành V.League có trình độ không hề vượt trội so với trọng tài người Việt Nam. Tuy vậy, chính cái mác “trọng tài ngoại” khiến các đội bóng khi thi đấu thấy tính khách quan hơn.

Nếu như nhiều mùa giải gần đây, tưởng chừng việc thuê trọng tài ngoại luôn là phương án an toàn nơi những vòng đấu quyết định của V-League. Ấy vậy, ở mùa giải này, dù mới trải qua 3 vòng đấu thì các “vua áo đen” ngoại được mời không phải là đều được khen và đã có đội bóng không hài lòng về “vua ngoại”. HLV Võ Đình Tân chỉ đích danh TT ngoại đã khiến đội bóng của ông mất đi kết quả có lợi, vì quả 11m oan nghiệt. “thuê TT ngoại như ông Suhaizi Bin Shukri chỉ tổ tốn tiền”, ông Tân bức xúc. Cũng bất bình với trọng tài ngoại còn có HLV trưởng CLB Quảng Nam Hoàng Văn Phúc khi bày tỏ sự không hài lòng với các cầm còi của trọng tài Pummarin Khamruen “Tôi không hài lòng với công tác trọng tài trong trận đấu này. Trọng tài ngoại không phải ai cũng giỏi”. Đáng lo hơn, trọng tài Pummarin Khamruen vừa điều khiển xong trận đấu ở V-League nhưng khi về nước đã bị bắt vì nghi ngờ dính líu tới tiêu cực. Một trọng tài đẳng cấp như Pummarin Khamruen được LĐBĐ Thái cử sang điều khiển trận đấu ở V.League cũng bị bắt - là điều gây sốc, đặc biệt trong bối cảnh quá nhiều đội bóng phản ứng rồi ám chỉ lẫn chỉ trích trực tiếp vì nghi ngờ tiêu cực từ những sai sót.

Việc trọng tài ngoại bị phản ứng ở vòng đấu này khiến nhiều người thắc mắc tại sao VFF không mời những TT đẳng cấp đến từ những nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc mà chỉ đánh tiếng hỏi những quốc gia cùng khu vực. Đó là câu hỏi đầy thực tế bởi khi trọng tài người Nhật Jumpei Ilda cầm còi trận cầu đinh Thanh Hóa - Hà Nội (hòa 3-3) khiến tất cả đều hài lòng và khâm phục. Nhiều người cho rằng trọng tài ngoại trình độ không hơn trọng tài nội là bao nhưng họ tỏ rõ bản lĩnh, đẳng cấp trong những tình huống quyết định. Pha bắt phạt đền phút cuối trận khiến chủ nhà bị san bằng 3-3 của ông Jumpei Ilda đã khiến chính HLV Chu Đình Nghiêm của Hà Nội phải nói ngay nếu là trọng tài nội sẽ khó yên thân. Đấy là khác biệt lớn nhất giữa trọng tài ngoại và nội. Trong suốt quá trình điều hành trận đấu, trọng tài Ilda không bị cầu thủ phản ứng dữ dội như đồng nghiệp bản địa, vì bản thân ông được xem là hoàn toàn khách quan và tiếng còi không méo mó, khi chẳng có quan hệ nào với các CLB cả.

Trọng tài Jumpei đã khiến V-League thán phục khi ông điều hành trận đấu nhưng 2 vòng đấu thuê TT ngoại sau đó, VFF chỉ mời các TT của khu vực và với những gì vừa xảy ra sẽ là lời cảnh báo tốt cho Ban Trọng tài, VPF và VFF nên cẩn trọng, tốt nhất là mời các TT đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có sự trong sạch lẫn trình độ giải chuyên nghiệp được ghi nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn khó giải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO