Nỗi buồn mang tên trạm thu phí BOT

Nguyên Khánh 20/08/2017 08:05

Dư luận những ngày qua tỏ rõ bức xúc trước việc nhiều trạm thu phí BOT hoạt động theo lối “tận thu”, không chỉ ở giá vé mà còn là địa điểm đặt trạm. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có những thông tin chính thức. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vấn đề này cần được phân tích, mổ xẻ kĩ lưỡng để có được giải pháp tốt nhất.

Trạm thu phí Cai Lậy.

Sự việc tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) diễn ra gần nửa tháng qua dẫu rằng Bộ Giao thông Vận tải đã quyết từ ngày 21/8, mức phí của các xe qua trạm thu phí này sẽ chỉ còn từ 25.000-140.000 đồng/lượt, thay vì 35.000-180.000 đồng/lượt, nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình. Bởi phản ứng không chỉ nằm ở giá vé mà còn rất nhiều bất cập từ các trạm thu phí BOT.

Từ ngày 1/8 khi trạm thu phí của dự án tuyến tránh Cai Lậy đặt tại Quốc lộ 1 thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đi vào hoạt động đã gây xôn xao dư luận vì nhiều tài xế xe ôtô tỏ thái độ không đồng tình, phản đối bằng cách dùng tiền có mệnh giá thấp, bỏ vào chai nhựa để mua vé qua trạm thu phí gây khó khăn cho nhân viên thu phí và kéo dài thời gian gây ùn ứ giao thông.

Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng.Sở dĩ nhiều lái xe phản đối suốt thời gian qua vì họ cho rằng xe không đi đường tránh thị xã Cai Lậy, tại sao phải mua phí BOT của đường này? Đó là điểm mấu chốt nhất dẫn tới việc phản đối kéo dài.

Mặt khác theo mức phí đã công bố, mỗi xe qua trạm BOT Cai Lậy, có mức phí từ 35.000 - 180.000 đồng, tùy loại xe. Mức phí này được xem quá cao bởi tuyến tránh thị xã Cai Lậy chỉ 12km mà thu tới 35.000 đồng/vé/lượt, cao gần bằng khoản thu phí của 50km đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (40.000 đồng/lượt/50 km).

Nay dẫu phí có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cùng với mức phí điều khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc là việc cho phép chủ đầu tư đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 nơi có lưu lượng giao thông lớn, cách làm như vậy chẳng khác nào “tận thu”, “móc túi” của tất cả các xe theo kiểu “không cho thoát”?

Phản ứng với trạm thu phí BOT, đây không phải là lần đầu tiên, mà trước đó nhiều dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT bị người dân, doanh nghiệp phản ứng vì mức thu phí cao và điểm đặt trạm thu phí không hợp lý. Điển hình như việc đặt Trạm thu phí Cầu Rác trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Cẩm Trung và Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên.

Hay trạm thu phí BOT Bến Thủy I và Bến Thủy II được lập ra để thu phí hoàn vốn cho Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh Thành phố Hà Tĩnh và “thu hộ” cho 4 dự án BOT khác nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tương tự trạm thu phí cầu Hạc Trì ở Việt Trì, Tào Xuyên (Thanh Hóa) cũng vấp phải sự phản ứng...

Hầu hết vụ việc người dân bao vây phản đối hoặc dùng cách trả tiền lẻ như với trạm Cai Lậy là để phản ứng với mức thu phí và điểm đặt các trạm thu phí. Bởi, điểm chung của những trạm thu phí này là được đặt “nhầm chỗ”, khiến người dân không sử dụng hoặc sử dụng rất ít công trình BOT nhưng vẫn phải nộp phí.

Điều đáng nói những bất cập tại trạm thu phí BOT giao thông chỉ được điều chỉnh khi người dân, doanh nghiệp lên tiếng phản đối, qua đó cho thấy việc kiểm tra xử lý vấn đề tốn tại ở các dự án BOT giao thông như: Tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, mức thi phí… của cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt. Theo đó, rất nhiều vấn đề cần phải làm để kiểm tra, giám sát các trạm thu phí BOT nếu không muốn những nỗi buồn mang tên “trạm thu phí” tiếp tục lây lan.

Theo quy định, các trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70 km. Nhưng trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH mới đây đã chỉ ra rằng 90% trạm thu phí BOT có khoảng cách dưới 70km. Cá biệt có thời điểm, những cung đường như Hà Nội - Thái Bình: 4 trạm/100km; Kiến Xương (Thái Bình): 2 trạm/2km.

Nhiều trạm đặt không đúng vị trí, người dân không đi vẫn phải trả tiền, hay làm đường một nơi lại thu phí một nẻo. Có trường hợp như chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) còn đem cả ụ bê-tông ra chặn đường lưu thông của người dân khi không thu phí được.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhìn nhận rằng, những bức xúc của người dân là có cơ sở. Làm đường để phát triển kinh tế xã hội, chứ không phải làm đường để phục vụ các doanh nghiệp kiếm lợi một cách thái quá và nhập nhằng như vậy.

Các chuyên gia còn đưa ra quan điểm, ở đây phải xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT, cơ quan tham mưu chính cho Chính phủ trong quá trình thực hiện các dự án BOT. Không chỉ để xảy ra những sai sót khiến nhân dân chịu thiệt, làm lợi cho doanh nghiệp mà Bộ GTVT còn có phần trách nhiệm trong việc đánh mất niềm tin cả ở nơi người dân lẫn doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Đại Đoàn Kết giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Giàu.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Tôn tạo đường cũ rồi thu phí sao dân không bức xúc

Diễn đàn đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu về lĩnh vực giao thông, đánh giá Việt Nam đã vượt 34 bậc trong 5 năm qua, một con số rất ấn tượng”, điều đó có sự đóng góp rất nhiều từ những con đường do nguồn vốn xã hội hóa mang lại. Bây giờ đi từ Lạng Sơn đến Cà Mau thông suốt. Nhiều đường nhánh như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên… rất đẹp, là những con đường trước đây chỉ có trong mơ ước. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều điều đáng buồn xung quanh những con đường được làm từ nguồn vốn xã hội hóa.

Thứ nhất là chuyện đường độc đạo, huyết mạch, ông bà tổ tiên để lại từ bao đời, bây giờ tôn tạo lên chút rồi dựng trạm thu phí, khiến bà con bức xúc.Thứ hai là một số công trình, dự án kém chất lượng.Thứ ba, giá thành dự án đầu tư cao. Thứ tư, mật độ đặt trạm thu phí dày. Thứ năm, công nghệ thu phí lạc hậu, còn thu thủ công thì chậm chạp, dễ gây tắc nghẽn giao thông. Thứ năm, trong việc chọn lựa và chỉ định thầu, có nhà đầu tư chưa biết gì về kỹ thuật nhưng được chỉ định thầu, trong khi đường sá liên quan đến tính mạng con người.

Ông Bùi Danh Liên.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Dân bức xúc vì trạm thu phí đặt “nhầm” chỗ

Nguyên nhân dẫn đến người dân bức xúc với nhiều dự án BOT giao thông xuất phát từ phê duyệt dự án.Trong đó có dự án BOT giao thông xây dựng chỗ này nhưng trạm thu phí lại đặt chỗ khác dẫn đến người dân dù không đi 1km đường BOT nào nhưng vẫn phải trả phí, từ đó dẫn đến bức xúc.

Thực ra khi trình xin vị trí đặt trạm thu phí, phía chủ đầu tư đã tính toán để thu được nhiều phí nhất, nếu không kiểm tra, giám sát kĩ sẽ gặp sự phản ứng từ người tham gia giao thông.Vì thế trách nhiệm trong việc cho phép điểm đặt trạm thu phí BOT thuộc cơ quan quản lý nhà nước gồm Bộ GTVT, chính quyền địa phương.

Vấn đề ở đây khi làm BOT giao thông đều có ý kiến đồng ý của UBND các địa phương và được thông qua HĐND tỉnh.Tuy nhiên chính quyền địa phương chỉ thấy có đường mới, cầu mới mà chưa tính hết được tác động vấn đề thu phí với cuộc sống người dân. Khi xảy ra bức xúc, chính quyền địa phương, Bộ GTVT vào cuộc chậm dẫn đến bức xúc khéo dài, đỉnh điểm người dân kéo đến bao vây trạm thu phí, gây ùn tắc giao thông.

Những vụ việc lùm xùm như tại trạm thu phí BOT Cai Lậy không chỉ khiến người dân thất vọng mà còn khiến cả các nhà đầu tư hoang mang, dè dặt khi rót vốn vào hạ tầng giao thông nội địa. Cái giá của sự chậm trễ đã không còn chỉ trả bằng tiền mà phải trả bằng cả niềm tin và sự ổn định.

Hiện nay, toàn quốc đã hoàn thành 12 tuyến cao tốc với chiều dài 746 km, đang triển khai 9 tuyến với chiều dài 525km. Trong đó khu vực phía Nam đã hoàn thành 0 tuyến (TP HCM - Trung Lương; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) với tổng chiều dài 91 km, đang triển khai đầu tư 2 tuyến (Bến Lức - Long Thành, và Trung Lương - Mỹ Thuận) với tổng chiều dài 108,8km. Ngoài ra, trong vùng còn đang kêu gọi đầu tư tuyến Vành đai 3 TP HCM, Mỹ Thuận - Cần Thơ, TP HCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Phú Mỹ, Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài 331km... Như vậy, sau khi hoàn thành các dự án nêu trên, khu vực phía Nam sẽ có khoảng 530 km đường cao tốc, sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn mang tên trạm thu phí BOT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO