Nỗi buồn ở thôn Bình Yên và giây phút giữa lằn ranh sinh tử

Hạnh Nguyên 12/10/2020 19:00

Trong số 12 thuyền viên và ngư dân trên tàu Vietship 01 gặp nạn ở cảng Cửa Việt (Quảng Trị) có tới 3 nạn nhân là ở cùng thôn Bình Yên (xã Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh). Những ngày này, thôn Bình Yên liên tiếp nhận tin giữ, một người đã chết, một người mất tích, còn một thủy thủ đang cấp cứu trong bệnh viện.

Bình Yên nhuộm tang thương

Cơn mưa phùn khiến con đường đất vốn ngoằn nghèo dẫn vào thôn Bình Yên, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh càng khó đi. Nhà của thủy thủ Nguyễn Văn Chiến (39 tuổi) – 1 trong số những thuyền viên tử nạn trên tàu Vietship 1, nằm vắt vẻo trên đồi cao. Trước tấm di ảnh vừa lập của anh Chiến là 3 đứa trẻ nheo nhóc: Nguyễn Văn Tuấn (8 tuổi), Nguyễn Thùy Dương (6 tuổi) và Nguyễn Văn Đức (1,5 tuổi).

Thủy thủ Nguyễn Văn Chiến ra đi để lại 3 con thơ dại.
Thủy thủ Nguyễn Văn Chiến ra đi để lại 3 con thơ dại.

Tuấn tay chống gậy, khăn trắng trùm đầu đứng chịu tang bố. Mỗi lúc có ai đến viếng em lại khấn lạy rồi quay sang em cười nói khiến những người có mặt không không ngăn nổi nước mắt. Các em còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất bố, hiểu được những gì đang xảy đến với gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hương (chị họ của anh Chiến) khóc nấc thành tiếng nói với chúng tôi trong nước mắt, Chiến là con trong gia đình có 5 anh chị em. Bố qua đời đã lâu sau căn bệnh ung thư. 7 năm nay, anh Chiến cùng vợ chăm sóc cho người mẹ bị tai biến nằm liệt 1 chỗ. Hai vợ chồng vay tiền đang xây dở căn nhà thì hết tiền nên anh Chiến phải đi làm kiếm tiền về làm tiếp, giờ không may gặp nạn. “Chiến mất đi, 3 đứa con thơ, mẹ già liệt một chỗ không biết bấu víu vào đâu để sống đây”, bà Hương khóc nghẹn.

Tang thương ở xóm nhỏ Bình Yên.
Tang thương ở xóm nhỏ Bình Yên.

Anh Chiến vừa chuyển sang Công ty CP Vietship (trụ sở đóng ở TP Hồ Chí Minh) được 5 tháng. Anh được phân công làm thợ cần (lái máy ngoặm), thấy công ty cần người nên anh rủ thêm cháu là Lê Quốc Cường (35 tuổi) và người anh em cùng xóm Nguyễn Hữu Tú (33 tuổi) cùng đi phụ cần. Anh Cường và Tú mới vào làm được 20 ngày thì gặp nạn.

Cách nhà anh Chiến khoảng 500 m là căn nhà gỗ tuềnh toàng của Lê Quốc Cường. Từ khi nghe tin Cường mất tích, hàng xóm, láng giềng đến động viên, chia sẻ với gia đình nạn nhân. Nỗi lo lắng, bất an hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ của ông Lê Đình Tuấn (50 tuổi, bố của Cường).

“Người nhà tôi đang túc trực trong TP Hồ Chí Minh để chờ tin con trai mà lòng tôi như ai cào xé. Tôi không hy vọng cháu còn sống, chỉ mong cơ quan chức năng, các cấp chính quyền hỗ trợ, sớm tìm được thi thể cháu để đưa về chứ ở ngoài khơi lạnh lẽo lắm…!”, ông Tuấn rớm nước mắt.

Gia đình nạn nhân mất tích Lê Quốc Cường vẫn đang mong ngóng tin tức từ phương xa.
Gia đình nạn nhân mất tích Lê Quốc Cường vẫn đang mong ngóng tin tức từ phương xa.

Trong số 3 nạn nhân ở thôn Bình Yên thì may mắn nhất là thủy thủ Nguyễn Hữu Tú. Thấy lực lượng cứu hộ, anh nhảy xuống biển để bơi vào bờ nhưng do nhiều ngày chịu đói, khát trên biển nên sắp đến bờ anh gần như kiệt sức. Hiện nay anh đang được điều trị tích cực trong bệnh viện ở Quảng Trị, sức khỏe dần ổn định.

Theo lời kể của gia đình các nạn nhân ở thôn Bình Yên, cả 3 thủy thủ làm việc trên tàu Vietship 12, tàu lúc này có 5 thủy thủ. Khoảng 18h ngày 7/10, chiếc tàu bị sóng đánh thủng đáy, cả 5 thủy thủ tát nước bám trụ trên tàu đến 23h đêm tàu chìm. Mãi đến sáng hôm sau, các thủy thủ được cứu lên tàu Vietship 01.

“Được sống lại lần hai”

Ngay sau khi từ “cõi chết” trở về, anh Đặng Văn Nghị (33 tuổi, quê Thanh Hóa) đã kể lại những giây phút kinh hoàng trên tàu Vietship 01. Theo anh Nghị, rạng sáng 8/10, khi tàu đang neo đậu tại cảng Cửa Việt, gặp sóng to gió lớn, tàu bị đánh dạt trôi ra biển và mắc cạn cách cảng Cửa Việt khoảng 1 km. Vào thời điểm này trên tàu có có 8 người, sau đó có thêm 4 người từ tàu Vietship 12 cũng bị gặp nạn leo lên tàu. Lúc này, trên tàu tổng cộng có 12 người.

Thuyền viên Đặng Văn Nghị kể lại giây phút sinh tử trên tàu Vietship 01.
Thuyền viên Đặng Văn Nghị kể lại giây phút sinh tử trên tàu Vietship 01.

Khi ấy, mọi người trên tàu Vietship 01 ai cũng cảm thấy bất an, lo lắng vì tàu dạt vào đúng vòng xoáy khu vực hạ lưu chảy xuống. 9h sáng ngày 8/10, tàu bị sóng đẩy dồn dập làm thủng thân tàu rồi bắt đầu chìm dần.

“Trước đó, tôi có gọi điện về vợ nói rằng tình hình có vẻ không ổn. Sau đó, tàu bị chìm thì tất cả điện thoại của mọi người trên tàu bị ngâm nước, mọi liên lạc với đất liền đều bị mất từ đó. Trong lòng mọi người lúc này ai cũng rất lo sợ và bất an”, anh Nghị nhớ lại.

Lúc này, con tàu cứ chìm dần, chỉ còn phần ống khói nổi lên mặt biển, phía đầu tàu chỉ thấy phần mui tàu và lan can. Mọi người ai nấy đều mặc áo phao rồi dồn về phía ống khói và một phần còn nổi của chiếc tàu để chờ lực lượng cứu hộ đến cứu. Đến ngày 9/10, 4 thuyền viên trên tàu may mắn bơi được vào bờ.

Đói, rét và khát, mọi người chỉ còn biết cách ngửa cổ lên trời uống nước mưa để cầm cự với hy vọng sẽ có người đến cứu. Mọi người trên tàu luôn hóng tin tức ở trên bờ dù đôi lúc một số người đã xác định tâm lý khó có thể trụ lại được lâu trước sóng to gió lớn. Sáng 9/10, đội ngư dân “cảm tử” gồm 4 người lên chiếc tàu đánh cá, cố gắng vượt sóng dữ đến ứng cứu những thuyền viên.

Trực thăng cứu hộ những người gặp nạn trên tàu VietShip 01.
Trực thăng cứu hộ những người gặp nạn trên tàu VietShip 01.

Tuy nhiên, chiếc tàu này bị sóng đánh lật úp cả 4 ngư dân đều rơi xuống biển. Ba người sau đó bơi trở lại vào bờ an toàn. Còn mỗi anh Trần Xuân Cường (27 tuổi, trú xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) mắc kẹt lại trên con tàu Vietship 01 đến lúc được giải cứu.

Tối 10/10, khi chiếc trực thăng xuất hiện, các thuyền viên trên tàu ai nấy đều rất vui mừng và xem đó như một lần được sống lại. “Sau khi cung cấp áo phao và thức ăn cho các thuyền viên, trực thăng bay đi, tôi vội nói với mọi người: “Chắc các anh vào lấy phương tiện ra cứu hộ”. Nhưng sau không thấy đâu, anh em cũng xác định thêm một đêm rất dài”, anh Nghị kể.

Sáng 11/10, cả 6 thuyền viên được trực thăng cứu hộ và đưa vào bờ, 2 người khác bơi vào bờ đã được lực lượng đặc công nước kịp thời ứng cứu. Trước đó, thuyền viên Nguyễn Văn Chiến không cầm cự được đã bị sóng cuốn mất tích và được tìm thấy bờ biển huyện Triệu Phong trong tình trạng tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn ở thôn Bình Yên và giây phút giữa lằn ranh sinh tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO