Nơi gian khó có người Mặt trận

Ái Châu 10/05/2016 16:20

Trong không khí chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, người Mặt trận vẫn không quên triển khai công tác thích ứng với biến đổi khí hậu- một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách không kém. Những ngày qua, nhiều đoàn công tác của Mặt trận đã đi khảo sát một số địa phương bị hạn xâm mặn đồng thời chia sẻ và hỗ trợ với bà con ngư dân bị ảnh hưởng bởi cá chết bất thường ở miền Trung. 

Tình trạng cá biển chết bất thường ở khu vực miền Trung kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế đã gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân. Ảnh: TL.

Giám sát tình hình khô hạn, xâm nhập mặn

Việt Nam được đánh giá là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam tương đối rõ nét trong 50 năm qua và nhất là trong thời gian gần đây với tần suất xuất hiện thiên tai và thời tiết cực đoan ngày càng tăng. BĐKH thực tế đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo.

Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể nhằm chủ động thích nghi, vừa ứng phó hiệu quả. Tuy nhiên, BĐKH là vấn đề phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn kể cả về bộ máy, nhưng so với các nước, Việt Nam chưa đầu tư được bao nhiêu.

Thiếu nước đang là hiện thực với người dân Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định, cần xác định rõ: chúng ta đang thiếu nước, phải tiết kiệm, không thể coi nước là tài nguyên thoải mái. “Phải xây dựng hồ chứa nước. Có những huyện ở Tây Nguyên không còn dòng chảy, không còn hồ nước, chỉ còn một số giếng còn nước. Vấn đề lớn đang đặt ra với ĐBSCL, đó là xâm nhập mặn sâu hơn, dòng chảy sông Mê Kong thấp hơn, cần cấp bách tính giải pháp” - ông Cao Đức Phát khẳng định.

Trước tình trạng này, đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện chính sách về phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH. Một trong những câu hỏi mà người đứng đầu Mặt trận quan tâm đặt ra tại những cuộc họp này là ai chịu trách nhiệm về bảo đảm nguồn nước?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả các dự án đã đầu tư hay hàng năm đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho hệ thống đê điều thì cũng khó rõ ai là người chịu trách hoặc rất chồng chéo trách nhiệm nếu tiến hành điều chỉnh quy hoạch vùng. Ông Trần Hồng Hà dẫn chứng về công tác điều hành hiện nay chưa ổn. Ví dụ tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước đã được dự báo từ 3-4 tháng trước. Nhưng vì diễn ra vào dịp tết, không có người đo đạc tỷ lệ mặn, chậm ứng phó vì vậy khi nước mặn vào thì vô phương cứu chữa. Đó là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng như vừa qua. Qua đó cho thấy công tác điều hành hiện nay có vấn đề.

Thích ứng với BĐKH là nội dung vừa cấp bách vừa lâu dài. Cả nước đang chống chọi với tác động của BĐKH. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, quý I -2016, lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam bị âm, một phần do tác động của BĐKH. “BĐKH không thể tránh được, chúng ta phải sống chung với nó. Nhân dân đang rất lo lắng. Mặt trận sẽ đi khảo sát về tình hình này tại Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Lời khẳng định của người đứng đầu Mặt trận đã được hiện thực hóa bằng hành động ngay sau khi kết thúc những cuộc họp, ông đã trực tiếp dẫn đầu đoàn giám sát của Mặt trận thị sát tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại một số xã thuộc các huyện Duyên Hải và Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Đoàn công tác của Mặt trận về Trà Vinh vào đúng thời điểm trên địa bàn tỉnh không còn cống nào có khả năng lấy nước ngọt. Dự kiến diện tích lúa bị thiệt hại sẽ tăng lên 23.690 ha do khô hạn, thiếu nước. Trong lĩnh vực thủy sản, có 228 ha/598 hộ nuôi tôm bị đốm trắng, gan tụy, 366,8 ha/424 hộ nuôi tôm sú tập trung ở các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải bị ảnh hưởng. Độ mặn tăng đột ngột đã khiến các hộ nuôi cá ở huyện Trà Cú không kịp trở tay, thiệt hại 985.000 con giống.

Hiện tỉnh Trà Vinh còn 9.268 hộ, tương đương 37.073 nhân khẩu chưa được cung cấp nước máy, phải sử dụng nước sông trong sinh hoạt. Trong thời gian mặn xâm nhập, các cống đầu mối phải đóng khiến nguồn nước bên trong phần nào bị ô nhiễm gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân và đề nghị lãnh đạo địa phương cần tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, ổn định đời sống cho bà con nông dân, đồng thời có phương án khắc phục để sớm ổn định cuộc sống cho bà con. Đặc biệt, trước những diễn biến bất thường của tình trạng biến đổi khí hậu, tỉnh cần phải có phương án mang tính căn cơ lâu dài.

“Nhiệm vụ chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới rất quan trọng nhưng công tác thích ứng với BĐKH cũng quan trọng và cấp bách không kém. Sắp tới, sau khi khảo sát, Mặt trận sẽ có báo cáo tổng thể về tình hình BĐKH hiện nay, làm rõ tác động đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp hiện nay”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đến thăm ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Xuân Thi.

Hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung

Cũng trong những ngày qua, tình trạng cá biển chết bất thường ở khu vực miền Trung kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế đã gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân ở các địa phương này. Ngay từ khi phát hiện thủy, hải sản chết hàng loạt, cả hệ thống chính trị các tỉnh đã vào cuộc nắm bắt tình hình, phản ánh lên cơ quan cấp trên tháo gỡ khó khăn cho ngư dân bị thiệt hại. Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng chung tay, góp sức hỗ trợ nhân dân vùng ảnh hưởng.

Chia sẻ với những khó khăn của ngư dân, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Để số tiền hỗ trợ đến tay ngư dân kịp thời, TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã dẫn đầu đoàn công tác của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thăm hỏi và chia sẻ với bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng.

Giữa nắng chiều gay gắt, cùng với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đã lội bộ để tới thăm 3 hội ngư dân ở xã Đức Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Đây là những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào chiếc thuyền nan đi lộng.

Trong cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, ngư dân Hồ Thanh Mọ (xã Đức Trạch) chia sẻ: “ở đây (xã Đức Trạch), hầu hết người dân đều đi biển, bám biển để mưu sinh. Gia đình nào có điều kiện, sức khỏe thì đi khơi xa, còn gia đình em đang khó khăn nên sống nhờ chiếc thuyền nan. Mấy ngày ni, trước hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ, vợ chồng em đành kéo thuyền nan lên bờ.. nên cuộc sống rất vất vả”.

Lắng nghe tâm tư của bà con, đồng cảm trước những khó khăn mà ngư dân đang gặp phải, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình chia sẻ: “Đảng, Nhà nước và Mặt trận không để hộ ngư dân nào phải đói bữa trước khó khăn này. Bà con ngư dân hãy yên tâm, bình tĩnh, sát cánh cùng với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả, đồng thời vượt khó vươn lên”.

Quá trình lăn lộn, đồng hành với người dân bị thiệt hại do sự cố thủy hải sản chết hàng loạt những ngày qua, đội ngũ những người làm công tác Mặt trận tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những lời động viên, chia sẻ cùng những món quà của Mặt trận các cấp đã giúp ngư dân an tâm để ổn định cuộc sống, tiếp tục bám biển, vươn khơi. Cũng thông qua đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ các tỉnh đã có nhiều đề xuất, trong đó đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp lâu dài để ổn định đời sống cho nhân dân.

Sau những chuyến đi đó, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình bày tỏ nỗi băn khoăn và hết sức chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại mà ngư dân từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế đang gặp phải. Cũng theo ông Lê Bá Trình, qua sự cố này thấy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở các địa phương đã cùng nhau vào cuộc để giải quyết sự cố, đặc biệt là Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phối hợp thực hiện các giải pháp ổn định đời sống nhân dân. Bởi vậy, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị là phải giải quyết được những vấn đề này để an dân.

Tuy nhiên về góc độ khoa học công nghệ, theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, để giải quyết căn cơ sự việc ở địa phương thì chưa có đủ khả năng, phải chờ các cơ quan chức năng ở Trung ương và các nhà khoa học.

“Người dân đang chờ kết luận chính thức về nguyên nhân cũng như giải pháp lâu dài, làm thế nào để đảm bảo môi trường biển, ổn định nguồn thủy hải sản được trở lại như ngày xưa để bà con phát triển đánh bắt và nuôi trồng, đồng thời là điều kiện để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước”. Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, Chủ tịch Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi gian khó có người Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO