Nỗi khổ gửi giá

H.Hương 29/05/2016 10:00

Vấn đề gửi giá đã từng được cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đề cập vào tháng 3, năm 2015 với nội dung  “mua cũng gửi giá, bán cũng gửi giá”. Và nay sau hơn 1 năm, câu chuyện gửi giá lại được nhắc lại, nhưng lần này là doanh nghiệp tố.

Nỗi khổ gửi giá

Doanh nghiệp vẫn “tố” quá nhiều thủ tục phiền phức.

Khó tiếp cận vốn lẫn dự án

Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại tổng hợp Hafids (đứng chân tại xóm 10, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) thắng thắn chia sẻ: Khó tiếp cận các dự án lớn, nếu có cơ hội tiếp cận thì việc gửi giá, yêu cầu chia chác % khá phổ biến; phiền hà trong phê duyệt; thanh toán rất chậm sau khi hoàn thành dự án, ảnh hưởng đến “sức khỏe” và sự “dẻo dai” của DN.

Theo đại diện của công ty này, học tập từ mô hình tiên tiến nước ngoài, góp phần vào cải cách hành chính, cải thiện thái độ làm việc, tăng cường sự giám sát của cấp trên với cấp dưới, nâng cao hiệu quả làm việc của viên chức, đặc biệt là các viên chức trực tiếp xử lý công việc cho DN và công dân, tăng thêm tính dân chủ, tăng thêm sự tin tưởng của DN và nhân dân vào cơ quan nhà nước. Đại diện công ty cũng kiến nghị, cần có hệ thống máy đánh giá cho toàn bộ những viên chức trực tiếp tiếp nhận và xử lý công việc cho DN và công dân, để DN, người dân có công cụ ấn nút đánh giá thái độ, hiệu quả việc tiếp dân và xử lý hồ sơ ở những người thụ lý, đồng thời lưu kết quả đánh giá để lãnh đạo kiểm tra và đánh giá khách quan nhân viên của mình.

Hiện nay nhiều nước đã phổ biến lắp đặt máy đánh giá như vậy ở cơ quan hải quan, công an, ngân hàng, bộ phận tiếp nhận, xử lý và trả kết quả một cửa... Theo đó, máy đánh giá sẽ có các mức: Hài lòng - Cơ bản hài lòng - Không hài lòng để DN, người dân trực tiếp có công cụ ấn nút đánh giá thái độ, hiệu quả việc tiếp dân và xử lý hồ sơ ở những người thụ lý, đồng thời lưu kết quả đánh giá để lãnh đạo chuyên quản kiểm tra và đánh giá nhân viên.

Thực ra việc gửi giá không quá lạ. Trở lại câu chuyện 1 năm trước khi ông Bùi Quang Vinh kể một câu chuyện trước 150 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rằng, khi ông tiếp xúc với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ nói cản trở lớn nhất là tham nhũng. Họ nói, thưa ngài Bộ trưởng, tôi có sản phẩm thiết bị mà không bán được, mua cũng không được, vì muốn mua, bán đều bị gửi hoa hồng… Nhưng tôi không làm được vì vi phạm luật pháp. Theo ông Vinh, mua cũng gửi giá, bán cũng gửi giá điều đó làm cản trở không chỉ là đầu tư mà cả thương mại.

Rõ ràng, minh bạch trong đầu tư kinh doanh đang có vấn đề. Và Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ 1-7-2015 được kỳ vọng sẽ cải cách thật sự môi trường kinh doanh. Nhưng thực tế vẫn không như mong ước.

Chưa dứt cảnh bị nhũng nhiễu

Theo Công ty cổ phần sản xuất thương mại Lạng Sơn, Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa đầy đủ, gây khó khăn cho DN và cán bộ thụ lý hồ sơ, DN muốn giải quyết công việc sẽ sinh ra tiêu cực phí. Ở Lạng Sơn hiện nay việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh đều vượt quá thời gian theo luật, nguyên nhân có lý do khách quan. DN được phép đăng ký kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm, nhưng khi đăng ký kinh doanh vẫn phải liệt kê chi tiết những ngành nghề dự kiến kinh doanh, khi DN muốn kinh doanh thêm ngành nghề vẫn phải đăng ký bổ sung ngành nghề với Phòng đăng ký kinh doanh.

Ban hành văn bản dưới luật: Khi ban hành các văn bản dưới luật từng Bộ, ngành sẽ tạo ra lợi ích nhóm riêng của từng Bộ ngành nên có tình trạng “Thông tư, văn bản hướng dẫn cao hơn Luật” sinh ra tiêu cực chưa kể tình trạng cán bộ thụ lý cố tình sách nhiễu để doanh nghiệp phải “bôi trơn”. Những năm gần đây các Bộ liên quan đã ban hành nhiều văn bản cấp phép nhập khẩu, khi DN muốn nhập khẩu phải xin phép, mỗi lần xin phép phát sinh thêm thời gian và chi phí theo quy định và ngoài quy định.

Nói thêm về chi phí không chính thức, doanh nghiệp này than phiền: DN sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng có các chi phí không chính thức mới giải quyết được một phần hay toàn bộ công việc. DN phải chi các khoản không chính thức cho cán bộ thụ lý ở các ngành Hải Quan, Quản lý thị trường, Thuế, các đội liên ngành, chi xin các giấy phép con... phức tạp và tốn kém, mất thời gian.

Tại bản báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do chính Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện điều tra từ 10.000 DN cũng cho biết, tỷ lệ DN cho biết bị cán bộ dùng các quy định để nhũng nhiễu là 66%, tăng 6% so với năm ngoái. Còn tỷ lệ DN trả lời câu hỏi “công việc được giải quyết sau khi chi tiền bôi trơn” là 59%, tăng nhẹ so với một năm trước. Trong khi đó, khâu làm thủ tục thông quan cũng khiến gần 59% DN được hỏi phải chi tiền.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng cơ chế chính sách thể hiện qua văn bản còn thiếu thực tế nên khi có hiệu lực thi hành khiến người dân và DN gặp khó. Tình trạng có Luật nhưng việc thực thi pháp luật lại chủ yếu dựa vào Nghị định, Thông tư hướng dẫn... thậm chí thực hiện theo công văn hướng dẫn thông tư, thông tư sửa đổi thông tư... Như vậy, việc ban hành các văn bản Luật không được nghiên cứu kỹ, chưa sâu sát với thực tế nên văn bản dưới Luật lại cao hơn Luật. Có tình trạng cơ quan quản lý Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn luật sai với tinh thần của luật, tạo kẽ hở để “móc túi” DN. Khi có ý kiến phản hồi các bất cập thì bộ phận tham mưu, giúp việc vẫn bảo thủ, hoặc cố tình không nhận sai, sợ phải sửa sai... dẫn đến hiện tượng DN buộc phải lobby chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi khổ gửi giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO