Nỗi khổ mang tên 'lương'

Lê Minh Long 09/08/2017 09:35

Phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khép lại với mức tăng đề xuất 6,5%, nhưng dư âm của nó thì vẫn “nóng” hơn bao giờ hết. Vậy với mức đề xuất tăng sẽ tác động như thế nào với doanh nghiệp và người lao động?

Tăng lương = tăng chi phí

Về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, mức tăng 6,5% đã thu hẹp tối đa khoảng cách giữa các bên. Tuy nhiên, quan điểm của đại diện Vitas nếu được, vẫn nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong 1-2 năm để doanh nghiệp (DN) lấy sức, thay vì tăng liên tục như hiện nay.

Trong vòng 10 năm qua, (từ năm 2007-2017), bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với DN trong nước và tăng 15% đối với DN nước ngoài. Điều này khiến các DN gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động. Đặc biệt với các DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, việc tăng lương gây rất nhiều khó khăn.

Dẫn chứng về những áp lực DN gặp phải khi tăng lương, ông Cẩm cho biết, đặc trưng của ngành này là thường xuyên tuyển thêm lao động mới, do đó mỗi lần tăng lương tối thiểu chi phí nhân công của các doanh nghiệp lại ‘đội” lên do phải bù nhập cho những lao động mới, tay nghề yếu, tăng mức đóng BHXH, BHYT do lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong bảng lương. “Nếu như lương tối thiểu tăng 1 đồng thì chi phí mà DN phải trả cho người lao động phải tăng gấp đôi”- ông Cẩm cho biết.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt cho rằng việc tăng lương và tăng ở mức 6,5% vẫn là một gánh nặng lớn cho DN. Ông Việt cho rằng tăng lương dẫn đến tăng các chi phí khác khiến DN phải chịu áp lực lớn trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực có chi phí lao động thấp hơn như Myanmar, Campuchia.

Không trông vào lương thì lấy gì mà sống?

Tuy nhiên, dù là đối tượng được tăng lương nhưng khi được hỏi, phần lớn người lao động (NLĐ) đều cho rằng, với mức tăng 6,5% không thể giúp họ có được mức sống tối thiểu.

“Sáng nay đọc báo, tôi thấy đại diện giới chủ khuyên NLĐ không nên trông chờ vào lương. Tôi thấy thật vô cảm khi nói lên những lời ấy. Không trông chờ vào lương chúng tôi biết sống bằng gì? Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương tối thiểu vùng I chỉ đạt 3,75 triệu đồng/người/tháng. Do đó, NLĐ muốn bảo đảm cuộc sống bắt buộc phải tăng ca. Có tháng chúng tôi phải tăng ca đến 100 giờ những mong kiếm thêm đủ trang trải cho cuộc sống”- Nguyễn Văn Tuấn, công nhân điện tử KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thanh Loan, công nhân sản xuất bánh kẹo Hà Đông, Hà Nội cũng cho rằng: “Tôi đồng ý kinh tế khó khăn nên DN cũng có nỗi khổ riêng, nhưng về phía NLĐ chúng tôi có nhiều cái khó. Với mức tăng 6,5%, tôi ở khu vực I nên từ năm 2018 mỗi tháng lương sẽ tăng thêm 230 ngàn đồng, đây là mức tăng không nhiều nhưng nó là con số khích lệ về tinh thần cho NLĐ. Chính vì vậy, DN cũng nên nhìn nhận việc tăng lương là trách nhiệm chứ không phải là gánh nặng”.

Đánh giá vai trò của việc tăng lương tối thiểu, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, hiện cơ hội có được thu nhập từ ngoài sản xuất của hầu hết người lao động là không nhiều, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp năm 2010 là 9,2 lần, năm 2012 là 9,4 lần và 2014 là 9,7 lần. Do đó nếu không tăng lương, đa số người lao động sẽ rất khó khăn, trong khi tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập, việc giảm sút tiêu dùng có thể dẫn đến sự giảm sút về tăng trưởng GDP.

Khi bàn đến quan điểm cho rằng việc tăng lương khiến dư địa của DN bị giảm sút, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đã khá thẳng thắn cho biết, DN muốn không tăng lương để giảm chi phí nhưng thực ra giảm chi phí không chính thức mới gấp nhiều lần chi phí cho NLĐ. Tăng chi phí cho NLĐ không bao giờ là vô ích. Điều đáng quan tâm là cần giảm những chi phí vô bổ, không chính thức mà hiện các DN đang phải chịu đựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi khổ mang tên 'lương'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO