Nói không với biếu xén, quà Tết

Việt Thắng 30/12/2016 09:59

Thêm một lần nữa, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra tối hậu thư tới lãnh đạo 63 tỉnh, thành: Toàn thể nhân dân cũng như các Bí thư, Chủ tịch tỉnh không phải đi thăm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng nữa. Các tỉnh cũng không về Hà Nội để chúc Tết.

Trong khi Thanh tra Chính phủ cấp tốc có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, tập đoàn kinh tế nhà nước đề nghị nắm bắt tình hình và báo cáo việc tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Nói không với biếu xén, quà Tết

Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp trực tuyến ấy, Thủ tướng nói: “Mỗi người dân phải có niềm tin và niềm vui đối với chế độ chúng ta. Muốn như vậy thì mỗi cán bộ, công chức phải có thái độ phục vụ nhân dân. Chính quyền mà để mất lòng dân là không được”. Sự cương quyết của Thủ tướng một lần nữa lại được nhắc đi nhắc lại như một sự tuyên chiến với cái xấu.

Trước đó, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 11-CT/TW qua đó yêu cầu năm 2017, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Thay vào đó để dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.

Nhìn từ sâu xa, hành động của Chính phủ cũng là tuân theo chủ trương của Đảng. Sự cương quyết của Đảng đã được người đứng đầu Chính phủ thể hiện bằng một lệnh cấm. Mà đã là cấm thì phải thực hiện, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Cũng là bởi Thủ tướng đã nhìn ra việc các tỉnh không phải đi lên đi xuống, xếp hàng chờ đợi, sẽ bớt cảnh xe chạy chật đường. Bởi mỗi dịp Tết đến là “các địa phương lo ngay ngáy, băn khoăn ngày đêm không biết mua gì”. Tới tặng quà thì băn khoăn mà không tới thì cũng thấp thỏm.

Cuối cùng, Thủ tướng kết luận: Mối quan hệ thông thường nên lấy tình nghĩa làm trọng, các lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng cần phải gương mẫu.

Sự gương mẫu của các lãnh đạo cấp cao là điều rất cần thiết. Làm được việc này sẽ rất nhẹ nhàng, giải tỏa được mối lo lắng, băn khoăn của cấp dưới để khi áp dụng thực hiện thì ai cũng đều vui vẻ, để các tỉnh không phải đi lên đi xuống, đi vào đi ra xếp hàng chờ đợi.

Với việc không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo thì sẽ bớt được cảnh “xe chạy quá trời quá đất, chật cả đường” hay phần dẹp nạn mua hóa đơn, chi tiêu không đúng quy định.

Một thông điệp nghe tưởng chừng mới, đơn giản nhưng lại là không mới. Ngay từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/2007/QĐ-TTg về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức nhằm nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức.

Hay như nhằm ngăn chặn tình trạng mượn quà biếu phục vụ mục đích cá nhân, năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có Chỉ thị số 21-CT/TƯ, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên; đồng thời không dùng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trái quy định. Cùng với đó là các chế tài trong các Luật Phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập cũng đề cập đến mức quà bao nhiêu là đã phạm tội đưa và nhận hối lộ với khung hình phạt rất nghiêm khắc.

Nhưng tại sao một việc cấm đã diễn ra gần 10 năm song lại khó thực hiện đến thế? Như một điệp khúc đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết là Thanh tra Chính phủ lại phải ban hành các văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm tình hình và báo cáo việc vi phạm về các quy định tặng quà, nhận quà tặng trong dịp Tết.

Thậm chí, Thanh tra Chính phủ còn công bố số điện thoại đường dây nóng để trực tiếp nhận phản ánh của người dân về tham nhũng và tặng quà Tết trái quy định. Nhưng vẫn còn đó tình trạng xe công nối đuôi nhau xếp hàng, chật đường”... mỗi độ cận Tết. Tất cả cũng là bởi thực hiện chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn, và cũng là từ sự kiểm tra, giám sát lỏng lẻo.

Cho nên việc nghiêm cấm được nhắc lại vào lúc này là việc cần thiết nhưng điều nhân dân mong đợi chính là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự giám sát của Mặt trận để Chỉ thị của Ban Bí thư và sự cương quyết của Thủ tướng được thực hiện nghiêm túc.

Những năm gần đây, việc Nhà nước, các cơ quan chức năng liên tục đưa ra những quy định liên quan đến việc cấm biếu, tặng quà Tết đã thể hiện sự nỗ lực trong việc ngăn chặn các hình thức biến tướng, lợi dụng quà Tết để hối lộ, chạy chức, chạy quyền.

Cần chấm dứt ngay tư tưởng “Tết này ai đến thăm quà” thì sẽ không còn những tư tưởng thăm, tặng quà gì cho lãnh đạo trong dịp Tết.

Để không còn lặp lại những báo cáo của Thanh tra Chính phủ nhìn nhận “tình trạng tặng quà, hối lộ vẫn diễn ra phổ biến, nhưng rất ít người nộp lại” làm suy giảm niềm tin của nhân dân, các tỉnh, thành sẽ tiết kiệm được nhiều tiền thuế của dân từ: Tiền quà, tiền máy bay, xe cộ; cho những món quà biến tướng; cho những đặc quyền đặc lợi cá nhân.

Và điều nhân dân mong đợi sâu xa hơn nữa là không thăm, biếu quà Tết sẽ chặn được con đường quan lộ của những cá nhân biến “ngân sách công thành tư lợi cá nhân” trong bối cảnh tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, cơ chế xin-cho chưa bị đẩy lùi, món quà Tết đang trở thành bị biến tướng.

Để cho câu kết của Thủ tướng: “Cán bộ công chức nhà nước tình cảm gắn bó, nhưng phải có phong cách sống giản dị để gần gũi với dân hơn” trở thành con đường gần dân; trở thành con đường đi ngắn nhất của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Nhân dân đang dõi theo, giám sát việc thực hiện lệnh cấm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nói không với biếu xén, quà Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO