Nói không với thuốc trừ sâu, hóa chất

Nhật Minh 08/12/2016 07:25

Thực trạng sản xuất manh mún, sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu một cách vô tội vạ là nguyên nhân khiến cho các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm bị thị trường trong và ngoài nước “dị ứng”.

Thực phẩm hữu cơ đang ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Giới chuyên gia nhận định, muốn phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp cần phải loại bỏ được phương thức canh tác hiện nay đó là “chuộng” thuốc trừ sâu, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và các chất gây ô nhiễm khác...

Khi thị trường “khát” thực phẩm sạch

Việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn, gây mất niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan, người tiêu dùng bắt đầu tìm đến các loại thực phẩm sạch và đây chính là xu hướng để nông nghiệp hữu cơ ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, chỉ khi phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững khi đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế trong xu hướng hội nhập.

Tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức mới đây, các mặt hàng nông sản hữu cơ đã được đưa đến từ nhiều địa phương và thu hút được số đông người tiêu dùng tham gia mua sắm.

Đặc biệt, tại gian hàng bày bán thực phẩm hữu cơ của nông dân tỉnh Quảng Trị, nhiều sản phẩm nông sản như gạo, gừng, cà phê, thịt lợn, thịt gà, rau… được bà con nông dân địa phương này đưa tới Hội chợ đều không sử dụng các sản phẩm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Được biết, những sản phẩm thuộc gian hàng này được đưa đến từ một dự án sản xuất sạch do Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) tài trợ.

Gần 1.500 nông dân thuộc hai huyện Hướng Hóa và Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị đã được học và thực hành phương pháp canh tác tự nhiên nghiêm ngặt, đòi hỏi tuân thủ chính xác các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là loại bỏ các sản phẩm hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học và chất bảo quản trong quy trình sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Lan, một nông dân ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị), người tham gia cung cấp sản phẩm cho gian hàng thực phẩm sạch nói trên cho biết: “Tôi chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ bằng cách thu gom các phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng, quá trình chăm sóc thì sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, phòng và trị sâu bệnh bằng nước gừng, ớt, tỏi”.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo ông Tom Wilson - Trưởng Chương trình Viện trợ New Zealand - Dự án sản xuất sạch đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho những người nông dân trồng cà phê, gừng và sắn tại Việt Nam. Bằng việc sử dụng những phương pháp canh tác tự nhiên và các kết nối thị trường, kinh tế hộ gia đình của nông dân trên địa bàn dự án đã phát triển đáng kể.

Theo ông Tom Wilson, nhiều sản phẩm nông sản đã được Dự án hỗ trợ để sản xuất theo hướng loại bỏ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi khâu sản xuất. “Sản xuất hữu cơ đang là xu hướng hiện nay, chỉ có sản xuất sạch mới có thể giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” – ông Tom Wilson nhận định.

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam cho rằng, các DN Việt Nam vẫn chưa nâng cao được nhận thức về chất lượng, vẫn chú trọng chạy theo sản lượng. Việc để xảy ra thực trạng các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên bị trả lại do không đạt chuẩn về an toàn thực phẩm xuất phát từ tư duy quá dễ dãi trong sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không có sự kiểm soát…

Theo ông Tomaso Andreatta, để khắc phục tình trạng này,Việt Nam cần chú trọng việc kiểm soát thuốc trừ sâu, phân bón và các chất gây ô nhiễm khác bằng cách tập huấn cho nông dân và nâng cao số lượng và năng lực của các phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng.

Đánh giá của giới chuyên gia nông nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam hiện vẫn còn mới và chưa có những quy chế cụ thể cho DN và người dân (dự kiến tới năm 2017 Chính phủ mới ban hành tiêu chí công nhận thực phẩm hữu cơ).

Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng này lại đang ngày một gia tăng bởi những lo lắng về tác hại của thực phẩm bẩn, thực phẩm sử dụng nhiều hóa chất gây ra cho môi trường và sức khỏe người dân.

Ở Việt Nam, PGS - một hệ thống chứng nhận chung về sản xuất hữu cơ trên thế giới - được xem là hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ duy nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về sản phẩm hữu cơ của PGS vẫn chưa thực sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nói không với thuốc trừ sâu, hóa chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO