Nỗi lo bữa ăn học đường

Lan Phương 17/09/2017 08:35

Hầu hết các trường học ở các thành phố lớn đều tổ chức bữa ăn bán trú tại trường cho học sinh. Tuy nhiên, trước bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, bữa ăn học đường đang khiến các bậc phụ huynh băn khoăn.


Cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường.

Nơm nớp nỗi lo thực phẩm bẩn
Năm ngoái, tại Hà Nội, dư luân đã rúng động bởi vụ rau bẩn tuồn vào các trường học ở Quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm kilôgam rau củ quả và thịt không rõ nguồn gốc được một công ty đã cam kết cung cấp rau đảm bảo chất lượng thu gom thực phẩm từ chợ đầu mối Vân Nội, Đông Anh rồi tuồn 7 trường mầm non và tiểu học khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội. Dù khi ấy ông Nguyễn Thanh Phong- cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng trấn an dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh rằng đây chỉ là những hạt sạn, không nên vì hạt sạn đó mà mất hết niềm tin các sản phẩm rau quả an toàn.

Năm nay, ngay trong những ngày đầu tiên của năm học mới, chiều 12-9, một phụ huynh đi đón con ở Trường Tiểu học Lý Nhân, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) thấy xe chở thực phẩm, rau củ vào bếp ăn của nhà trường nên đã tò mò đến xem. Khi mở xe chở đồ ra, phụ huynh này tá hỏa khi nhận thấy hầu hết số thực phẩm, rau củ quả trong xe đều ở trong tình trạng ôi, thối, dập nát, thậm chí có thứ còn đang phân hủy vì có dòi bò ra… Được biết, thực phẩm cho bếp ăn của trường hằng ngày do Công ty TNHH thiết bị giáo dục Tam Phúc (địa chỉ ở Thôn Phù Lập, xã Tam Phúc, Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cung cấp. Công ty này mới ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho nhà trường ngày 11-9.

Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, hàng trăm phụ huynh học sinh đã bức xúc kéo đến trường Tiểu học Lý Nhân yêu cầu nhà trường làm rõ. Tại buổi làm việc với phụ huynh học sinh và ban giám hiệu nhà trường, ông Lê Chí Thái- Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, huyện ngay lập tức ngày 13-9, UBND huyện Vĩnh Tường đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra vụ việc, yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra làm rõ, đồng thời đưa các mẫu thực phẩm đi kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm sẽ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của ngành y tế, các bếp ăn trong nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; dụng cụ, phương tiện chế biến, phân phối thức ăn phải đúng quy định; phải có phương tiện bảo quản lạnh thực phẩm; phải có sổ sách theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các hợp đồng cung cấp thực phẩm… nhưng dường như hợp đồng mua bán khi mua thực phẩm giữa các trường với các đơn vị cung ứng thực phẩm chỉ là hình thức, còn việc các đơn vị cung ứng có cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo theo cam kết hay không lại là vấn đề khác, bởi nguồn thực phẩm cung ứng cho các bếp ăn học đường rất lớn, phải thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, rất khó để kiểm tra chất lượng. Theo các bậc phụ huynh, hầu như chẳng có bất cứ thông tin gì về vấn đề bữa ăn trưa tại trường được cung cấp ở các cuộc họp phụ huynh đầu năm học.

Lo thiếu dinh dưỡng
Đến bất cứ nhà bếp nào ở trường học đều thấy ghi thực đơn từng ngày trên bảng song dường như nó được xây dựng không dựa trên tiêu chí bổ sung về năng lượng, mà chỉ là có cái để ăn.
Thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy: Điều tra khẩu phần ăn của học sinh từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh thành cho thấy, khẩu phần ăn năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu, canxi chỉ đạt 59%; khẩu phần sắt nhóm 6-9 tuổi chỉ đạt 68%. Đây là mối lo lắng thường trực của hầu hầu hết các bậc phụ huynh.

Chị Ngọc Hà, có con học lớp 4 Trường Tiểu học Quỳnh Mai kể: Con nhà tôi thuộc loại còi lại biếng ăn, lớp 4 rồi mà mới được hơn 30 kg. Nghỉ hè thì sức khỏe ổn định, cứ đi học là lại sút cân, vì bữa trưa ở trường là bữa chính mà cháu ăn rất ít. Cháu kể có hôm chỉ ăn cơm không, vì thức ăn không hợp ... bữa phụ buổi chiều hôm thì gói bim bim, hôm cái bánh ngọt hoặc hộp sữa nhỏ đều không đảm bảo dinh dưỡng. Hôm nào có tiết thể dục buổi chiều, vận động một tí thì hoa mắt, chóng mặt khiến tinh thần học tập giảm sút.

Chị Thanh có con học Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Mức đóng 28.000 đồng cho bữa trưa và bữa lót dạ (thường là cái bánh ngọt) không phải là thấp song vẫn nghe con than phiền: Một suất cơm thường có vài miếng thịt rang, ít canh rau ngót hay rau cải và một miếng đậu hôm nhồi thịt hôm không. Cũng có hôm đổi bữa thành thịt băm hay bún nhưng ít khi các con ăn hết suất. Sợ con đói, hàng ngày tôi phải nhét thêm bánh, sữa,... vào cặp để con ăn thêm. Cứ tưởng mình lo xa, hỏi nhiều phụ huynh khác ai cũng làm thế.

Theo TS Bùi Thị Nhung- trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề - Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhiều học sinh đang bị thiếu dinh dưỡng. Cụ thể, học sinh thiếu vitamin D chiếm tỉ lệ cao nhất, từ 46,6-58,3%. Tỉ lệ học sinh thiếu máu chiếm 11,8%. Chiều cao tăng trưởng trung bình của trẻ em Việt Nam trong vòng 15 năm, kể từ 3 đến 18 tuổi, chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn là 77cm trong khi của thế giới là trên 80cm. Bà Nhung, cũng khuyến cáo về thực trạng dinh dưỡng học đường đang đối mặt với gánh nặng kép dinh dưỡng: thiếu dinh dưỡng (gây nhẹ cân thấp còi) cùng với gia tăng thừa cân béo phì.

Năm 2016, Bộ GDĐT đã tổ chức khảo sát công tác bán trú tại 3.692 trường tiểu học với 95% trường có bếp ăn tập trung, 2.602.448 số học sinh bán trú của 63 tỉnh thành. Kết quả cho thấy, 100% nhà trường có tổ chức bán trú đều nhất trí với tính cần thiết phải cải thiện việc lên thực đơn bữa ăn.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn của trẻ em, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi tiểu học chưa đáp ứng cả về lượng lẫn chất. Điều tra khẩu phần ăn của học sinh từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh thành mới đây cho thấy, khẩu phần ăn năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu, canxi chỉ đạt 59%; khẩu phần sắt nhóm 6-9 tuổi chỉ đạt 68%. Mỗi suất ăn như hiện nay của học sinh thường chỉ cung cấp từ 800-1.000kcal, trong khi nhu cầu năng lượng của trẻ trai từ 13-15 tuổi là 2.500kcal và 16-18 tuổi là 2.700kcal.

Sau một thời gian khá dài được Viện Dinh dưỡng quốc gia tư vấn, phối hợp triển khai và thực hiện, phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc Dự án bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto khởi xướng đã được chính thức triển khai trên toàn quốc từ tháng 1-2017 và tại Hà Nội vào tháng 4-2017. Theo đó, phần mềm này có chức năng tạo thực đơn từ ngân hàng 120 thực đơn dựa trên 360 món ăn không lặp lại, cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và ngon miệng, được phân loại theo 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Trong đó, mỗi thực đơn sẽ gồm 5 món: cơm, canh, mặn, xào và tráng miệng.

Về tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với học sinh, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia chỉ rõ: bữa trưa của học sinh tiểu học cần có trên 10 loại thực phẩm, sử dụng nguồn cung cấp chất đạm từ động vật và thực vật và kết hợp nhiều loại rau, củ, quả khác nhau theo tỉ lệ protein – lipid và glucid cân đối; hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn. Còn với bữa phụ, tiêu chuẩn dinh dưỡng chỉ ra sữa (ít đường) và các chế phẩm từ sữa cần là thực phẩm chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo bữa ăn học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO