Nỗi lo cũ trở về

Miên Thảo 06/08/2019 06:00

Cơn lũ quét do mưa lớn sau bão số 3 làm 14 người dân (bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mất tích. Thật đau lòng. Nằm bên dòng suối Son, ngay bên con sông Luồng, bản Sa Ná có 74 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào Thái. Từ đêm 2/8 đến hết ngày 3/8, mưa to liên tục, nước thượng nguồn đổ về tràn vào bản khi người dân đang ngủ nên không kịp chạy.

Mưa lũ đã khiến 5 bản của xã Na Mèo là Son, Ché Lầu, Cha Khót, Na Poọng và Sa Ná bị chia cắt, cô lập. Sau bão, là những gì? Phải chăng vẫn là sự cứu giúp, những bài học kinh nghiệm? Nhưng dẫu thế thì vẫn là nỗi lo cũ, nỗi đau cũ vẫn còn đó.

Nỗi lo cũ trở về

Lũ quét qua bản Sa Ná cuốn trôi 24 ngôi nhà và 14 người, ngày 2 và 3/8/2019. Ảnh: Quách Du.

Bão và hậu bão vẫn luôn là nỗi lo thường trực. Cứ đến mùa bão, người ta lại lo chuyện chống bão, giúp người dân sau bão. Có những trận bão hậu quả ít, nhưng cũng có những trận bão hậu quả rất thảm khốc. Sau bão thật khó hình dung việc gì sẽ xảy ra. Đó là mưa kéo dài gây ngập lụt và những trận lũ khủng khiếp.

Trở lại với bản Sa Ná. Trước nay cũng có lũ nhưng chưa bao giờ lại có trận lũ khủng khiếp như đợt này. Nói người dân chủ quan cũng không phải, vì có biết đâu tai họa sẽ ập đến để đề phòng. Na Sá là bản vùng cao, bên suối Son gần sông Luồng, những tưởng dẫu lũ có về thì cũng rút nhanh. Ai dè, nước dồn về dữ quá, tràn cả lên hai bên bờ. Mà cũng không chỉ ở huyện Quan Sơn, ở tỉnh này còn có huyện Mường Lát cũng chịu hậu quả hậu lũ số 3. Bản Na Tao, xã Pù Nhi là một ví dụ. Có người đàn ông khi đi lùa bắt con lợn xổng chuồng cũng bị dòng lũ dữ ập đến cuốn trôi. Người vợ đi tìm chồng bị mắc kẹt giữa dòng suối dữ, may mà được dân làng vớt lên, đưa vào bờ thoát chết.

Với người dân miền núi, những trận lũ là nỗi đe dọa thường trực trong mùa mưa bão. Nhiều năm rồi, sau mỗi cơn bão người dân miền núi phía Bắc lại lo mưa lớn, lũ quét, lũ ống. Ngay như vùng Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cao là thế nhưng vẫn phải lo lũ. Những con suối hàng ngày êm ả, róc rách thơ mộng nhưng khi có lũ chợt trở nên hung dữ, gào thét cuốn phăng những gì cản trở “đường đi” của chúng. Trong khi, người nghèo vùng núi lại thường chọn dọc hai bên suối để dựng nhà, làm nương rẫy vì nguồn nước thuận lợi. Suối với vùng cao cũng giống như đường giao thông ở đồng bằng, người dân thường làm nhà dọc hai bên chỉ vì tính tiện lợi và cả lợi nhuận do thuận tiện việc thông thương. Chính quyền địa phương vẫn nhắc nhở đồng bào cẩn trọng trong mùa mưa lũ, phải dọn lên ở chỗ cao hơn tránh lũ. Nhưng như thế không đủ, vì rằng có dọn lên cao để tránh bị thương vong chết chóc thì nhà cửa, ruộng vườn, gia súc gia cầm cũng rất có thể bị lũ hủy hoại. Mỗi lần như vậy, lại phải làm lại từ đầu. Mà vài ba năm lại “làm lại từ đầu” thì cuộc sống dài lâu biết tính sao.

Lỗi không phải của người dân thì tại ai? Không lẽ tại ông Trời?

Thôi thì không bàn về lỗi của ai nữa, mà vấn đề là làm gì để không còn nỗi đau sau lũ đối với bà con vùng núi cao khi những cơn lũ tràn về. Ở đây, nổi lên vấn đề quy hoạch. Cần phải quy hoạch lại chỗ làm ăn sinh sống cho bà con trong từng bản, phải chấm dứt “thói quen” dựng nhà làm vườn bên cạnh dòng suối để mỗi khi lũ về không còn lo chạy, càng không phải lo lũ cuốn đi tài sản, hoa màu cũng như cuốn đi những phận người. Trách nhiệm đó thuộc về chính quyền địa phương. Không phải người dân vùng cao muốn ở trong những vùng nguy cơ, mà là do họ không có điều kiện để chuyển đi nơi khác- chỉ nói là trong bản, trong xã chứ đừng nói đến sang huyện khác, tỉnh khác, thành phố khác. Chỉ vì lý do rất dễ hiểu là họ không có tiền.

Không những thế, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm quan trắc, cảnh báo mưa bão, lũ lụt. Các cơ quan này thường đưa ra đường đi của bão, độ lớn của bão… cùng những lời nhắc nhở cẩn thận với hoàn lưu bão; nhưng ít khi thấy họ đưa ra được những địa điểm cụ thể có thể gặp tai họa. Mà bản Na Sá ở Na Mèo (Thanh Hóa) mới đây là một ví dụ điển hình.

Sạt lở đất ở đồng bằng sông Cửu Long, những vùng có nguy cơ động đất ở miền núi phía Bắc đã được cơ quan chức năng đưa ra. Đó là cảnh báo cần thiết. Nhưng chưa đủ. Điều rất cần là với người dân sống trong vùng có khả năng thiên tai là phải được quy hoạch lại nơi sống yên ổn, vì rằng an cư mới lạc nghiệp. Sống trong phấp phỏng âu lo, không biết bao giờ thì bị lũ, bị sạt lở cướp đi tài sản, hoa màu và cả mạng sống… thì không thể yên được.

…Từ chuyện 14 người dân ở bản Na Sá bị lũ cuốn trôi ngày 2 và 3 tháng 8 này, tới nay vẫn không biết họ đang trôi dạt nơi nào, một lần nữa cho thấy càng cần phải gấp rút có kế hoạch lo cho dân. Ở đây là người dân miền núi. Dù rằng thời gian qua phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy tác dụng nhưng người dân vẫn rất cần được ổn định cuộc sống. Mỗi khi mùa mưa bão tới, những nỗi lo cũ lại trở về, không lẽ như một định mệnh?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo cũ trở về

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO